Dự kiến năm 2020, tức là chỉ trong 7 năm nữa, 106 rạp chiếu phim sẽ được nhà nước xây mới và nâng cấp.
Lý thuyết… đơn giản
Dự án nói trên dựa trên lý thuyết đơn giản như sau: Nhu cầu tới rạp xem phim của khán giả, trong đó hầu hết tại các đô thị lớn, đang ngày càng tăng. Điều đó thể hiện rõ qua doanh thu “khủng” của các rạp chiếu.
Năm 2011 con số này là 35 triệu USD, đến năm 2012 đã tăng lên tới 47 triệu USD. Các rạp chiếu đang trở thành mảnh đất kinh doanh hấp dẫn, hơn nữa lại góp phần quan trọng giúp đời sống điện ảnh của công chúng trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Bên cạnh đó, việc nhà nước tham gia vào xây dựng, quản lý các rạp chiếu là cần thiết để “bảo hộ” cho phim Việt. Bởi thực tế hầu hết các rạp chiếu hiện nay, đang làm ăn hiệu quả, đều thuộc quyền sở hữu của công ty tư nhân, tập đoàn nước ngoài. Họ tự quyết định các phim trình chiếu, cũng như các suất chiếu. Điều đó khiến các nhà làm phim trong nước nhiều phen mệt mỏi vì khó chen chân vào các rạp chiếu này. Tất nhiên, nguyên nhân một phần vì chất lượng phim Việt còn thua xa phim nước ngoài.
Trước khi tính đến việc xây dựng mới các rạp chiếu, cần ưu tiên giải quyết tình trạng vận hành, kinh doanh kém kiệu quả của hệ thống rạp chiếu quốc doanh
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
Hiện số lượng phim truyện Việt chiếu rạp còn quá ít, chỉ chiếm 13,38%. Trong dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành điện ảnh đang phấn đấu tăng tỷ lệ buổi chiếu phim Việt lên ít nhất 35% từ nay đến 2015, năm 2020 là 40% và 2030 là 50%. Tất nhiên để thực hiện được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng với số lượng nhiều như vậy, phim trong nước cần phải có đầu ra.
Thực tế khắc nghiệt
Hiện nay cả nước có 97 rạp chiếu và cụm rạp với 246 phòng chiếu, trong đó nhà nước quản lý 72 rạp chiếu gồm 104 phòng chiếu. Nếu nhìn vào thì thấy nhà nước quản lý đa số các rạp chiếu và gần một nửa số phòng chiếu, nhưng…
Trong khi các rạp chiếu đang vào mùa phim hè, khán giả, nhất là đối tượng học sinh sinh viên tăng lên đáng kể, thì rạp Ngọc Khánh vẫn trong cảnh vắng hoe dù nằm ở vị trí thuận lợi tại trung tâm Hà Nội. Nguyên nhân chẳng khó nhận ra: phòng chiếu nhỏ, trang thiết bị kém hiện đại, những bộ phim trình chiếu đã ra mắt tại các rạp chiếu khác cách đó hàng tháng trời.
Rạp Đặng Dung tại Hà Nội còn thê thảm hơn, không nhận thấy bất cứ dấu vết nào của rạp chiếu. Khi chúng tôi hỏi những người dân sống quanh đó, thậm chí nhiều người còn chẳng biết đã từng có một rạp chiếu trên con phố này. Rạp gần như đã bị xóa sổ.
Ở TP.HCM và các tỉnh thành, nhiều rạp chiếu do nhà nước quản lý cũng bị lãng quên và không còn được sử dụng đúng chức năng. Các đơn vị chiếu phim nhà nước dù nằm ở các vị trí trung tâm thành phố nhưng cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề, cũ kỹ. Không có nguồn phim, không được đầu tư, hệ thống rạp chiếu phim nhà nước hầu như tê liệt.
Tới đây hàng nghìn tỉ đồng sẽ được rót vào các rạp chiếu, nhưng làm sao để rạp chiếu hoạt động hiệu quả vẫn là câu hỏi cần được đưa ra.
“Trước khi tính đến việc xây dựng mới các rạp chiếu, cần ưu tiên giải quyết tình trạng vận hành, kinh doanh kém kiệu quả của hệ thống rạp chiếu quốc doanh. Trong chiến lược phát triển điện ảnh, tôi mới thấy nói nhiều chuyện xây các rạp mới, trong khi chúng ta đã có hệ thống rạp từ xưa đến giờ cần giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Không chỉ các rạp chiếu, hệ thống phát hành phim nhà nước cũng hoàn toàn lép vế với tư nhân, bao năm qua chúng ta đã bỏ trống trận địa này”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ.
Nhà nước có cần chi một khoản tiền khổng lồ như thế ?
Phải thừa nhận rằng, sự phát triển của thị trường điện ảnh, phim chiếu rạp hiện nay tại VN hoàn toàn nằm trong tay tư nhân. Sự phát triển đó đáng được ghi nhận, bởi các rạp chiếu tư nhân đáp ứng được hai yêu cầu tối thiểu là phim hay và rạp hiện đại.
Theo bà Mariam – Giám đốc điều hành cụm rạp MegaStar, để làm một cụm rạp theo tiêu chuẩn hiện đại như MegaStar, Galaxy… phải mất ít nhất 8 – 10 tỉ đồng cho một phòng chiếu (khoảng một nửa là cho thiết bị chiếu phim, một nửa cho ghế ngồi, trang trí và các vấn đề xây dựng khác).
Như vậy một cụm rạp 5 phòng chiếu là khoảng 40 – 50 tỉ đồng và có thể cao hơn nữa nếu sử dụng thiết bị/trang trí cao cấp hơn. Với kinh phí cao như thế, số lượng các rạp nhà nước nếu có xây mới như đề án cũng sẽ khó có thể được trang bị hiện đại, tối tân như các rạp tư nhân do phải dàn trải quá nhiều rạp. Mà nếu rạp không hiện đại thì khó có thể kéo khán giả tới rạp, sẽ dẫn đến chuyện “rạp xây mới nửa vời”. Mà rạp xây mới cho dù có hiện đại nhưng nhồi nhét, bật máy chiếu những phim dở ẹc (dù có là phim VN) thì ai tới xem?
Đại diện chủ rạp tư nhân Galaxy, MegaStar, BHD trong các cuộc thăm dò, lấy ý kiến đều cho rằng: “Thị trường rất cần thêm các chính sách ưu đãi và đầu tư của nhà nước đối với việc quy hoạch và xây dựng rạp chiếu phim. Bên cạnh nguồn vốn của nhà nước, chúng tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể kêu gọi thêm các nguồn vốn khác trong xã hội”.
Tất cả chủ rạp đều nhấn mạnh: “Nếu được giao hay cho thuê mặt bằng, thuê đất và những ưu đãi xứng đáng, các doanh nghiệp sẵn sàng cho ra đời những cụm rạp hiện đại hơn, linh hoạt về nguồn phim hơn để phát triển thị trường phim nội cũng như ngành công nghiệp phim chiếu rạp tại VN”. Nhà nước không phải bỏ ra hàng chục nghìn tỉ đồng mà còn được thu tiền về, tránh được hậu quả rất dễ nhìn thấy là lãng phí!
Nâng cấp và xây mới 106 rạp trong 7 năm
Theo đề án “Quy hoạch và nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 – 2020” được phê duyệt hồi đầu năm 2013 là 10.800 tỉ đồng (trong đó ngân sách nhà nước là 6.500 tỉ, còn lại là các nguồn huy động khác) sẽ được dành cho việc xây mới và nâng cấp nhà hát, rạp chiếu phim và nhà triển lãm.
Tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới là 106 rạp, trong đó có 57 rạp chiếu mới gồm: 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội, TP.HCM với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp gồm 8 – 10 phòng chiếu và có thể bố trí một số rạp chiếu phim công nghệ 3D, 4D và các dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, 55 rạp quy mô từ 500 – 1.000 ghế có từ 2 – 6 phòng chiếu. Ngoài ra, sẽ có 49 rạp chiếu phim bị xuống cấp, hư hỏng được nâng cấp, cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật.
Tối qua 11.7, cụm rạp thứ 4 của Galaxy tại TP.HCM được khai trương tại 718 Bis Kinh Dương Vương, Q.6, với quy mô 7 phòng chiếu được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, trang bị những thiết bị hiện đại nhất hiện nay: âm thanh Dolby 7.1, màn hình chiếu kỹ thuật 3D và digital.
Ngày 26.7 tại Hà Nội, Platinum Cineplex cũng sẽ chính thức mở cửa cụm rạp thứ tư tại VN nằm trong khuôn viên Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là cụm rạp sở hữu diện tích lên đến 6.300 m2, với 10 phòng chiếu phim hoàn toàn được trang bị công nghệ kỹ thuật số, có sức chứa tổng cộng gần 1.700 chỗ ngồi.
Theo Thanh niên