Trong xu hướng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN đang diễn ra rất chậm nhiều năm nay, mong muốn bám, giữ lợi ích tại DN cũng là một lý do.
Trong xu hướng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN đang diễn ra rất chậm nhiều năm nay, mong muốn bám, giữ lợi ích tại DN cũng là một lý do. Trong một báo cáo nghiên cứu mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, có những cuộc vận động cơ quan đại diện cổ phần Nhà nước không bán bớt, bán hết cổ phần Nhà nước…
Ít tháng trước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – cổ đông Nhà nước đang nắm 45% vốn điều lệ tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đã “nói không” với phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên chủ chốt (ESOP) tại DN này, dẫn tới kế hoạch không thực hiện được.
Đại diện của SCIC tại Vinamilk nói, họ không muốn phát hành ESOP vì sợ tỷ lệ cổ phần của SCIC bị pha loãng khoảng 1,2% (giảm tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại DN).
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên phản hồi, từ khi cổ phần hoá tới nay, Vinamilk đã tăng trưởng tới 60 lần thì tỷ lệ pha loãng 1,2% mà SCIC lo lắng kia là quá nhỏ so với giá trị mà Vinamilk mang lại.
Không nằm trong ngành thiết yếu, hay cần bàn tay điều tiết của Nhà nước, lời giải thích hợp lý nhất về sự “cố thủ” của SCIC tại Vinamilk là vì: DN sữa số một Việt Nam thực sự là “con gà đẻ trứng vàng”, khi mỗi năm mang lại khoản cổ tức tới 1.000 tỷ đồng, bằng 25% lợi nhuận của SCIC. Đó là chưa kể giá trị tăng thêm của danh mục đầu tư mà SCIC được hưởng từ cổ phiếu Vinamilk.
Trong xu hướng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN đang diễn ra rất chậm nhiều năm nay, mong muốn bám, giữ lợi ích tại DN cũng là một lý do. Trong một báo cáo nghiên cứu mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, có những cuộc vận động cơ quan đại diện cổ phần Nhà nước không bán bớt, bán hết cổ phần Nhà nước nhằm duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước chi phối để nắm quyền điều hành.
Hay, trước khả năng bị “thôn tính”, vài lãnh đạo DN “làm ầm lên” với cơ quan Nhà nước chuyện mất đi thương hiệu Việt… Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, tính đến hết năm 2012, tổng vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 735.293 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2011. Tổng tài sản của khối DN này là 2.138.780 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011.
Trái ngược với quan điểm nói trên, VAFI phân tích, trên thực tế thương hiệu Việt, kể cả những thương hiệu nổi tiếng nhất như Vinamilk không phải là thương hiệu toàn cầu hay thương hiệu khu vực mà chỉ có giá trị trên lãnh thổ.
Hiện nay, hàng trăm thương hiệu Việt nổi tiếng đã biến mất, đang dần biến mất hoặc chỉ tồn tại ở những vùng nông thôn nhỏ bé là do quản trị DN yếu kém chứ không phải do mua bán sáp nhập (M&A), hay bị thôn tính.
Đây chính là lý do VAFI đề xuất: Những biểu hiện của việc “chống thôn tính” không lành mạnh “cần phải cải tổ”. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ và cộng đồng DN đang kêu gọi phải tái cấu trúc DNNN.
Theo đó, Nhà nước cần phải tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để dễ dàng cải tổ cấu trúc cổ đông DN theo hướng tăng tỷ trọng cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược trong từng DN, giảm nhanh tỷ trọng cổ phần Nhà nước nắm giữ nhằm tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong thay đổi phương thức quản trị DN.
Đồng thời, cần phải loại bỏ những hành vi thôn tính DN không lành mạnh, trái pháp luật gây nguy hiểm cho chính cổ đông của DN đi thôn tính như: DN đi thôn tính lập báo cáo tài chính giả, dự án ma để vay tiền ngân hàng đi thôn tính; hoặc nhóm nhà đầu tư cấu kết với nhau và lũng đoạn một vài ngân hàng nào đó để lấy tiền đi thu gom cổ phiếu nhằm thôn tính DN…
Theo Thời báo ngân hàng