Rút lui đúng lúc mới thật sự là anh hùng

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc series “Mỗi ngày một Case Study” giới thiệu những câu chuyện kinh doanh thú vị, giàu ý nghĩa do các trường kinh doanh hàng đầu thế giới biên soạn. Series “Mỗi ngày một Case Study” đăng mỗi tuần hai số, vào thứ 4 và thứ 7.

Nội dung nổi bật:

– Lew Cirne là nhà sáng lập, kiêm CEO của Wily Technology. Dưới sự lãnh đạo của ông, Wily luôn đạt và vượt mọi mục tiêu đề ra.

– Năm 2001, các nhà đầu tư bất ngờ yêu cầu Cirne nhường ghế CEO cho người khác và chuyển sang làm giám đốc công nghệ. Dù sốc nhưng Cirne đồng ý rút lui.

– Dưới quyền CEO mới, Wily tiếp tục phát triển và được một công ty khác chào mua với giá trị 375 triệu USD, một con số mà chính Cirne cũng thú nhận là không dám mơ tới. Nhờ rút lui đúng lúc, Lew Cirne trở nên giàu có.

– Bài học: Chuyện vừa sáng lập công ty, vừa điều hành thắng lợi như Bill Gates chỉ là ngoại lệ. Nên hiểu rõ bản thân mình để rút lui đúng lúc.

Người viết là Giáo sư Noam Wasserman, Trường Kinh doanh Harvard.
Năm 2001, nhà sáng lập kiêm CEO Lew Cirne của công ty Wily Technology sắp hoàn thành đợt huy động vốn lần ba cho công ty. Wily Technology đã có 50 nhân viên trung thành. Họ luôn đạt hoặc vượt mọi mục tiêu. Họ đã thuyết phục được các khách hàng quan trọng mua sản phẩm chủ lực và hai lần huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
Đợt huy động mới sẽ cho phép công ty tuyển thêm những nhân sự then chốt và tung ra phiên bản cao cấp hơn cho sản phẩm cốt lõi.

Thách thức
Cirne hết sức choáng váng khi các nhà đầu tư đặt điều kiện ông phải chuyển về làm giám đốc công nghệ, nhường chức CEO cho một người khác mà khi ấy vẫn chưa biết là ai. Ông tự hỏi “Tôi đã làm sai ở đâu”, tại sao những nhà người bấy lâu nay vẫn ủng hộ mình giờ lại đổi thái độ?
Đối với Cirne, Wily không chỉ là một thành tích mà còn được xem như đứa con đẻ. Tại sao ông phải đáp ứng yêu sách của hội đồng quản trị và từ chức?

Tiến thoái lưỡng nan
Cirne đang đứng trước điểm chuyển giao kinh điển giữa “tiền và quyền”: hoặc đấu tranh để giữ chức CEO, hoặc trao quyền cho người kế nhiệm tài giỏi để xây dựng nên một công ty tầm vóc hơn.
Cirne đồng ý với điều khoản của hội đồng quản trị nhưng với điều kiện ông phải được phủ quyết ứng viên mà ông thấy “không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp”. Điều này giúp Cirne giữ lại chút ít quyền kiểm soát.
Tình trạng khó xử của Cirne cũng không phải hiếm. Khi doanh nghiệp phát triển tới mức độ nhất định, phân nửa các CEO kiêm nhà sáng lập đều được bị thay thế, dù ba phần tư trong số đó không hề tự nguyện. Điều ấy quả là một nghịch lý vì cũng như Cirne, họ là những con người thành đạt từng dẫn dắt doanh nghiệp hoàn thành giai đoạn phát triển sản phẩm và huy động được vốn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Sau khi đạt được hai dấu mốc trên, nguy cơ người sáng lập bị thay thế tăng cao hơn trước. Dấu mốc đầu tiên dự báo một giai đoạn mới đòi hỏi những kỹ năng mới vì nhiệm vụ trọng tâm không chỉ dừng lại ở việc dẫn dắt nhóm dự án vượt qua thách thức kỹ thuật. Dấu mốc thứ hai đồng nghĩa quyền kiểm soát được trao cho các nhà đầu tư trong mỗi lần huy động vốn.

Kết quả
Sau 13 tháng tìm kiếm, Richard Williams là người được chọn làm CEO mới. Cirne trở thành nhà chiến lược công nghệ của Wily nhưng ông cảm thấy việc chuyển giao là một quá trình khó khăn và lâu dài khi “phải tìm một chỗ đứng mới trong chính công ty của mình”.
Nhưng đến đầu năm 2006, Wily chấp nhận lời mời mua lại từ Computer Associates với giá 375 triệu USD. Chính Cirne cũng phải thừa nhận rằng bản thân ông chưa chắc đạt được thành quả như vậy. Sau khi từ bỏ vị trí CEO, Cirne không còn “quyền”. Nhưng nhờ chuyển giao cho một người kế nhiệm đủ khả năng phát triển công ty, Cirne đã có “tiền”.
Không còn được nắm quyền kiểm soát số phận đứa con mình đẻ ra là một điều khó khăn, nhưng những nhà sáng lập kiêm quản lý thường chỉ đem về giá trị bằng 52% so với những nhà sáng lập nhượng vị.
Tuy nhiên, trong dự án khởi nghiệp tiếp theo, Cirne sẽ thực hiện những quyết định giúp mình nắm giữ quyền kiểm soát trong thời gian mong muốn. Ví dụ, ông theo đuổi một chiến lược bán hàng khác phù hợp với khả năng của ông hơn (cung cấp phần mềm như dịch vụ chẳng hạn), đồng thời lựa chọn những thành viên hội đồng quản trị cho phép ông ta ở lại vị trí CEO lâu dài.

Bài học
Dĩ nhiên nhà khởi nghiệp nào chẳng ngưỡng mộ Richard Branson và Bill Gates – những nhà sáng lập “vừa có tiền vừa có quyền” nổi tiếng, không những tạo dựng nên các công ty đẳng cấp thế giới mà còn duy trì chu kỳ sống của chúng được lâu dài. Tuy nhiên, họ là những trường hợp ngoại lệ.
Đại đa số các nhà sáng lập đều phải đối mặt với lựa chọn giữa “tiền và quyền” trong mọi cung bậc phát triển của doanh nghiệp, cho dù chính bản thân họ thường không nhận ra.
Họ có thể tạo điều kiện cho mình bằng cách tự chuẩn bị theo cả hai hướng. Thứ nhất, nhận thức rõ ràng xem các thách thức của doanh nghiệp sẽ thay đổi theo chiều hướng nào vì chính chúng sẽ khiến họ phải đối mặt với lựa chọn. Thứ hai, nhận thức rõ động cơ, điểm mạnh, điểm yếu bản thân để hiểu được mối ràng buộc của mình với chính công ty ra sao.

Theo Trí Thức Trẻ