Mới đây tập đoàn sản xuất thực phẩm và nước giải khát Suntory xác định giá cho lần IPO sắp tới. Suntory có thể thu về 4,8 tỷ USD qua IPO và trở thành thương vụ lớn nhất tại châu Á trong năm nay.
Sự kiện IPO của Suntory sắp tới sẽ là phép thử thái độ nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường chứng khoán Nhật Bản biến động lớn. Chỉ số Nikkei 225 đã mất 17% kể từ khi đạt đỉnh cao nhất trong vòng 5,5 năm vào hồi tháng 5.
Lượng tiền thu về sẽ được Suntory tập trung vào việc thâu tóm các công ty tăng trưởng nhanh tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên tập đoàn này và doanh nghiệp Nhật Bản cùng ngành là Kirin Holding Co Ltd đang phải đối mặt với nhiều đối thủ trong việc thâu tóm các công ty sản xuất nước giải khát tại khu vực này.
Tuần trước, Suntory cho biết mức giá xác định dao động trong khoảng từ 3.000-3.800 Yên cho mỗi cổ phiếu. Mức giá này phản ánh biên động dao động lớn của thị trường chứng khoán Nhật Bản gần đây. Nếu mỗi cổ phiếu bán được giá cao nhất là 3.800 Yên thì Suntory sẽ thu về được 470 tỷ Yên tương đương 4,8 tỷ USD. Số tiền này sẽ lớn hơn gấp đôi lần IPO 2,1 tỷ USD của tập đoàn Thái Lan BTS Group Holdings Pcl- được xem là thương vụ lớn nhất tại châu Á trong năm nay.
Sau đợt IPO tới, Suntory sẽ có vốn hóa thị trường 1,17 nghìn tỷ Yên, đứng sau tập đoàn Kirin với mức 1,6 nghìn tỷ Yên và Asahi Group Holding với con số 1,2 nghìn tỷ Yên.
Suntory được điều hành bởi tỷ phú 67 tuổi Nobutada Saji, cháu trai của người sáng lập ra tập đoàn này. Mặc dù hãng đồ uống này nổi tiếng với các nhãn hiệu bia cao cấp và rượu Whisky nhưng sản phẩm đồ uống không cồn tạo ra hơn nửa doanh thu cho Suntory.
Suntory kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 14% lên 1,13 nghìn tỷ và lợi nhuận tăng 50% lên 35 tỷ yen trong năm nay. Hãng đồ uống này cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hàng năm tối thiểu 5% trong 3 năm tới.
Tại Nhật Bản, Suntory là hãng sản xuất nước ngọt lớn thứ 2 sau Coca-Cola và khoảng cách thị phần giữa hai công ty này ngày càng thu hẹp. Kazuhiro Miyashita, một chuyên viên phân tích cho biết “Thị phần nội địa Nhật Bản của Coca-Cola là 27,9% và Suntory là 19,6%. Trước đây khoảng cách giữa hai hãng này còn lớn hơn rất nhiều”.
Với tiềm năng tăng trưởng nội địa là tương đối ít nên Suntory hướng tới việc mở rộng ra nước ngoài trong những năm gần đây như việc thâu tóm tập đoàn Orangian Schweppes của Pháp, Frucor Beverages của New Zealand năm 2009. Tuy nhiên việc thâu tóm các doanh nghiệp tại Đông Nam Á được cho rằng không dễ dàng và khá tốn kém.
Ví dụ điển hình cho điều này là việc người đồng hương Kirin để tuột mất cơ hội thâu tóm nắm quyền kiểm soát hãng thực phẩm và sản xuất đồ uống Singapore Fraser and Neave (F&N) về tay đối thủ ThaiBev của Thái Lan.
Theo Trí Thức Trẻ/Reuters