Nội dung nổi bật:
– Các doanh nghiệp Nhật thường rất chậm và cẩn thận khi tiếp xúc với đối tác, nhiều hợp đồng từ khi tiếp xúc đến ký kết phải mất 4-5 năm.
– Việt Nam cần phải tăng đầu tư công nghiệp phụ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng để kích thích đầu tư của doanh nghiệp Nhật.
Nếu phải đối diện ngọn núi cao và ngọn núi thấp, doanh nghiệp VN và Nhật Bản sẽ lựa chọn như thế nào? Kết quả: phần lớn doanh nghiệp Nhật muốn leo núi cao trong khi những cánh tay đến từ VN lại chọn núi thấp.
Đó là tình huống được ông Masaki Yamashita, giám đốc Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ – TP.HCM, nêu ra tại Diễn đàn kết nối giao thương Việt – Nhật, do Câu lạc bộ CEO và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại TP.HCM tổ chức ngày 12-9.
Bên chậm, chắc – Bên nhanh, vội
Từng có 18 năm học tập, sinh sống tại Nhật Bản, ông Lê Long Sơn, giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho biết các doanh nghiệp Nhật thường đàm phán thời gian dài, hội đủ các điều kiện lâu dài mới chọn một đối tác.
Chính vì thế họ muốn kiểm chứng doanh nghiệp đối tác làm được gì và làm tới đâu. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật khi đầu tư ra nước ngoài vẫn bị ảnh hưởng quyết định từ công ty mẹ ở Nhật nên chi nhánh ở các nước cần có những tài liệu thuyết phục được cấp trên.
Theo bà Đặng Minh Phương – chủ tịch Câu lạc bộ CEO TP.HCM, hầu hết doanh nghiệp VN đều khá non trẻ, trình độ, xuất phát điểm khá thấp nên trong tầm nhìn và suy nghĩ còn khá tự ti. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật thường rất chậm và cẩn thận khi tiếp xúc với đối tác, nhiều hợp đồng từ khi tiếp xúc đến ký kết phải mất 4-5 năm.
Ngoài ra, do đặc thù văn hóa, doanh nghiệp Nhật thường chọn những đối tác đồng hương ngay khi làm ăn tại VN. “Doanh nghiệp Nhật nên tận dụng doanh nghiệp VN có thể cung ứng những dịch vụ giá rẻ, chất lượng ổn định. Hiện nay doanh nghiệp Nhật chưa sử dụng nhiều, điều này làm giảm đi phần nào lợi thế của doanh nghiệp Nhật tại thị trường VN” – bà Phương đề nghị.
Ông Hiroharu Motohashi, giám đốc Ajinimoto VN, lại cho rằng sự khác biệt là không thể tránh khỏi, nhưng chưa hẳn là xấu hay tốt, quan trọng là phải dung hòa được khác biệt đó. Khi hợp tác làm ăn, doanh nghiệp hai bên cần phải đồng lòng để có những quan điểm chung. Bản thân doanh nghiệp Nhật cũng phải thay đổi như rút ngắn thời gian giao dịch để có thể phù hợp với những diễn biến kinh tế VN.
Ông Yutaka Watanabe, giám đốc Towa Industrial, lại cho rằng sự khác biệt hiện nay không đến từ ngôn ngữ mà còn mang tính văn hóa. Khi có lợi nhuận, doanh nghiệp VN muốn thu hồi, nếu lỗ thì lo lắng không muốn làm gì nữa, trong khi doanh nghiệp Nhật luôn muốn đầu tư, mở rộng và không bỏ cuộc.
“Chọn VN chúng tôi không chỉ nhắm đến nguồn lực lao động rẻ mà có ý tưởng cùng hợp tác với doanh nghiệp VN và cùng tín nhiệm lẫn nhau. Với VN, chúng tôi chuyển giao công nghệ thì rất an tâm mà không sợ bị đánh cắp” – ông Yutaka Watanabe nói.
Làm ăn với Nhật phải kiên trì
Đưa ra những kịch bản khá lạc quan về kinh tế VN những tháng cuối năm 2013 và thời gian tới, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng ông đặt khá nhiều kỳ vọng vào nhà đầu tư Nhật Bản. Ba kỳ vọng ông Lịch gửi đến nhà đầu tư Nhật là: Thứ nhất, sự chung tay của nhà đầu tư Nhật vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ tạo điều kiện phát triển hệ thống tài chính ngân hàng VN mở rộng hơn, hướng tới nguồn vốn trung và dài hạn thông qua các tổ chức tài chính phi tín dụng.
Thứ hai, với kinh nghiệm về công nghệ, các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào công nghiệp hỗ trợ là điều kiện giúp ngành sản xuất VN gia tăng giá trị cho sản phẩm… Thứ ba, thông qua việc liên kết với doanh nghiệp Nhật, doanh nghiệp VN sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhờ học hỏi được kinh nghiệm quản trị, tiếp cận công nghệ mới, hiện đại và phương pháp làm ăn.
Ông Lê Đăng Phong, tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thép Việt – Mỹ, cho biết sau bốn năm hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Nhật, đây là thời điểm mà cơ hội làm ăn với Nhật thấy rõ rệt. “Nhật vẫn là đối tác ưu tiên số một của chúng tôi. Nếu doanh nghiệp Việt tận dụng được đồng vốn rẻ hiện nay và khai thác được nguồn nhân lực, trí tuệ từ Nhật thì sẽ thành công” – ông Phong nói.
Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hiện nay doanh nghiệp của hội hợp tác làm ăn với Nhật khá nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật quá khắt khe khiến một số thủ tục hàng hóa bị chậm hơn so với các đối tác khác. Và đây cũng là khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải thật sự kiên nhẫn…
Trong khi đó ông Masaki Yamashita – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM – cho rằng vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Nhật đang gặp phải là ngành công nghiệp phụ trợ tại VN còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nguồn nguyên liệu tại chỗ của VN chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật đang sản xuất tại VN, con số này bằng 1/2 so với Thái Lan.
“Tôi không hiểu vì sao VN lại không kêu gọi đầu tư thật sự vào ngành công nghiệp phụ trợ. Khó khăn, trở ngại từ lĩnh vực này gây ra rất dễ nhìn thấy nhưng việc tập trung để thay đổi thì quá ít” – ông Masaki Yamashita nhấn mạnh. Rào cản thứ hai mà ông đưa ra là việc chuyển giao công nghệ phía Nhật cho VN khó thực hiện khi năng lực của các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực không đủ khả năng hấp thụ.
Ông Hirotaka Ysuzumi, giám đốc Jetro tại TP.HCM, cho rằng để thu hút đầu tư nước ngoài VN cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chính sách thuế phải minh bạch hơn, đặc biệt doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn. VN đang có ưu điểm nguồn nhân lực dồi dào, và VN cần phải biến những lợi thế sẵn có thành địa điểm thu hút đầu tư chứ không phải là sự lựa chọn còn lại sau các lựa chọn.
Bà Đặng Minh Phương (chủ tịch Câu lạc bộ CEO):
Chậm nhưng là đối tác chung thủy
Rào cản lớn nhất hiện nay của người Việt mình là tính kiên nhẫn. Trong khi đó, để làm việc được với Nhật phải hết sức kiên nhẫn và phải có thực lực. Kiên nhẫn ở đây là trong đàm phán, ký kết hợp tác vì có những dự án phía Nhật họ theo dõi thông tin suốt 4-5 năm trời mới đi đến ký kết. Đổi lại khi đã chọn mình làm đối tác thì họ sẽ hết sức chân thành và chung thủy trong làm ăn.
Theo Tuổi trẻ