Thất nghiệp vì ảo tưởng

Không lượng sức mình, cậy vào bằng cấp khá giỏi để đưa ra những yêu cầu “trên mây” khiến nhiều lao động trẻ bị nhà tuyển dụng loại bỏ.

Trong đợt tuyển dụng mới đây, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Dương (quận 11 – TPHCM) nhận được hồ sơ dự tuyển của hơn 100 ứng viên, trong đó nhiều ứng viên có bằng cấp loại giỏi. Tuy nhiên, ngay từ vòng sơ loại, bộ phận tuyển dụng của công ty loại ngay hơn 30 hồ sơ.
Ảo tưởng về năng lực, bằng cấp
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về cách xét chọn hồ sơ như thế có bị “lọt người” hay không, bà Lê Thị Thu, giám đốc công ty, lấy ra một hồ sơ bị loại, chỉ vào mục “mong muốn của ứng viên” rồi giải thích: “Chưa cần xem các mục khác, chỉ cần xem ở đây cũng có thể đánh giá hồ sơ. Ứng viên này mới ra trường đã mong muốn được bố trí làm quản lý, lương cao, được tự do sáng tạo. Tôi sẽ không tuyển một người như thế”.
Theo bà Thu, rất nhiều ứng viên dù chỉ ứng tuyển vào vị trí nhân viên nhưng lại có những nguyện vọng “làm lớn” như thế, kèm theo đó là những yêu cầu hết sức vô lý, không phù hợp với hoàn cảnh, môi trường làm việc của công ty. Chẳng hạn, có ứng viên mong muốn công ty có chế độ phúc lợi tốt, được cho đi công tác xa bằng máy bay; có ứng viên đề xuất khi đi tour phải được ở phòng riêng hoặc có ứng viên đòi hoa hồng hợp đồng cao gấp đôi vì “sẽ biết cách tìm được những hợp đồng lớn”…
Bà Thu còn cho biết nhiều ứng viên ảo tưởng về năng lực, bằng cấp của mình, xem đây là cơ sở để “mặc cả” với nhà tuyển dụng. “Chính suy nghĩ lệch lạc này đã khiến nhiều bạn trẻ để vuột mất cơ hội việc làm” – bà Thu nói.
Đánh mất sự khiêm tốn
Trong quá trình tuyển dụng, thường xuyên tiếp xúc với người tìm việc, bà Phan Thị Thu Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Schaeffler Việt Nam, nhìn nhận rất nhiều ứng viên tự đánh mất cơ hội do thái độ ứng xử, suy nghĩ huyễn hoặc về bản thân. Bà Hương nêu trường hợp điển hình của một nam ứng viên 28 tuổi mà bà rất tiếc khi phải loại người này bởi thái độ quá… “chảnh”.
Theo bà Hương, khi đọc hồ sơ của ứng viên trên, bà rất ưng ý về cách thể hiện hồ sơ, trình độ và kinh nghiệm làm việc trước đó của ứng viên. Sau khi phỏng vấn qua điện thoại bằng tiếng Anh, bà còn hài lòng hơn về khả năng sử dụng ngoại ngữ, khả năng ứng biến tình huống của ứng viên. Tuy nhiên, sau đó thì bà hoàn toàn thất vọng về thái độ của anh này.
“Khi được mời đến phỏng vấn trực tiếp, câu đầu tiên mà anh ta nói với tôi là: “Chị thấy mức lương và những yêu cầu của em trong hồ sơ chưa mà kêu đi phỏng vấn?”. Nghe vậy, cả hội đồng tuyển dụng đều lắc đầu” – bà Hương kể.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp ứng viên đòi hỏi quá đáng khi tham gia tuyển dụng. Theo bà Hương, không ít ứng viên vì quá tự tin nên đánh mất đức tính khiêm tốn – yếu tố mà nhà tuyển dụng rất cần.
Mức lương “trên trời”
Cùng với việc đưa ra những yêu cầu “quá sức chịu đựng” đối với nhà tuyển dụng, ứng viên thường đưa ra mức lương quá cao so với vị trí ứng tuyển. 
Một nhân viên bộ phận tuyển dụng của CLB Nhân sự Việt Nam đưa cho chúng tôi xem một số hồ sơ xin việc. Dừng lại với hồ sơ của ứng viên P.T.Tr, 24 tuổi, cử nhân khoa quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy mức lương yêu cầu của ứng viên này là 1.000 USD/tháng.
Đại diện bộ phận tuyển dụng của CLB Nhân sự Việt Nam cho biết trong hàng ngàn hồ sơ nhận được qua hòm thư điện tử, có rất nhiều hồ sơ yêu cầu mức lương cả ngàn USD như thế trong khi chỉ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm gì.
Các nhà tuyển dụng cho biết mức lương từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng là mức lương của cấp quản lý. Trong khi đó, rất nhiều bạn trẻ chỉ ứng tuyển vào vị trí nhân viên nhưng cũng đưa ra mức lương như thế là không lượng được sức mình.
Bà Lê Thị Thu nhận định: “Các bạn trẻ chưa tìm hiểu kỹ về công ty, đặc thù công việc trước khi quyết định ứng tuyển nên thường có những yêu cầu quá đáng. Không có doanh nghiệp nào mạo hiểm đi “săn” nhân tài kiểu như vậy”.

Theo NLĐ