Doanh nghiệp thủy sản gặp khó trong vận chuyển nguyên liệu xuất nhập khẩu

VASEP vừa cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển container hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu từ cảng về nhà máy và từ nhà máy đến cảng.

Lý do là các công ty vận tải thông báo ngừng vận chuyển container có trọng tải lớn hơn 20 – 22 tấn với container 20 feet và 25 – 26 tấn với container 40 feet.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nguyên nhân bắt đầu là do các cơ quan chức năng đang áp dụng kiểm tra trọng tải xe theo cách tính trọng tải tách riêng tải trọng của sơmi rơmooc mà không tính trên tổng trọng tải của tổ hợp xe đầu kéo, nên nếu chở các container hàng thủy sản đông lạnh trên 20 tấn là vi phạm chở quá tải và bị xử phạt.
Trên thực tế, hiện nay nguyên liệu thủy sản nhập khẩu thường dưới dạng đông lạnh và được đóng container với tổng trọng lượng khoảng 25 – 26 tấn với container 40 feet từ các nước về Việt Nam (chưa kể container rỗng) và các container hàng XK cũng có trọng tải tương đương 25 – 26 tấn với container 40 feet và 20 – 22 tấn với container 20 feet.
Như vậy, với trọng lượng hàng hóa 25 – 26 tấn, cộng với trọng lượng đầu kéo khoảng 12 tấn và container rỗng khoảng 5 tấn thì tổng trọng lượng khoảng 42 – 43 tấn và được vận chuyển trên xe chuyên dụng được cấp Giấy phép lưu hành phù hợp với Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22/2/2011 của Bộ GTVT.
Trọng lượng này cũng phù hợp với quy định thông thường của các nước vì nằm trong giới hạn cho phép của các hãng tàu biển: tối đa không quá 32.480 kg/container 40 feet hoặc 20 feet. Tuy nhiên, với cách kiểm tra mới đây thì các xe chở container hàng thủy sản đều bị vi phạm do quá trọng tải. Trong khi đó, việc sang tải container hàng thủy sản đông lạnh trên thực tế không thể thực hiện được.
Ngoài VASEP, trước đó vào ngày 10/6/2013, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng đã gửi công văn đến UBND TP.HCM kiến nghị cần thực hiện việc kiểm tra tải trọng theo lộ trình cụ thể để các DN vận tải, chủ hàng, các hãng tàu, bến cảng có phương án sắp xếp việc giải phóng hàng hóa cho phù hợp, tránh ách tắc hàng hóa, ùn tắc giao thông.
Đề cập đến việc lưu thông hàng hóa cho hoạt động XNK, Hiệp hội này cũng đề nghị UBND TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù áp dụng cho xe chuyên dụng đầu kéo kéo sơmi rơmooc chở container hàng XNK có kẹp chì của Hải quan được miễn kiểm tra trọng tải xe vì các loại xe chuyên dụng này luôn kéo theo một container với trọng lượng hàng hóa nằm trong giới hạn cho phép của các hãng tàu biển theo quy định chung của thế giới là tối đa không quá 32.480 kg/container 40 feet hoặc 20 feet.
Tiếp đến ngày 17/6/2013, một số công ty vận tải cũng đã gửi công văn thông báo đến các DN thủy sản cho biết: kể từ ngày 20/6/2013, nếu phản ánh của các DN vận tải, chủ hàng, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM chưa được trả lời và việc kiểm tra trọng tải vẫn được áp dụng theo phương pháp kiểm tra trọng tải tính riêng tải trọng của sơmi rơmooc mà không tính tổng trọng tải của tổ hợp xe đầu kéo thì các DN vận tải buộc tạm ngừng nhận vận chuyển các container hàng thủy sản trên 20 tấn.
Theo thông tin từ VASEP, hiện Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đức Thọ đã giao Tổng cục Đường bộ tìm hiểu thêm về vấn đề này để giải quyết kịp thời cho DN XNK thủy sản. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ cử đoàn công tác và cùng phối hợp với Sở GTVT TP.HCM xác minh rõ về việc kiểm tra trọng tải xe trên tuyến đường đến cảng của địa bàn Thành phố.

Theo Báo hải quan