Hàng loạt công ty chứng khoán xếp hàng chờ chết

Với khối lượng giao dịch ít ỏi, có tới 105 CTCK cạnh tranh với nhau để làm dịch vụ là quá nhiều. Chính vì vậy, tình trạng các CTCK thua lỗ, phá sản, chấm dứt hoạt động là điều có thể thấy được.

Từ đầu tháng 7 đến nay, 3 công ty chứng khoán là Công ty Chứng khoán Hà Nội, Chứng khoán Trường Sơn và công ty CP Chứng khoán Delta (DTSC) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tịch thu giấy phép hoạt động kinh doanh do tình trạng tài chính bê bết. Dự báo rất nhiều công ty chứng khoán cũng đang trong tình cảnh tương tự, chỉ còn ngồi xếp hàng chờ… chết. Đó là điểm tối của thị trường chứng khoán tuần qua và cũng dự báo một tương lai ảm đảm của thị trường chứng khoán.

Một loạt công ty chứng khoán bị khai tử
UBCKNN vừa chính thức thu hồi giấy phép hoạt động của CTCK Trường Sơn và CTCK Hà Nội từ đầu tháng 7 do thời hạn bị đình chỉ đã qua, hai đơn vị này không có bất kỳ hoạt động nào nhằm cải thiện tình hình, lỗ lũy kế vẫn trên 50% vốn điều lệ và không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn. 
Trên thực tế, 2 công ty này từ lâu đã không còn hoạt động, không còn trụ sở, không còn liên lạc, không còn nghiệp vụ môi giới, không còn tư cách thành viên tại hai giao dịch Sở chứng khoán và không có thông tin gì về tình hình doanh nghiệp cung cấp cho giới đầu tư trong nhiều năm qua. Công ty cổ phần chứng khoán Trường Sơn có mức lỗ lũy kế đến 31-12-2011 là 24,6 tỉ đồng, chiếm 60% vốn chủ sở hữu. Công ty Chứng khoán Hà Nội đến nay chỉ mới công bố báo cáo tài chính đến năm 2010 với số lỗ gộp 34,4 tỉ đồng, chiếm gần 70% vốn điều lệ. 
Sáng 10-7 vừa qua, Công ty CP Chứng khoán Delta là đơn vị thứ 3 bị UBCKNN tịch thu giấy phép hoạt động kinh doanh do tình trạng tài chính bê bết. Theo thông báo của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX), nguyên nhân là do đã quá thời hạn bị đình chỉ hoạt động theo Quyết định đưa ra ngày 29-10-2012 song Công ty CP Chứng khoán Delta vẫn không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ. Trong khi đó, lỗ gộp của DTSC đến nay đã ở mức trên 50% vốn điều lệ.
UBCKNN yêu cầu Chứng khoán Delta bên cạnh việc công bố thông tin, phải chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép cũng như các hoạt động khác theo quy định của pháp luật và thực hiện các thủ tục để thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động. 
Từ năm 2007 đến nay, công ty chỉ có hai năm kinh doanh có lãi vào 2007 và 2009 nhưng đạt vỏn vẹn hơn 2.2 tỷ đồng. Các năm còn lại đều lỗ nặng, trong đó nặng nhất vào năm 2008 lỗ gần 27 tỷ đồng. Năm 2012, công ty tiếp tục báo lỗ hơn 8 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế tính đến 31-12-2012 lên 50.29 tỷ đồng, vượt xa số vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Điều này làm cho vốn chủ sở hữu công ty âm 10.29 tỷ đồng. 
Nếu tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt các CTCK bị đình chỉ hoạt động như Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An (TAS) bị đình chỉ trong vòng 6 tháng do không đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn, Công ty chứng khoán Chợ Lớn chính thức giải thể từ tháng 4. Và hàng loạt các công ty chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc chỉ chờ quyết định cuối cùng của UBCKNN để chấm dứt hoạt động như Chứng khoán Đông Dương, SME, Golden Bridge, Chợ Lớn, Âu Việt, Tonkin…. 

Nguyên nhân đổ vỡ?
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có tổng vốn hóa tương đương trên 40 tỷ USD, có thể nói là lớn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên trong nhiều năm nay, khối lượng giao dịch chỉ tương đương vài trăm triệu USD. Với khối lượng giao dịch ít ỏi như vậy, có tới 105 CTCK cạnh tranh với nhau để làm dịch vụ là quá nhiều. Chính vì vậy, tình trạng các CTCK thua lỗ, phá sản, chấm dứt hoạt động là điều có thể thấy được. 
Từ cuối năm 2011, UBCKNN đã bắt đầu tiến hành tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trọng tâm chính là tổ chức lại các công cụ của thị trường, các CTCK. Cũng từ thời điểm đó TTCK đã có dấu hiệu lao dốc, gần như tất cả các CTCK đều rơi vào thua lỗ, nhiều lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của CTCK rơi vào vòng lao lý. Đến nay, vẫn còn có những CTCK rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt và nếu không khắc phục được thua lỗ, cũng sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Sự việc 3 CTCK bị rút giấy phép hoạt động đầu tháng 7-2013 là sự kiện đã được báo trước. 
Năm 2010 Bộ Tài Chính đã có đã có Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định về điều kiện hoạt động của CTCK. Nếu các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng thấp hơn 150% sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và sau 6 tháng nếu không thay đổi được sẽ bị thu hồi giấy phép. 
Nếu theo đúng lịch trình đến tháng 10-2013 đến cuối năm sẽ có thêm ít nhất 4 CTCK nữa rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ nay đến lúc đó sẽ có thêm hàng chục CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt để vào danh sách dự khuyết thu hồi giấy phép sang năm. Theo một số chuyên gia, nhu cầu thị trường hiện nay chỉ cần khoảng 30-40 CTCK là đủ. 
Vậy đến hết năm 2014 sẽ có tới trên 60 CTCK phải tự cơ cấu, hoặc giải thể, sáp nhập nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Đó là tương lai chắc chắn của các CTCK Việt Nam. Bởi vì cho đến thời điểm này có chưa đến 10% CTCK bù đủ chi phí và có lãi.
Vào thời kỳ TTCK tăng trưởng nóng, cổ phiếu lên giá chóng mặt, nhiều công ty chứng khoán được sinh ra để chớp cơ hội kiếm tiền dễ dàng từ kênh đầu tư này. Tuy nhiên, những năm gần đây, TTCK, nhiều CTCK đã thua lỗ 4-5 năm liên tiếp. Nhiều thương hiệu lớn cũng đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB – MBS trong ngắn hạn, thị trường đang ở xu hướng đi ngang và chưa có dấu hiệu bứt phá nào. Với tình trạng thanh khoản kém như hiện tại, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên giữ tiền. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng kịch bản hồi phục của hai sàn HSX và HNX chưa thực sự rõ nét và các chỉ số vẫn gặp nhiều khó khăn tại các ngưỡng kháng cự ngắn hạn. Vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng, chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ thanh khoản.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Tránh sự “gây nhiễu” trên thị trường
Hàng loạt công ty chứng khoán xếp hàng chờ… chết (1)

– Ông có bình luận gì về việc hàng loạt công ty chứng khoán chính thức bị khai tử trong thời gian vừa qua?
– Với hơn 100 công ty chứng khoán thành lập ồ ạt khi thị trường chứng khoán phát triển nóng sẽ có 2 cách hoặc là phá sản và buộc dừng hoạt động, hoặc có những công ty tự dừng hoạt động, chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Vì vậy không có gì bất ngờ việc 3 công ty trên bị đình chỉ hoạt động trong bối cảnh thị trường quá khó khăn cả.
Nhiều công ty còn mong được rút ra khỏi thị trường chứng khoán để làm việc khác. Tuy nhiên chỉ có 2 điểm cần lưu ý: Cần có kế hoạch rà soát, tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán, nhất là các công ty chứng khoán giảm số lượng để các công ty còn lại hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Thứ hai là có những quy định pháp lý để kiểm soát hoạt động của các công ty này, tránh những trường hợp chết đến nơi rồi không chịu ra hoặc vừa làm vừa không minh bạch, gây nhiễu trên thị trường. Đối với người dân cần tỉnh táo lựa chọn các doanh nghiệp, các công ty chứng khoán uy tín trên thị trường.

– Trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng. Ông có cảnh báo gì không?
– Thực ra hoạt động chứng khoán là hoạt động mang tính tâm lý, phong trào rất cao. Tuy nhiên về nguyên tắc không nên theo phong trào, vì nếu theo phong trào sẽ bị dẫn dắt vào những cái không hay mà lịch sử đã trả giá. Những nhà đầu tư lớn thường tạo ra phong trào và trục lợi trên phong trào đó. Vì vậy một cách khôn ngoan nhất là kinh doanh có đầu óc tổ chức độc lập chứ không phải theo phong trào. Về nguyên tắc các nhà đầu tư nước ngoài luôn rút ra và mua vào. Rút ra những dự án nào họ cảm thấy không có lời và mua vào những dự án, công ty sắp cổ phần hóa có triển vọng chứ không phải một chiều bán ra. 

– Ông có dự báo như thế nào về bức tranh thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
– Năm nay gần như là năm đáy của kinh tế Việt Nam và thế giới. Các doanh nghiệp rất khó khăn. Vì thế thị trường chứng khoán càng kém hấp dẫn và rất ít cơ hội để khởi sắc. Nếu có khởi sắc chỉ ở những doanh nghiệp có triển vọng làm ăn tốt hoặc những dự án chuyển nhượng mới đây. Còn nói chung không có nhiều những cái mới, đột phá trên thị trường Việt Nam. 

– Chân thành cảm ơn ông!

Theo An ninh Thủ đô