Cuộc chạy đua giữa hai hãng máy bay lớn nhất thế giới Airbus và Boeing trên sân chơi lớn qua cuộc triển lãm hàng không Le Bourget lần thứ 50 vừa kết thúc ngày 23-6 trong đó Airbus có phần nhỉnh hơn.
Tại cuộc triển lãm này, hai ông khổng lồ trong ngành là Boeing và Airbus cùng ra về với đơn đặt hàng chưa từng có.
Trong vòng một tuần lễ, tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus nhận được đơn đặt hàng trị giá 39,3 tỉ USD để cung cấp 241 chiếc máy bay cho khách hàng. Đó là những hợp đồng đã ký kết, còn nếu tính luôn cả những ý định đặt hàng thì Airbus đã rời khỏi khu triển lãm Le Bourget với hơn 68 tỉ USD, để cung cấp 466 chiếc máy bay đủ loại từ A320 – A320 Neo đến A330 cũng như chiếc máy bay vừa trình làng A350 hay loại máy bay khổng lồ A380.
Giám đốc tiếp thị của Airbus, Alan Pardoe không khỏi tự hào về thành tích vừa gặt hái được tại triển lãm Le Bourget:
“Ngay từ ngày khai mạc chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ ba khách hàng lớn là IFC đặt mua thêm khoảng 50 chiếc A320 đời mới. Tiếp theo đó là Doric với hợp đồng tuyên bố ý định mua khoảng 20 chiếc A380. Sau đó là Lufthansa một khách hàng của Airbus mua cả trăm chiếc A320. Với khoảng 500 chiếc máy bay bán được, tương lai đã được bảo đảm trong bảy năm tới. Chúng tôi rất hài lòng về thành tích này và đương nhiên, Airbus vẫn có thể cung cấp hơn thế nữa”.
Một trong những khách hàng truyền thống của Airbus là hãng hàng không Air France của Pháp, chủ tịch tổng giám đốc Air France, Alexandre de Juniac giải thích vì sao luôn ưu tiên chọn máy bay của châu Âu:
“Chúng tôi đặt mua máy bay mới chủ yếu là vì những kỹ thuật tối tân nhất, hiệu quả nhất về phương diện kinh tế, cũng như để nâng cao chất lượng các chuyến bay đối với hành khách. Air France đã chính thức đặt mua 25 chiếc máy bay A350, trị giá 7,5 tỉ USD. Đây là khoản đầu tư của tập đoàn hàng không dân dụng Air France cho 20 năm tới”.
Thế nhưng Air France cũng đã đặt mua 25 chiếc Boeing 787, đây là loại máy bay tương đương với chiếc A350 của Airbus.
Phía tập đoàn nổi tiếng của Mỹ là Boeing cũng đã thu về hơn 60 tỉ USD. Phó chủ tịch tổng giám đốc Boeing có mặt tại Le Bourget nhấn mạnh rằng tăng trưởng của ngành hàng không chủ yếu đến từ châu Á.
Ông nói: “Như đã biết, ngành hàng không đứng rất vững và đứng ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trung bình trong 30 năm qua, thị trường hàng không thế giới đã tăng 5% mỗi năm, bất chấp kinh tế trồi sụt ra sao. Trung Quốc là một điển hình minh họa điều đó: châu Á bảo đảm đến 35% các dịch vụ giao thông hàng không của thế giới hiện nay, và chúng tôi nghĩ là trong 20 năm nữa, một nửa các chuyến bay trên toàn cầu là để phục vụ cho châu lục này”.
Tăng trưởng và thách thức
Trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang ảm đạm thì tin vui của Airbus là một tia nắng ấm: Thứ nhất, Airbus tại triển lãm Le Bourget vừa qua đã ký hợp đồng để cung cấp 650 chiếc máy bay và khối lượng đó cho phép tập đoàn chế tạo châu Âu bảo đảm công việc làm cho nhân viên trong tám năm tới.
Thứ hai, đây là một lĩnh vực mà doanh thu không ngừng gia tăng: năm ngoái, chỉ riêng lĩnh vực hàng không dân sự đã mang về doanh thu hơn 42 tỉ euro cho nước Pháp. Khoảng 75% số tiền đó có được là nhờ vào xuất khẩu.
Ngành chế tạo máy bay tuyển dụng thêm 15.000 người chỉ riêng tại Pháp, tạo thêm 8.000 chỗ làm, như vậy trên toàn nước Pháp có 170.000 người làm việc trực tiếp trong ngành công nghệ hàng không. Thêm vào đó còn phải kể đến khối lượng 140.000 nhân viên trong những ngành nghề liên quan đến khu vực hàng không.
Một tin vui khác nữa là các dịch vụ hàng không dân sự trên thế giới đang phát triển với một mức độ chóng mặt. Theo ước tính từ nay đến năm 2032 thế giới sẽ cần phải sắm thêm 35.000 chiếc máy bay đủ loại, kể cả máy bay loại nhỏ với chưa đầy 100 chỗ ngồi, hay máy bay chở hàng.
Chủ tịch tổng giám đốc Airbus, Fabrice Brégier cho biết trong hai thập niên tới, 30% máy bay của các hãng hàng không dân sự châu Âu sẽ phải được thay thế hoàn toàn; tỷ lệ đó sẽ là 40% đối với các hãng hàng không của Bắc Mỹ. Điều đó có nghĩa là đơn đặt hàng từ châu Âu, Hoa Kỳ và Canada sẽ khá thường xuyên.
Về nhịp độ sản xuất thì vào khoảng năm 2020, Boeing sẽ phải cho ra đời hằng năm 1.500 chiếc máy bay thay vì 1.200 chiếc như hiện tại. Về phần mình Airbus đã nâng mức độ sản xuất đang từ 28 chiếc máy bay/tháng vào những năm 2.000 lên thành 42 chiếc một tháng hiện nay. Thế nhưng các hãng gia công cho Airbus hay Boeing cũng phải tăng trưởng với nhịp độ tương tự như vậy.
Thách thức thứ ba đặt ra cho các nhà chế tạo máy bay Âu-Mỹ là phải thích nghi với các chuẩn mực ô nhiễm không khí ngày càng khắt khe của quốc tế, phải đối phó với giá xăng dầu đắt đỏ.
Do vậy cả hai nhà sản xuất chính là Boeing và Airbus đã không ngừng chạy đua để tìm kiếm những công nghệ mới, những vật liệu mới, chẳng hạn như là động cơ chạy ít tốn xăng hơn hay vật liệu có thể làm giảm bớt trọng lượng của máy bay. Ai cũng biết là chiếc A350 đời mới sẽ cho phép tiết kiệm đến 25% xăng dầu so với chiếc Boeing 777.
Hàng không dân sự Nga tìm làn gió mới
Triển lãm Le Bourget 2013 còn đánh dấu sự trở lại của ngành công nghiệp hàng không Nga: Tập đoàn nhà nước OAK, đang mở chiến dịch tấn công vào một lĩnh vực mà tới nay Airbus và Boeing đang chiếm ưu thế.
Mục tiêu của OAK đang hướng tới là loại máy bay MS-21 sẽ giúp ngành công nghiệp hàng không Nga chen chân vào một thị trường do châu Âu và Mỹ kiểm soát. Moscow kỳ vọng chiếc MS-21 đầu tiên được bay vào năm 2017 và ngay từ những bước đầu sẽ bán được 1.000 đơn vị cho các hãng hàng không giá rẻ.
OAK sở dĩ phải vội vàng hướng tới lĩnh vực này do đến nay loại máy bay dưới 100 chỗ ngồi Superjet 100 vẫn chưa tìm được một chỗ đứng trên thị trường quốc tế, trong lúc kiểu E2 của Brazil do Embraer chế tạo chỉ vừa ra mắt đã gặt hái được không biết bao nhiêu đơn đặt hàng. Chỉ riêng tại triển lãm Le Bourget lần này, Embraer đã ký hợp đồng bán hơn 100 chiếc cho hãng hàng không giá rẻ Skywest của Úc.
Từ khi được trình làng, mới chỉ có 15 chiếc Superjet 100 của Nga đã đi vào hoạt động. Toàn bộ là để phục vụ cho các hãng hàng không của Nga. Mười chiếc thuộc chủ quyền của hãng Aeroflot, nhưng một nửa trong số đó thường bị giữ lại ở các sân bay do phụ tùng không được cung cấp đúng thời hạn khi cần sửa chữa. Dù vậy OAK đã trưng bày một chiếc Superjet 100 bóng loáng tại khu triển lãm Le Bourget với tham vọng bán ít nhất 400 đơn vị cho các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ.
Trung Quốc cũng chen chân vào thị trường béo bở
Nga không phải là nước duy nhất tìm cơ hội tham gia vào thị trường này mà Trung Quốc cũng đang ấp ủ tham vọng tương tự.
Từ năm 2007 Trung Quốc đã đưa ngành chế tạo máy bay, hàng không, không gian vào danh sách các lĩnh vực chiến lược. Năm nay là lần thứ nhì Trung Quốc tham dự triển lãm Le Bourget.
Trong lĩnh vực hàng không dân sự, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất loại máy bay nhỏ, dưới 100 chỗ ngồi có tên gọi là ARJ21 do Tập đoàn Comac chế tạo. Thật ra từ năm 2007 Bắc Kinh đã có ý muốn cạnh tranh với các tập đoàn như Bombardier của Canada hay Embraer của Brazil…
Thế nhưng từ đó đến nay ngành chế tạo máy bay Trung Quốc vẫn chưa hội đủ điều kiện về chuẩn mực an toàn. ARJ21 chưa được phép bay. Sớm nhất phải đợi đến năm 2014 thì may ra những đơn vị đầu tiên mới được hoàn chỉnh để trao cho khách đặt hàng.
Ngoài ARJ21 thì ngành hàng không dân dụng Trung Quốc còn trông đợi vào kiểu máy bay C919 có khả năng chuyên chở từ 150 đến 200 hành khách để cạnh tranh trực tiếp với những chiếc A320 của châu Âu và Boeing 737 của Mỹ. Trên nguyên tắc những chiếc C919 đầu tiên sẽ được trình làng vào năm 2016. Có nhiều khả năng Tập đoàn Trung Quốc Comac sẽ phải kiên nhẫn thêm một vài năm nữa, nhưng không một ai nghi ngờ rằng một khi Trung Quốc đạt được tham vọng đã đề ra thì Airbus và Boeing sẽ không còn độc quyền làm mưa làm gió.
Cũng trong hai thập niên nữa, 40% xuất khẩu của Airbus và Boeing là để đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chắc chắn là Trung Quốc không thể để cho Airbus và Boeing chia nhau thị trường rộng lớn đó.
Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần