“Không nên khiên cưỡng mục tiêu quá ổn định để gây áp lực cho tương lai. Có những cái chúng ta nhìn thấy trước mắt thì cần, nhưng trong tương lai rất nguy hiểm như vấn đề tỷ giá, giá cả”.
Muốn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải có nguồn lực, trong đó có cả nguồn kinh phí thực hiện. Đây là thách thức cho cả Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp trong bối cảnh Chính phủ chủ trương cắt giảm đầu tư.
Đến nay, các nhà thầu tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang nỗ lực thi công để hoàn tất các hạng mục xây dựng đã đăng ký với chủ đầu tư để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Được đầu tư 5.200 tỷ đồng, Khu kinh tế Vũng Áng đã đóng góp hơn một nửa vào mức tăng trưởng của Hà Tĩnh, đạt mức 6,5% trong 6 tháng đầu năm, với thu ngân sách đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thách thức của Hà Tĩnh là làm sao bố trí tiếp được nguồn vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu kinh tế để đón tiếp gần 1 triệu lao động vào làm việc khi việc xây dựng hạ tầng hoàn tất.
Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nguồn lực cho việc xây dựng nhà ở để đáp ứng nhu cầu của công nhân trong thời gian tới là những vấn đề rất lớn, kể cả về hạ tầng ngoài hàng rào khu kinh tế. Đây là những vấn đề rất quan trọng, kể cả hạ tầng về giao thông, điện và đặc biệt là việc cấp nước cho Vũng Áng”.
Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng được bố trí vốn đầu tư như tại Vũng Áng. Việc cắt giảm vốn đầu tư trong 3 năm qua, để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đã buộc một loạt các doanh nghiệp, địa phương gặp khó khăn. Ví dụ, tại tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, muốn tái cơ cấu thành công, phải giải quyết khoảng 4 vạn lao động dôi dư.
Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cũng muốn tái cơ cấu, nhưng phải xử lý vấn đề lao động. Chúng tôi có khoảng 140.000 lao động, nhưng nếu tái cơ cấu theo đề án, sẽ phải giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư 4-5 vạn người. Giải quyết vấn đề này không đơn giản”.
Tại Diễn đàn Kinh tế do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức vào tuần trước, đã có một số ý kiến cho rằng, có lẽ cũng nên xem xét có sự linh hoạt trong điều hành, để tránh gây áp lực trong tương lai.
Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia khuyến cáo: “Không nên khiên cưỡng mục tiêu quá ổn định để gây áp lực cho tương lai. Có những cái chúng ta nhìn thấy trước mắt thì cần, nhưng trong tương lai rất nguy hiểm như vấn đề tỷ giá, giá cả. Cụ thể hiện nay, chúng ta đang cố nén giá, cố nén tỷ giá, chúng ta nghĩ rằng ổn định trước mắt cũng là cần thiết, nhưng nén quá thì cũng sẽ gây mất ổn định trong tương lai, Vì vậy tôi nghĩ rằng, cần có sự linh hoạt nhất định trong việc thực hiện mục tiêu ổn định hiện nay”.
Qua câu chuyện thúc đẩy đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng cho thấy, nguốn vốn đầu tư của nhà nước nếu được quản lý chặt chẽ sẽ trở thành vốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương phát triển. Và tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội, tại kỳ họp sắp tới tăng bội chi ngân sách lên 5,3% và dành toàn bộ số tăng này cho đầu tư phát triển. Đây được xem là một trong những giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Theo VTV