Cần khai thác điểm mạnh sở hữu chéo

Nhìn vào việc tái cấu trúc NH trong thời gian qua cho thấy một kết quả: Ít nhất trong giai đoạn hiện nay để khắc phục khó khăn phải mời thêm các nhà đầu tư mới.

Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) đã có chuyện mời các nhà đầu tư mới. Điểm tích cực là họ có vốn thật, góp được tiền thật, tăng được vốn cho NH, nhưng hiện trạng khó khăn hơn khi muốn loại bỏ được các cổ đông cũ rất khó vì quan hệ sở hữu chéo ràng buộc”, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chính sách Công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết.
Ông Thành cho biết, trong cả chục năm, sở hữu chéo trong hệ thống tài chính vốn rất phức tạp, bao gồm doanh nghiệp phi tài chính sở hữu NH, nhóm các nhà đầu tư sở hữu NH, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư…sở hữu NH. Trong mối quan hệ đó đã giúp cho các tổ chức tài chính không phải tuân thủ hầu hết các quy định đảm bảo tài sản, bao gồm quy định về an toàn vốn, quy định về giới hạn tín dụng cấp cho khách hàng, quy định về hạn chế góp vốn… Cơ cấu sở hữu chéo giúp các tổ chức không phải tuân thủ và tập trung vào các đầu tư rủi ro. Chính vì đầu tư rủi ro, không tuân thủ quy định này dẫn đến tình trạng yếu kém trong NH buộc phải thực hiện tái cấu trúc. Đến khi tái cấu trúc các NH này, ngay từ đầu trong đề án tái cấu trúc của Chính phủ có một nội dung rất quan trọng là giảm thiểu tác động, đi tới loại bỏ sở hữu chéo không đúng tinh thần của hệ thống pháp luật đối với hệ thống tài chính. Nhưng thực tế hiện nay, các NH yếu kém thực sự cần phải tái cấu trúc đã bộc lộ hiện trạng sở hữu chéo rất phức tạp.
Ông Nguyễn Xuân Thành rút ra lời nhận xét, nhìn vào việc tái cấu trúc NH trong thời gian qua cho thấy một kết quả: Ít nhất trong giai đoạn hiện nay để khắc phục khó khăn phải mời thêm các nhà đầu tư mới. Nhưng khi mời các nhà đầu tư mới điểm tích cực là họ có vốn thật, góp được tiền thật, tăng được vốn cho NH nhưng việc loại bỏ được các cổ đông cũ rất khó vì quan hệ sở hữu chéo. Vì thế, kết quả NH mới có thể tiết kiệm được vốn mới có thể khắc phục được tình trạng yếu kém hiện nay, nhưng các nhà đầu tư cũ vẫn còn, lại thêm nhà đầu tư mới nên cơ cấu sở hữu chéo lại càng phức tạp hơn. Trong giai đoạn hiện nay, tạm chấp nhận việc sở hữu chéo để đưa hệ thống ngân hàng vững mạnh. Nhưng nếu sở hữu chéo đó vẫn tồn tại trong tương lai thì khả năng sẽ lặp lại vết xe đổ.
Hiện nay, chúng ta kiểm soát dựa vào việc công bố thông tin, dựa vào mối quan hệ: Nếu như anh là đối tượng liên quan, nếu như anh có quan hệ huyết thống gia đình, nếu như anh có quan hệ sở hữu và là đối tượng liên quan thì anh phải công bố thông tin và chịu hạn chế trong việc đầu tư và cho vay. Nhưng còn một quan hệ nữa mà chúng ta không chi phối là mối quan hệ lao động. Đây chính là chỗ để “lách”. Nếu như tôi nắm quyền sở hữu nhưng tôi thuê người đứng thay tôi đại diện trong HĐQT, thậm chí là Chủ tịch HĐQT và như thế, tôi không bị chi phối. “Việc xác định lại quan hệ và việc siết chặt lại những hạn chế trong đầu tư sở hữu, đặc biệt là các đối tượng liên quan phải được siết chặt lại trong hệ thống các NH”, ông Thành khẳng định.

Theo Đại đoàn kế