Một tuần trở lại đây, thị trường xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc sôi động trở lại khi nước này mở cửa nhập khẩu đợt 2 trong năm.
Xuống tận nhà máy mua gạo
Ông T., trưởng phòng kinh doanh một công ty cổ phần ở Cần Thơ nói rằng công ty này đang bán khá nhiều gạo cho thương nhân Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Nhựt, giám đốc công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) cũng thừa nhận đang có nhiều doanh nghiệp từ miền ngoài vào tận các nhà máy xay xát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mua gạo vận chuyển ra phía Bắc.
Ông T. cho biết, từ đầu năm đến nay đây là đợt thứ 2 có hiện tượng gạo vận chuyển nhiều ra phía Bắc. Cũng như lần trước, lần này thương nhân Trung Quốc vào trực tiếp các nhà máy để mua gạo, họ chỉ chọn mua gạo có phẩm cấp thấp, giá rẻ chứ không mua loại cao cấp như trong vụ đông xuân hồi đầu năm. “Chúng tôi bán tại kho, không có hợp đồng mà chỉ cần xuất hoá đơn. Thương nhân Trung Quốc trả tiền trước và tự thuê xe để vận chuyển”, ông T. nói thêm.
Cùng với việc mua tạm trữ và mua để giao các hợp đồng ký trước, sự xuất hiện trở lại nhu cầu từ Trung Quốc là yếu tố quan trọng giúp giá lúa gạo nội địa tăng khá mạnh trong vài tuần gần đây. Theo ước tính của hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 7 đến nay, giá lúa hè thu loại thường tăng trung bình 500 đồng, còn chất lượng cao tăng 700 đồng, dao động từ 4.500 – 4.800 đồng/kg tại ruộng.
Từ đầu năm đến nay, VFA thống kê Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch tới 2 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chưa kể, ước có thêm khoảng 400.000 tấn mua theo đường biên giới. Nếu đà mua bán vẫn duy trì ổn định như một tuần trở lại đây, cộng thêm với các hợp đồng ký chính ngạch, dự kiến năm nay số lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc có thể lên đến 3 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều rủi ro
Hiện nay, mua bán tiểu ngạch kiểu “tiền trao cháo múc” được coi là an toàn. Những trường hợp còn lại, kể cả có chứng từ rõ ràng, xuất qua con đường chính ngạch thì mức độ rủi ro vẫn khá lớn.
VFA cũng đánh giá, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, có nhu cầu lớn, nhưng có khá nhiều rủi ro, khó kiếm lời cao nên doanh nghiệp phải tỉnh táo trong mua bán. Các rủi ro có thể đến từ khâu thanh toán, lừa gạt hợp đồng hay đến từ việc thương nhân Trung Quốc có thể đơn phương huỷ hợp đồng khi gặp bất lợi.
VFA, mặc dù không công bố chích xác, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm đến nay, gạo xuất chính ngạch bị thương nhân Trung Quốc đơn phương huỷ hợp đồng lên đến hàng trăm ngàn tấn. Trường hợp này, bên chịu thiệt hại thường rơi vào phía doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, đặc điểm của thị trường Trung Quốc là mua gạo phần lớn nhằm hưởng chênh lệch giá chứ không hẳn chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên họ thường trả giá rất thấp nhằm đảm bảo lợi nhuận.
Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, nói mặc dù đang mua theo đường tiểu ngạch số lượng lớn gạo từ Việt Nam nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn còn tồn kho rất lớn, đủ cung ứng nhu cầu trong nước. Chỉ vì thấy giá thấp nên họ mua vào để bổ sung chứ chưa có nhu cầu thật sự.
Ngoài ra, ông Phong cũng giải thích thêm rằng việc thương nhân Trung Quốc đang mua nhiều gạo từ Việt Nam còn vì lý do sản lượng lúa mùa này của Myanmar đột ngột giảm, giá nội địa tăng cao nên doanh nghiệp Trung Quốc phải quay qua mua của Việt Nam có giá rẻ hơn.
Tăng giá sàn gạo xuất khẩu
Trước diễn biến giá gạo nội địa đang có chiều hướng tăng cao, VFA chính thức điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu gạo loại có phẩm cấp thấp thêm 10 USD/tấn, từ 365 USD/tấn/FOB lên 375 USD/tấn/FOB, áp dụng từ hôm nay (17.7). Riêng gạo loại 5% tấm vẫn giữ nguyên ở mức 410 USD/tấn/FOB.
Theo Sài Gòn tiếp thị