Đấu thầu thuốc tập trung: Nguy cơ các DN nội phá sản

Đấu thầu thuốc tập trung với một mức giá được kỳ vọng mang lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên “sân chơi” này sẽ không có chỗ cho DN vừa và nhỏ bởi tính cạnh tranh khốc liệt không chỉ về giá.

Dự thảo Luật Đấu thầu thuốc tập trung đang khiến cho các doanh nghiệp dược trong nước (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) như “ngồi trên lửa”. Sân chơi của cuộc đấu thầu thuốc tập trung sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi tính cạnh tranh khốc liệt không chỉ về giá cả, mà còn về quy mô sản xuất để phục vụ thị trường lớn của cả nước. Nếu dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đi vào đời sống, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị phá sản. 
Mặc dù được công nhận là thuốc có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu điều trị cũng như được sự tin tưởng của bác sĩ, thế nhưng trong năm 2013 này, số mặt hàng và số lượng trúng thầu vào bệnh viện của công ty Dược Hậu Giang vẫn giảm đến 30% so với những năm trước đây.
Là đơn vị tiên phong trong việc tham gia vào chương trình bình ổn giá thuốc và “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”, thế nhưng với việc thuốc không vào được bệnh viện cũng đồng nghĩa với thuốc Việt có chất lượng không đến tay người bệnh thì liệu đến bao giờ thuốc Việt mới thắng thế trên sân nhà?. Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến các doanh nghiệp dược Việt Nam về vấn đề này đều chỉ nhận được câu từ chối vì cho rằng vấn đề này đang nhạy cảm.
Tại hội nghị lấy ý kiến, các chuyên gia y tế cũng đã chỉ ra thực tế rằng, trong hơn một năm qua, thuốc nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan chất lượng không hơn gì thuốc Việt Nam nhưng vẫn trúng thầu rất nhiều vì giá rẻ, thậm chí không phải đấu thầu chung với thuốc Việt. 
Trong khi đó, doanh nghiệp dược trong nước muốn sản xuất phải hội tụ đủ nhiều tiêu chuẩn, được kiểm tra gắt gao, còn doanh nghiệp nước ngoài khi nhập thuốc vào chỉ kiểm tra chất lượng trên giấy là không bình đẳng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước như bị kìm hãm, khó khăn, ngân sách thất thu… cuối cùng đơn vị hưởng lợi lớn nhất cho đấu thầu lại là các doanh nghiệp nước ngoài.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu ý kiến: “Làm sao để tìm một mẫu số chung cho tất cả các bệnh viện, phải nói đây là vấn đề hết sức nan giải. Bởi vì các loại thuốc để đánh giá trên các tiêu chí chất lượng, kỹ thuật thì cũng rất khó khăn để tìm ra sự khác biệt, nếu chỉ có một thuốc trúng thầu, lấy đó để áp dụng cho toàn bộ hệ thống bệnh viện đã là khó, chưa nói đến chuyện dùng ở góc độ quốc gia”.
Hiện các doanh nghiệp dược Việt Nam đang rất lúng túng với hình thức đấu thầu mới mang nhiều rủi ro này và họ vẫn đang trông chờ một chính sách hỗ trợ chính đáng của Nhà nước dành cho thuốc Việt để không chỉ chương trình mang tính chiến lược quốc gia mà Bộ Chính trị và Bộ Y tế đã phát động “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” phát huy được hiệu quả tích cực của nó, xa hơn đó là giúp cho sự phát triển chung của ngành dược trong nước.

Theo VTV