Còn những vướng mắc “không giống ai”

Năm 2009, doanh số từ giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (viết tắt là M&A) là 1,3 tỉ USD với 111 thương vụ.

Còn năm 2012, doanh số của M&A là 5,8 tỉ USD với 308 thương vụ. Đó là những con số được đưa ra tại hội thảo của diễn đàn M&A Việt Nam do báo Đầu Tư tổ chức vào ngày 8.8.2013, tại TP.HCM.

Thấy gì qua năm năm?
Theo số liệu của KPMG (dẫn nguồn từ Capital IQ, tháng 6.2103), năm 2012 có 308 thương vụ M&A, trong đó ngành công nghiệp là đối tượng hấp dẫn, thu hút 58 thương vụ, kế tiếp là hàng thiết yếu: 37, nguyên vật liệu: 35, dịch vụ tài chính: 34… Còn sáu tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp thu hút 30 thương vụ; tài chính và tiêu dùng, mỗi lĩnh vực thu hút 16 thương vụ… Riêng với lĩnh vực bất động sản, chính những khó khăn trong năm 2010 – 2012 đã tạo cơ hội cho hoạt động M&A diễn ra sôi động nhưng nhiều giao dịch không được công bố. Những thương vụ được giới đầu tư quan tâm trong sáu tháng đầu năm nay, có thể kể đến là những thương vụ: Warburg Pincus đầu tư 200 triệu USD vào Vingroup, KKR đầu tư 200 triệu USD vào Masan Consumer, Chandler Group đầu tư 99 triệu USD vào Fortis…
Tham gia vào hoạt động M&A tại Việt Nam, theo thống kê của Forum M&A Việt Nam, 34% giá trị giao dịch (77% số lượng thương vụ) thuộc về các doanh nghiệp trong nước, 66% giá trị giao dịch thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Masan, Kinh Đô, Thuỷ sản Hùng Vương, Viettel, Vingroup… là những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho hoạt động M&A trong nước.
Các doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm đến các doanh nghiệp Việt Nam vì nhìn thấy nhiều điều hấp dẫn, như lời ông David Blackhall, giám đốc điều hành VinaCapital. Hiện tại, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Philipines, Hong Kong, Trung Quốc… là những quốc gia có nhiều nhà đầu tư tham gia M&A.
Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có doanh nghiệp tham gia M&A tại Việt Nam về số lượng và giá trị mà giới đầu tư gọi là “làn sóng đầu tư từ Nhật Bản”. Ước tính, trong hai năm 2011 – 2012, các tập đoàn từ Nhật Bản đã đóng góp vào thị trường M&A Việt Nam với tổng giá trị thương vụ lên đến 1,5 tỉ USD với hai lĩnh vực quan trọng là tiêu dùng và tài chính.

Cần nhìn lại mình
Thêm nguồn vốn từ các hoạt động M&A, các doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư, tái cấu trúc, nhưng hoạt động này chỉ diễn ra khối doanh nghiệp tư nhân, còn khối doanh nghiệp nhà nước vẫn “quá thận trọng, chưa chịu mở cửa” như lời nhận xét của TS Võ Trí Thành, viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại buổi hội thảo. TS Thành cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước nên tham gia vào hoạt động M&A để có nhiều cơ hội hơn, “càng khó khăn, càng có nhiều cơ hội”.
Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, rất khó tìm một doanh nghiệp Việt Nam làm ăn bài bản để đầu tư. Ông John Ditty, chủ tịch kiêm tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về công nghệ, vốn, năng lực quản lý… “Nếu thiếu vốn và công nghệ, có tiền sẽ giải quyết nhưng không đồng thuận về quản lý, không cùng mục tiêu phát triển sẽ rất khó hợp tác”, John Ditty chia sẻ. Ông Masataka Yoshida, giám đốc điều hành cấp cao tập đoàn môi giới M&A Recof (Nhật Bản) cho rằng, thị trường M&A Việt Nam còn thiếu thông tin công khai về ngành hoặc công ty, thông tin nội bộ thiếu chính xác, luật và quy định thường xuyên thay đổi, bên bán định giá quá cao…
Luật sư Lê Nết (công ty luật LNT & Partner) cho rằng, thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn nhưng vẫn còn tồn tại những quy định “không giống ai” mà điển hình là yêu cầu “các nhà đầu tư phải hoàn tất giao dịch trước khi cấp giấy phép hoặc sửa đổi giấy phép”. Theo luật sư Lê Nết, chính quy định này đã làm khó người mua, khiến nhiều thương vụ thất bại. Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình ý kiến trên.
Có mặt tại buổi hội thảo, thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông thừa nhận, đến nay vẫn chưa có khung pháp lý riêng cho mô hình M&A nên hoạt động này vẫn còn chịu nhiều văn bản pháp lý, chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Đông đề nghị các doanh nghiệp tham gia M&A tập hợp những khó khăn, vướng mắc để vụ Pháp chế của bộ tổng hợp, cùng với các bộ khác tháo gỡ từng nút thắt.

Theo Sài gòn Tiếp thị