Nhượng quyền Thương hiệu xa xỉ

Trừ Louis Vuitton, thương hiệu không giảm giá và không cho phép Nhượng quyền Thương mại, hầu như tất cả các mặt hàng xa xỉ đều ồ ạt thâm nhập các thị trường mới nổi với hình thức kinh doanh này.

Nhượng quyền thương hiệu cao cấp bắt đầu từ cuối những năm 1970 với các sản phẩm da và phụ kiện Pháp. Tuy nhiên, nó chỉ phát triển mạnh mẽ sau thập niên 1990, khi các nền kinh tế mới nổi cho thấy nhu cầu khẳng định mình qua việc tiêu thụ ồ ạt các mặt hàng đắt đỏ của châu Ấu. Theo thống kê, các sản phẩm xa xỉ có xu hướng đập vào mắt người đối diện, như đồng hồ, túi xách, trang sức, xe hơi… được tiêu thụ mạnh nhất ở châu Á.
Tikka Shatrujit Singh, Giám đốc đại diện tại châu Á của LVMH từng kết luận, không bao giờ là quá muộn để mở hàng loạt cửa hàng sang trọng khắp nơi trên thế giới thông qua hình thức nhượng quyền. Thị trường Ấn Độ, chẳng hạn, ước tính, doanh thu ngành hàng xa xỉ có thể đạt tới 14,7 tỉ USD trong năm 2015.
Tuy vậy không thể dễ để nhận nhượng quyền của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Những tên tuổi lớn như Prada, Hermès, Chanel, Ralph Lauren rất khắt khe và chỉ cho phép nhượng quyền hạn chế ở một số quốc gia.
Cũng dễ hiểu khi yêu cầu nhận nhượng quyền là năng lực tài chính. Doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản không nhỏ để xây dựng cửa hàng theo đúng yêu cầu của bên nhượng quyền. Chi phí dao động từ 2.500 – 15.000 USD/m2 xây dựng. Một cửa hàng trang phục cao cấp có diện tích trung bình 250 m2, còn với cửa hàng trang sức là 100 m2. Các vị trí được coi là phù hợp nhất để xây dựng cửa hàng thường là khách sạn 5 sao, các tổ hợp mua sắm hàng cao cấp và các khu mua sắm tại sân bay.
Ngoài mặt bằng, bên nhận nhượng quyền còn có nghĩa vụ góp 5-8% doanh thu hằng năm vào ngân sách tiếp thị quốc tế của một số thương hiệu.
Để hạn chế rủi ro, các thương hiệu cũng phòng ngừa bằng cách xem xét một cách khắt khe các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới kinh doanh của phía đối tác, như kinh doanh bán lẻ, nhất là bán lẻ cao cấp của bên nhận nhượng quyền, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên, danh sách khách hàng tiềm năng và hiểu biết thị trường…
Kinh doanh hàng xa xỉ chưa bao giờ là dễ dàng. Cuộc khủng hoảng năm 2009 làm doanh thu toàn ngành giảm tới 8% khắp thế giới, Valentino và Hermès đã lỗ lã rất nhiều. Hai tên tuổi lớn của làng thời trang thế giới là Christian Lacroix (Pháp) và Escada (Đức) đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Ngày nay, ngay cả khi hàng xa xỉ đứng vững ở con số 220 tỉ USD doanh thu mỗi năm, ngành kinh doanh này vẫn ẩn chứa nhiều thách thức. Đa dạng hóa mọi hình thức sản phẩm và vật dụng, từ móc khóa Gucci cho tới sôcôla Armani và điện thoại cầm tay Prada, hàng hiệu không chỉ trả lời câu hỏi về đẳng cấp mà còn ẩn chứa thông điệp về lối sống và phong cách. Nó không còn là thú vui của những người lắm tiền, mà đã trở thành sở thích mới của giới trung lưu, gồm cả dân văn phòng và tất nhiên, ngay ở các thị trường mới nổi.
Tại một nước phát triển như Nhật, một phụ nữ có chiếc túi Louis Vuitto đầu tiên năm 35 tuổi, nhưng ở những nước mới giàu lên như Trung Quốc, con số này chỉ là 25.
Trong số các thị trường nhiều hứa hẹn, Trung Quốc là điểm đến khó cưỡng nhất. Ngay cả trong năm 2009, doanh thu hàng xa xi ở nước này cũng không hề giảm, mà ngược lại còn tăng tới 12%. Hiện có hơn 1 triệu triệu phú đô-la tại đây, theo thống kê của Hurun Rich List.
Một sản phẩm bán với giá 100 USD tại Pháp có thể bán được 114 USD tại Trung Quốc, phần vì thuế và phí, nhưng quan trọng hơn, người Trung Quốc sẵn sàng mua với giá cao hơn.
Chỉ tính riêng Macau, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc, doanh thu hàng xa xỉ hiện nay đã chiếm tới 25% tổng doanh thu ngành trên toàn cầu. Các thị trường mới nổi đang đóng góp 40% doanh thu thế giới, nhưng trong chỉ 10 năm nữa, con số này được dự đoán sẽ là 60%.

Theo kienthuckinhte.com