6 tháng đầu năm, doanh nghiệp (DN) thành lập mới ở tỉnh lẻ tăng mạnh, trong khi tại các đô thị lớn quá trình “đào thải” DN vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Tỉnh lẻ hút DN hơn đô thị lớn
Theo số liệu của ngành Thuế, tính đến ngày 30/6/2013, toàn quốc có 40.523 DN thành lập mới (trong đó 249 DN nhà nước, 542 DN đầu tư nước ngoài, 39.732 DN ngoài quốc doanh) tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 15,5% so với 6 tháng cuối năm 2012. Bên cạnh đó, số DN đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng, tổng cộng 6 tháng qua đã có 9.300 DN đã quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Số DN ngừng hoạt động cũng đã có xu hướng giảm dần qua từng tháng, tổng cộng 6 tháng đầu năm, cả nước có 28.755 DN giải thể và ngừng hoạt động, chủ yếu là DN ngoài quốc doanh.
“6 tháng đầu năm, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang từng bước được cải thiện, nổi bật là khung pháp lý về đăng ký DN đã được hoàn thiện giúp công tác đăng ký DN phát triển thuận lợi, minh bạch và hiệu quả”.
Ông Lê Quang Mạnh – Cục trưởng
Cục Đăng ký quản lý kinh doanh
Đặc biệt, phân tích cơ cấu DN theo địa bàn, khu vực, thì những tháng gần đây, những địa phương vốn được coi là “hẻo lánh” lại có lượng DN đăng ký thành lập mới tăng nhanh, như Tuyên Quang tăng 77,3%; Điện Biên tăng 60%; Yên Bái tăng 48%; Đắk Lắk tăng 24,7%… Trong khi đó, những địa phương vốn được coi là trọng điểm như TP Hồ Chí Minh chỉ 1,2% số DN đăng ký thành lập mới, còn Hà Nội lại giảm 2,9%; Hải Phòng giảm 20,3%; Quảng Ninh giảm 17,8%…
Ở những đô thị lớn, quá trình đào thải, sàng lọc DN đang diễn ra rất mạnh mẽ, khi tỷ lệ DN dừng hoạt động 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ, như TP Hồ Chí Minh tăng 15%; Cần Thơ tăng 33%, Hà Nội dừng hoạt động tăng 20%; Hải Phòng tăng 42%; Quảng Ninh tăng 22%… Còn các tỉnh trung du, miền núi lại có số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước, như Tuyên Quang dừng hoạt động giảm 72% và Điện Biên giảm 58%; Yên Bái giảm 50%…
Doanh nghiệp nhỏ và vừa xoay xở tốt hơn
Một đặc điểm đáng lưu ý là số vốn đăng ký trung bình của DN thành lập mới có xu thế giảm. 6 tháng qua, có 38.908 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 193.561 tỷ đồng, tăng 7,6% về số DN nhưng lại giảm 19,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch đầu tư, 6 tháng qua, trung bình số vốn đăng ký của DN mới thành lập chỉ đạt chưa đầy 5 tỷ/DN, điều này phản ánh DN nhỏ và vừa xoay xở tốt hơn trong tình hình kinh tế khó khăn.
Lĩnh vực có nhiều DN quay trở lại hoạt động, DN thành lập mới tăng mạnh, DN khó khăn ngừng hoạt động giảm đi có: bán lẻ, bán buôn, dịch vụ lao động việc làm, cung cấp cho thuê máy móc, thiết bị, giáo dục, y tế… Còn lĩnh vực tiếp tục khó khăn gồm: tài chính ngân hàng; kinh doanh bất động sản; sản xuất phân phối điện, nước, gas; xây dựng…
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tăng cường thu hút đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh đã được triển khai. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục duy trì các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực xây dựng cơ chế và phương án giải quyết nợ xấu; xây dựng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC); xây dựng cơ chế tài chính cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam…
Theo Báo giao thông vận tải