Giá vàng tháng 9: Lịch sử liệu có lặp lại?

Trong 24 năm trở lại đây, giá vàng tháng 9 chỉ giảm trong 4 năm. Có nhiều lý do để tin tưởng tháng 9 năm nay thị trường vẫn lặp lại kịch bản của các năm trước.

Từ năm 1988, giá vàng đã tăng trung bình 3,4% từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9. Có 9 trong 24 năm giá kim loại quý tăng trên 5%. Trong lịch sử, chỉ có tháng 9/2006, năm 1993, 1996 và năm 2011 là giá vàng giảm.
Trong 3 năm trở lại đây, giá vàng tháng 9/2010 đã có 11 lần lập kỷ lục liên tiếp (tính cho đến thời điểm đó). Tháng 9/2011 giá vàng dù giảm 11% nhưng cũng đã đi vào lịch sử với mức giá cao kỷ lục 1.920 USD/ounce thiết lập trong tuần đầu tiên của tháng. Tháng 9/2012, giá vàng tăng 5,1%, còn tính theo đồng Euro và VND, giá vàng đều ghi nhận các mức cao kỷ lục.
Tháng 9 thường là tháng xấu đối với chứng khoán, vàng nhờ thế mà tăng lên. Tháng 9 là thời điểm tốt nhất cho vàng nếu đánh giá về thị trường hàng tháng vì các nhà đầu tư tìm đến vàng kiếm lời khi chứng khoán đi xuống.
Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong tháng 9 còn vì một số sự kiện quan trọng đẩy tiêu thụ lên cao. Tại Ấn Độ, các nhà sản xuất đồ trang sức bắt đầu dự trữ vàng trước lễ hội Diwali vào tháng 10 – một trong những lễ hội tôn giáo quan trọng nhất của đất nước. Tháng 9 cũng là tháng bắt đầu của mùa cưới ở nước này. Các nhà sản xuất vàng cũng dự trữ để đáp ứng cho nhu vầu lễ hội Ramzan ở các nước hồi giáo như Các tiểu vương quốc Ả Rập. Hơn nữa, nhu cầu vàng ở Trung Quốc có xu hướng tăng trong những tháng sau ngày 1/10 cho đến Tết âm lịch trong tháng 1 hoặc tháng 2.
Trong năm nay, giá vàng đi xuống liên tục trong 6 tháng đầu năm và chỉ vừa mới hồi phục trong tháng 7 và tháng 8. So với cuối năm 2012, giá vàng vẫn thấp hơn 15,3% và có thể hướng tới năm giảm đầu tiên kể từ năm 2000.
Vấn đề đặt ra lúc này là liệu giá vàng có nối tiếp đà tăng của tháng 7 và tháng 8, cũng như lặp lại lịch sử của hơn 20 năm trở lại đây vào tháng 9 này hay không? Câu trả lời là có thể, với một loạt các nguyên nhân sau đây.
Thứ nhất, căng thẳng ở Syria làm tăng nhu cầu trú ẩn an toàn. Những ngày cuối tháng 8, Mỹ và đồng minh phương Tây phát tín hiệu có thể tấn công nhằm vào Syria để phản đối hành động tấn công bằng khí độc của nước này. Dù rằng vừa cuối tuần này, tổng thống Barack Obama tuyên bố hoãn tấn công Syria nhưng điều đó vẫn chưa làm an lòng những nhà đầu tư vốn e ngại rủi ro.
Thêm nữa, bất kỳ hành động nào liên quan đến vũ trang của nước ngoài can thiệp vào Syria cũng có thể đẩy tăng căng thẳng lây lan tại Trung Đông, làm tăng mối lo về nguồn cung dầu mỏ và trực tiếp làm giá tăng. Giá dầu mỏ cao đồng nghĩa với áp lực lạm phát và vàng cũng được lợi nhờ thế.
Thứ hai, nhu cầu vàng của các nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là ở châu Á tăng mạnh. Trong thời gian qua, nhu cầu vàng lên cao đã kéo rộng khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng nội địa và thế giới ở nhiều nước lên mức cao kỷ lục, trong đó đáng chú ý là các thị trường Singapore, HongKong, Ấn Độ và Việt Nam. Ở Ấn Độ, giá vàng nội địa lên cao hơn vàng thế giới tới gần 30% vì đồng nội tệ mất giá kỷ lục bên cạnh mối lo lạm phát, còn ở Việt Nam, giá vàng có thời điểm cũng cao hơn thế giới tới 22% bởi cầu mạnh.
Thứ ba, yếu tố kỹ thuật và nhu cầu mua bù trạng thái của nhà đầu cơ đang hỗ trợ mạnh cho giá vàng tiếp tục đi lên. Việc giá vàng rớt xuống dưới 1.200 USD/ounce vào cuối tháng 6 năm nay khiến cho nhà đầu cơ lo sợ và đẩy mạnh bán tháo chặn lỗ. Cho đến cuối tháng 8, thị trường hồi phục nhanh chóng lên trên 1.400 USD/ounce buộc những người bán khống trước đó phải mua bù trạng thái. Một số chuyên gia dự báo giá vàng sẽ lên gần 1.500 USD/ounce trong tháng 9 này.
Dẫu vậy, cũng có những lo ngại giá vàng tháng 9 năm nay sẽ nằm trong số hiếm hoi của lịch sử đó là sẽ sụt giảm. Nguyên nhân là do Fed có thể quyết định rút gói kích thích kinh tế trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở vào trung tuần tháng này, khi nền kinh tế liên tục phát đi tín hiệu tích cực gần đây. Chính bởi những lo ngại về động thái của Fed mà giá vàng đã rớt hơn 15% trong năm nay.

Theo Trí Thức Trẻ