Tay phải không tin vào tay trái – mô hình quản lý đó ở một số lĩnh vực đã tạo nên kẽ hở cho một loại “nghề” mới xuất hiện. Một nghề nêu kỷ lục về thời gian ngắn nhất từ lúc “đầu tư” đến khi thu lãi, chừng 15 phút đồng hồ.
Hiện nay, do tâm lý “tay phải không tin vào tay trái” nên khi xử phạt các vi phạm giao thông của tài xế, những người vi phạm phải mất một buổi để thực hiện quy trình: xếp hàng, đặt giấy – chờ gọi tên.
Đặt xong (thường hết ít là nửa giờ, lâu thì gần một buổi), vào đến bàn, người vi phạm ký vào biên bản xử lý do viên cảnh sát giao thông (CSGT) lập, xong nhận một bản đi nộp tiền tại kho bạc.
Với người sở tại, việc này cũng thường, nhưng nếu là người nơi khác đến thì bắt đầu trải qua một đợt phiền phức thứ hai.
Đầu tiên, tìm được kho bạc với một cái tên phố lạ giữa đất lạ đã khó. Tìm được rồi, khi xếp giấy ai nấy hoa mắt nhìn chồng giấy dày dặn phát khiếp.
Chưa hết, có nơi nhân viên thu ngân dùng loa phóng thanh gọi tên người đến lượt, có nơi gọi bằng miệng.
Nếu cô này tiết kiệm năng lượng, chỉ khẽ xướng tên “đương sự” trong những ồn ào lộn xộn của nơi này, người nghe không kịp “dạ” ngoan ngoãn rồi nhảy bổ vào nộp tiền thì coi chừng cô ta sẽ âm thầm để sang chồng khác rồi gọi một cái tên mới.
Chính vì những sự nhiễu nhương này, có khi nộp tiền xong, đem biên lai về thì trụ sở CSGT đã hết giờ, vừa đóng cửa. Nếu là buổi chiều thì đi tìm chỗ trọ, chờ đến hôm sau…
Chính vì thế, hai năm trở lại đây xuất hiện một giới cò con mà có người gọi đùa là “trợ lý kho bạc”, họ giúp các “khổ chủ” rất đắc sự.
Như ở Bình Dương, có hẳn một đội ngũ “cò” để xe bên siêu thị đối diện. Từng “cò” sang sát bàn xử lý, tiếp cận với người vừa ngơ ngác cầm tấm biên bản trở ra rồi xin đi… nộp tiền giùm với lời hứa không quá 15 phút.
Người làm nghề “trợ lý” này cũng phải có dăm triệu vốn để tự bỏ ra nộp, khi đem biên bản về trao lại cho chủ giấy mới lấy tiền.
Sáng thứ sáu 12/11/2010, tôi có mặt tại trụ sở CSGT Bình Dương và ghi nhận “trợ lý” Tư S. vù đi với 5 tấm giấy, khi trở về đến nơi chỉ mất 11 phút. Buổi sáng hôm đó, từ 8 giờ 20 phút đến 11 giờ trưa, riêng mối này đã chạy được 11 “phi xuất” và “góp phần giải quyết” được gần 50 giấy.
Mỗi tấm giấy chỉ thu chừng 30.000 đồng thì một “trợ lý” mỗi ngày có thu nhập cũng kha khá, chừng 2-3 triệu đồng, mỗi tháng chừng… 30-40 triệu bạc!
Ở một điểm này có chừng dăm “cò’ như vậy, chứng tỏ cái phiền phức do định chế này gây ra không nhỏ chút nào, nếu tính tới quy mô toàn quốc.
Tại Phủ Đức, TP. Việt Trì cũng vậy, nhưng “cò” ở đây năng động hơn.
Nếu “cò” Bình Dương chỉ làm nhiệm vụ khai thông quan hệ với kho bạc thì “cò” ở Phú Thọ giỏi hơn nhiều. Họ chỉ cần liếc biển số xe chở người đến giải quyết, liếc qua sắc mặt hay nghe thoảng câu lủng bủng trong miệng đương sự là biết người kia cần gì.
Có người bị “bắn tốc độ” ở Bãi Bằng, Phù Ninh nhưng cơ quan tận… Cà Mau. Khi viết biên bản, các chú CSGT hứng lên ghi hẳn cho cái hẹn mươi ngày, khiến vị này lâm vào thế ở cũng chết, về rồi quay lại cũng chết, đành tìm đến nài nỉ và câu trả lời thường là không được, trong một tư thế nguyên tắc phát khiếp, không thể chê được của người giải quyết.
Đúng lúc ấy, “cò” ra tay.
Có thể mọi việc sẽ xong ngay trong ngày hôm ấy.
Nhìn tấm ảnh trên, thấy những người ăn mặc giản dị, đi xe gắn máy hạng xoàng nhưng đó là những “trợ lý kho bạc” hay “trợ lý đa năng” hết sức và hữu dụng. Họ còn có tư cách khác là “những doanh nghiệp không tên”, chỉ xoay vòng đồng vốn trong 15 phút là có lãi, một kỷ lục khó phá trong ngành thương mại thế giới này.
Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, ít nhất 30 tỉnh có kho bạc cách trụ sở CSGT tỉnh từ 2km trở lên đến 5km, một cự ly dù ngắn dù dài nhưng không dễ tìm kiếm với người lạ, cho nên số tiền giới tài xế phải “chung chi” cho các “trợ lý” này mỗi tháng cũng là bạc tỷ!
Đã tới lúc giới hữu trách phải xem xét đến việc điều chỉnh định chế này.
Việc thu tiền phạt, sau ý nghĩa giáo dục nhân dân chấp hành pháp luật thì đây đích thị là một nguồn “siêu lợi nhuận”, một nguồn thu mà “đầu vào” chỉ là cái… còi hoặc cái máy bắn tốc độ. Nguồn thu cực kỳ lớn. Đồng tiền phân bạc góp rất nhiều vào tài lực quốc gia, nhưng ở khâu tiếp nhận có vẻ rất “cành kiêu”, rất bất cần, mặc người đang đến để làm-giàu-cho-đất-nước kia phải cam go với bao nhiêu phiền phức.
Mỗi ngày, ở những địa phương lớn như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng… hàng trăm triệu được thu về cho nhà nước. Chừng ấy tiền dư để ngành kho bạc cử đặc trách một nhân viên xuống thường trực ngay tại cơ quan xử lý, vừa tận thu tiền bạc vừa tránh những tổn hại vô lý như nói ở trên.
Theo .doanhnhan.net