Những nhà đầu tư trẻ

Michael Druker là một anh chàng 17 tuổi, ở bang Connecticut, Mỹ, thích đi chơi với bạn bè, thích bóng rổ và tennis. Cậu đã đầu tư khoảng 4.000 đôla vào chứng khoán từ năm 13 tuổi, và có lãi 10-20%/năm.

Mỗi sáng, cậu dậy vào lúc 6 giờ – khi những người bạn còn đang ngủ nướng – để xem thời sự của kênh CNBC trong một tiếng. Mỗi tối, cậu đọc những bản báo cáo của các nhà phân tích và nghiên cứu tình hình chứng khoán trên mạng. Còn ở trường, cậu check cổ phiếu của mình bằng laptop hoặc máy tính trong thư viện trường bất kỳ khi nào có thể.
Làm người lớn phải nể
Thị trường nhộn nhịp làm cho mọi người đều thấy trở thành triệu phú không phải là bất khả thi. Và người ta không còn thấy lạ khi các cô cậu còn chưa đủ tuổi lái xe hay bầu cử đang dùng tiền đi trông trẻ hay tiền được cho trong ngày sinh nhật để mua cổ phiếu, mặc dù rất nhiều trong số họ có một kỳ vọng khiêm tốn: “Mình chỉ muốn học hỏi kinh nghiệm” – Bibi Schweitzer (SN 1985, New York).
Tuy “chỉ học hỏi” nhưng trong vòng vài năm, Bibi đã có khoản vốn 7.000 đôla bằng cách đầu tư tiền tiêu vặt của mình vào cổ phiếu của Johnson & Johnson và Cisco Systems. Bibi cũng là thành viên nữ duy nhất trong câu lạc bộ “Những nhà đầu tư trẻ” ở trường mình.
Bình thường, những nhà đầu tư trẻ bắt đầu bằng cách mua cổ phiếu của những công ty quen thuộc với giới teen của mình. Đó là lý do mà McDonalds và Nike thu hút rất nhiều nhà đầu tư 8X – và đó cũng là lựa chọn thông minh vì những công ty có đối tượng lớn là dân 8X này đang rất ăn nên làm ra.
Các hãng máy tính/ công nghệ cũng là một lựa chọn của dân 8X. Aaron Greenspan (1984, bang Ohio), sau khi sáp nhập công ty phần mềm ThinkComputer của mình vài năm trước, đã bán hết sản phẩm được 106.000 đôla và đầu tư 10.000 đôla vào các hãng phần mềm lớn, quen thuộc như Adobe. Lý do? “Vì chính tôi thường dùng sản phẩm của họ” – Aaron giải thích.
Mặc dù theo Aaron thì việc mua những cổ phiếu quen thuộc sẽ làm giảm sự đa dạng, nhưng đa số dân 8X đầu tư vào cổ phiếu thích mình có thể nắm được khoản tiền của mình: “Tại sao lại phải trả tiền cho người khác quản lý tiền của mình trong khi tự mình có thể làm điều đó?” – David Leung (1984, California) khẳng định.
David đầu tư không kém gì một tay chuyên nghiệp: trong vòng 7 năm, cậu biến những món quà và tiền tiêu vặt của mình thành một khoản vốn gần 500.000 đôla bằng cách đầu tư chứng khoán.
David cũng có “triết lý đầu tư” của riêng mình. Cậu đầu tư theo kiểu dài hạn, khoảng 10 năm. “Luôn luôn có khả năng là cổ phiếu sẽ sụt giá, nhưng nếu đó là một công ty có thương hiệu tốt, thì kiểu gì họ cũng làm cho nó bật lên được”.
Alastair Rampell (1982, bang Florida) thì có bước tiếp cận mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Cậu bắt đầu chơi chứng khoán từ khi còn học ở Harvard, theo kiểu “mua và giữ” cổ phiếu.
Nhưng sau khi bắt đầu làm ở công ty Boca Raton, cậu thử nghiệm kiểu khác: “Kiểu đầu tư của tôi không phải là “đầu tư theo ngày”, nhưng cũng là một kiểu ngắn hạn. Tôi để ý thấy rằng cổ phiếu thường tăng giá khi được đề cập tới trên kênh CNBC. Thế là từ website của CNBC, tôi download danh sách những công ty, khách mời… sắp tới của kênh và lựa chọn mua cổ phiếu của họ. Rồi đúng buổi sáng mà họ được lên sóng CNBC, tôi sẽ bán luôn”.
Riêng trong năm ngoái, Alastair đã thực hiện khoảng 300 cuộc mua bán, kiếm khoảng 60.000 đôla!
Và những đòn chí mạng
Nhưng cũng không phải là dễ để có thời gian nghiên cứu rồi mua bán cổ phiếu với một thời gian biểu đã đông đặc những bài tập, giờ học ngoại khoá, việc làm thêm… Alastair kể lại rằng hồi học ở Harvard, có một học kỳ bận đến mức cậu không có thời gian theo dõi sự lên xuống của thị trường, và kết cục là trong vòng 3-4 tháng, tài khoản của cậu tụt từ 250.000 xuống 160.000 đôla.
Cũng rất nhiều nhà đầu tư trẻ khác phải học lấy bài học khắc nghiệt. Michael Seltzer (1985, bang Connecticut) mua 500 đôla cổ phiếu của Adaptec và 500 đôla của Symantec, vì đây là hai hãng quen thuộc.
Nhưng cũng sau 5 tháng, cậu thú nhận: “Họ làm ăn không tốt lắm, chắc tôi cần phải đa dạng hoá các loại cổ phiếu. Đôi khi, các hãng lớn bị cạnh tranh mạnh tới mức nếu mua cổ phiếu của những công ty đối thủ của họ – đang có tốc độ phát triển cao – thì sẽ nhanh lãi hơn nhiều”.
Chơi cổ phiếu là điều rất khó dự đoán – đó là điều mà rất nhiều người lớn còn chưa học được. Tuy nhiên, dù thua hay thắng, chắc chắn rằng khi trưởng thành hơn, những nhà đầu tư trẻ tuổi này sẽ có nhiều điều dể dạy lại thế hệ tiếp theo về thị trường chứng khoán.

Theo Sinh Viên Việt Nam