Câu chuyện 5 năm đi đòi thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam

CTCP Phúc Sinh có hành trình xây dựng, phát triển 12 năm để trở thành doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu. Nhưng ít ai biết rằng, Phúc Sinh đã phải mất đến 5 năm để… đi đòi thương hiệu. 5 năm đi đòi thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam

Nội dung nổi bật: 
Chuyện trùng hợp tên thương mại giữa Công ty CP Phúc Sinh và Nông sản Phúc Sinh từ năm 2008 buộc Phúc Sinh phải khởi kiện. 
Đầu tháng 8 năm nay, bản án buộc Nông sản Phúc Sinh không được sử dụng tên riêng là “Phúc Sinh” có hiệu lực tuy nhiên tên miền cũ là phucsinhcorp và website này vẫn “chạy” như bình thường.
————————————————–
Đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu ở VN và ở trong top đầu về xuất khẩu cà phê Robusta lẫn Arabica, trong mắt các bạn hàng nhập khẩu quốc tế, Công ty CP Phúc Sinh là một thương hiệu VN uy tín. Để được như vậy, Phúc Sinh đã có hành trình xây dựng và phát triển 12 năm. Thế nhưng ít ai biết rằng, Phúc Sinh đã phải mất đến 5 năm để… đi đòi thương hiệu.
5 năm đi đòi thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam (1)
Cụm nhà máy của Phúc Sinh bao gồm nhà máy Tiêu (nhà máy tiêu và nhà máy tiêu tiệt trùng) 
và nhà máy cà phê, với hệ thống nhận diện thương hiệu đã được công nhận và bảo hộ tổng thể
Chuyện xảy ra bắt đầu ở một hội chợ giới thiệu hàng nông sản quốc tế tại Đức vào năm 2008. Khi đó, gian hàng của Cty CP Phúc Sinh đang tấp nập khách tham quan đã phải tiếp một vị khách người Tây Ban Nha trong tình cảnh trớ trêu: Vị khách này “xông” đến, hùng hổ đòi bồi thường vì tiến độ giao hàng và chất lượng sản phẩm không như hợp đồng ký kết. Vị khách gọi đích danh tên “Mr Phan”, là họ của Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phúc Sinh – ông Phan Minh Thông – theo cách gọi tên trong tiếng Anh, để đòi trao đổi.

Tai bay…
“Tôi quá bất ngờ vì xưa nay những vấn đề như vị khách nêu là điều không thể xảy ra tại Phúc Sinh, nhưng vẫn cố bình tĩnh để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Sau đó, mới phát hiện ra đối tác xuất hàng cho họ là Cty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh. Còn “Mr Phan” là do tên của Tổng giám đốc Nông sản Phúc Sinh chính là Trương Minh Phan. 
Cũng đáng ngạc nhiên vì có quá nhiều điểm trùng nhau, thậm chí có nhiều người còn nghĩ Mr Phan kia là anh em gì của tôi. Về sau, vị khách Tây Ban Nha trở thành DN thân thiết với Cty CP Phúc Sinh. Nhưng phiền toái thì vẫn chưa chấm dứt…” – ông Phan Minh Thông kể.
Những sự vụ phiền toái mà Phúc Sinh nhận được tiếp sau, là: Các hãng tàu vận chuyển quốc tế fax thư… đòi nợ, vì “Phúc Sinh xuất các lô hàng vận chuyển và đến hạn mà chưa thanh toán”. (Với uy tín của mình, Phúc Sinh luôn được các hãng vận chuyển tạo điều kiện hợp tác kinh doanh bằng hình thức xuất hóa đơn trước, thanh toán sau-PV). Nhiều khiếu nại về chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng từ một số DNNVV ở các quốc gia trên thế giới gửi về. 
Thậm chí, có ngân hàng thương mại còn điện thoại đến văn phòng Phúc Sinh đề nghị trao đổi, bổ sung thông tin cho hồ sơ vay vốn. Trong khi đó, Phúc Sinh trước nay vẫn là DN được đánh giá có định mức tín nhiệm cao, các ngân hàng sẵn sàng mở hầu bao cho vay dù không có nhiều tài sản bất động sản để thế chấp…
Quá phiền, Cty CP Phúc Sinh đã có đề nghị Nông sản Phúc Sinh không dùng tên thương mại tương tự tránh gây nhầm lẫn nhưng không được đồng ý. Phúc Sinh đành khởi đơn kiện.

Làm thương hiệu nông sản : Không thể “qua loa”!
5 năm kiện Nông sản Phúc Sinh kể từ 2008 tính đến nay, vụ việc đã qua 3 lần xét xử: Sơ thẩm, phúc thẩm và tháng 6 mới đây, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của bị đơn Nông sản Phúc Sinh, chấp nhận yêu cầu của Cty CP Phúc Sinh (nguyên đơn), buộc Nông sản Phúc Sinh không được sử dụng tên riêng là “Phúc Sinh”. Đầu tháng 8 này, bản án chính thức có hiệu lực.
Đáng nói là theo ghi nhận của DĐDN, đến thời điểm hiện nay, tuy phía Nông sản Phúc Sinh đã đổi tên thành Cty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Phú Sinh Sài Gòn, song thực tế các thông tin DN trên internet thì vẫn để tên miền cũ là phucsinhcorp và website này vẫn “chạy” như bình thường. Ông Nguyễn Kiều Hưng – Luật gia trưởng Hãng Luật Giải phóng nhận định trong trường hợp này, Cty CP Phúc Sinh nên “mạnh tay” hơn nữa, đồng thời các cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN, qua đó bảo vệ sự minh bạch, lành mạnh của môi trường kinh doanh.
Mặc dù vậy, chia sẻ với DĐDN, ông Phan Minh Thông cho biết, thực ra nếu không vì uy tín trong công việc kinh doanh, ông cũng không muốn “làm khó” DN bạn. “Trong một môi trường kinh doanh phẳng như hiện nay, ngoài những phiền toái thì việc nhầm lẫn tên thương mại cũng khiến Phúc Sinh mất đi sự khác biệt – Điều mà Phúc Sinh đã không ngừng nỗ lực xây dựng, bằng việc đi, học hỏi, khám phá và phát triển bạn hàng quốc tế kể từ năm 2001 cho đến nay. 
Chúng tôi không sợ mất khách hàng bởi có đã có nhiều trường hợp DN sau khi nghe tên Phúc Sinh thì đồng ý ký đơn hàng với DN bạn, lúc nảy sinh vấn đề không như cam kết, liền gửi thư phàn nàn cho chúng tôi; được giải thích Nông sản Phúc Sinh không phải là Cty CP Phúc Sinh, thì quay sang chúng tôi đặt đơn hàng dài hạn. Nhưng dù sao về lâu dài, Phúc Sinh vẫn không muốn có nhầm lẫn. Chỉ riêng chuyện đi giải thích, cũng đã rất… mệt!”.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều DN là làm nông sản thì không cần làm thương hiệu, ông Thông cũng cho biết với Phúc Sinh, ngược lại, chưa nói đến chuyện đòi lại tên DN mà ngay trong những việc tưởng nhỏ nhặt như đóng gói hàng bán đến tận tay các nhà sản xuất gia vị, các nhà rang xay cà phê quốc tế với khối lượng có khi chỉ vài ký tiêu, ký cà phê. 
“Mỗi một chi tiết đều góp phần làm nên thương hiệu Phúc Sinh. Và chúng tôi ý thức khi một hạt tiêu, hạt cà phê được xuất ra thị trường quốc tế, thì đó không chỉ là hạt tiêu, hạt cà phê mang thương hiệu Phúc Sinh nữa, mà là cà phê, là hạt tiêu của VN, là nông sản VN. Đã ý thức như vậy thì càng không thể “qua loa…”, ông Thông nói.
Theo lựa chọn và công bố của Bộ Công Thương, năm 2012, VN có 222 DN xuất khẩu uy tín thuộc các ngành hàng nông, lâm thủy sản xuất khẩu. VN cũng đang có hàng ngàn DN nông sản xuất khẩu khác. Giả thử đặt câu hỏi: Sẽ ra sao nếu tất cả các DN đều cùng ý thức xây dựng thương hiệu nông sản VN theo cách nghĩ như Phúc Sinh, đều quay lưng với chuyện làm ăn “chụp giật”, cạnh tranh lẫn nhau bằng các chiêu thức đại hạ giá, làm giả, nhái tên thương hiệu… như những gì đang diễn ra?
Hình ảnh lý tưởng cho thương hiệu nông sản Việt khi đó, hẳn sẽ không chỉ nằm ở chuyện cà phê Việt vì sao mãi ngay ngáy nỗi lo tụt hạng, giá gạo Việt có lâm vào rớt giá và kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt có nguy cơ sụt giảm… Như những nỗi lo ngắn hạn đang tồn tại dai dẳng của hôm nay!

Theo Diễn đàn doanh nghiệp