Đến lượt CTCK và doanh nghiệp lo nặng gánh nợ xấu

Tại báo cáo tài chính bán niên 2013, rất nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện hạng mục “Dự phòng phải thu khó đòi” với số tiền không nhỏ. Nỗi lo NỢ XẤU của CTCK, DN phi tài chính bắt đầu hiện diện.

Nói đến nợ xấu, mọi người vẫn hay liên tưởng đến ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nợ xấu thực tế không chỉ dừng lại ở đó. Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 của nhiều doanh nghiệp, công ty chứng khoán đã để lộ diện một nỗi lo mới: Bùng phát nợ xấu ở CTCK, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Phải nói thêm rằng, đây cũng là vấn đề tất yếu. Trước đây, khi ngân hàng thắt chặt tín dụng thì việc nới lỏng cho vay xảy ra ở nhiều công ty chứng khoán. Nhà đầu tư cảm thấy dễ dàng tiếp cận vốn, CTCK có thể “kiếm thêm” từ hoạt động cho vay margin. Và đây là nguồn cơn xảy ra nợ xấu ở CTCK.
Còn tại các doanh nghiệp phi tài chính khác, nhiều doanh nghiệp dồi dào tiền mặt. Sẵn sàng cấp tín dụng cho người bán, người mua. Nền kinh tế không thuận lợi khiến nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản, đứng trên bờ vực phá sản. Rồi tranh chấp xảy ra, rồi đòi dăm lần bảy lượt không được. Đến hạn, công ty phải lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Đây là con đường thường dẫn đến nợ xấu của doanh nghiệp phi tài chính.

Từ CTCK phải lập dự phòng phải thu khó đòi
Giảm được một nửa chi phí hoạt động giúp lãi gộp của MBS tăng vọt quý 2/2013 nhưng trong kỳ công ty lại phải gánh 29 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 3 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, khoản tăng thêm trong chi phí quản lý chủ yếu là do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hoàn nhập hơn 16 tỷ đồng. Vậy là, do khoản dự phòng khó đòi, kết quả kinh doanh của MBS từ khả quan đã trở nên u ám hơn với lãi sụt giảm mạnh.
Tại công ty chứng khoán khác là BSI, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 11 tỷ, điều này góp phần khiến lãi giảm 93% so với cùng kỳ.
Cũng giống nhưu MBS hay BSI, dù cùng kỳ không phát sinh khoản dự phòng nợ khó đòi nhưng 6 tháng đầu năm nay PNS phải trích lập 1,72 tỷ đồng cho khoản mục này. 

Đến các công ty phi tài chính cũng rơi vào vòng xoáy khó thu hồi nợ
Còn giải trình của PV2 cho biết, việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn và nợ phải thu khó đòi khiến chi phí tài chính và chi phí QLDN của công ty tăng mạnh dẫn đến LNST quý 2/2013 âm lớn. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ phải thu ngắn hạn của PV2 là 107 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với đầu năm nhưng việc trích lập lên tới 8,5 tỷ đồng.
Tại một doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng khác là STP. Báo cáo tài chính công ty mẹ của STP cho biết, công ty đã phải trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn thanh toán khoản tiền 61 triệu đồng. Đến cuối quý 2, dư nợ phải thu khách hàng của STP gần 44 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 2 tỷ.
Hoặc như tại BCTC Công ty mẹ TRA, quý 2/2013 có số dư các khoản phải thu cuối quý 2 gần 370 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Khoản phải thu này phải dự phòng khó đòi 6,9 tỷ đồng.
Những ví dụ trên đây chỉ là những dẫn chứng đơn lẻ về tình trạng nợ khó đòi mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Không như những tổ chức tài chính chuyên nghiệp, doanh nghiệp thường khó khăn hơn trong việc đòi nợ do công tác thẩm định tài sản đảm bảo không có hoặc chế tài sơ sài. 
Vẫn biết hoạt động tài trợ thương mại (tín dụng cho người bán, người mua…) hay đơn giản cho tổ chức khác vay tiền nhàn rỗi…là một việc hết sức bình thường trong hoạt động kinh doanh nhưng những năm khó khăn này, tình trạng không ít doanh nghiệp vỡ nợ, cá nhân mất thanh khoản…xảy ra như cơm bữa. Hiện trạng này kéo theo hệ quả những khoản công ty cho vay, khó đòi xảy ra.

Theo Trí Thức Trẻ