Theo tác giả bài báo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng cơn sóng trên TTCK hiện nay một phần do vốn từ các NHTM đưa ra.
Báo An ninh thủ đô sáng nay có bài viết của tác giả Phan Đức “TTCK: Cảm hứng thiên đường và dự cảm địa ngục”. Nội dung bài viết này xoay quanh câu hỏi thanh khoản TTCK giai đoạn này đã cải thiện đáng kể, giá trị giao dịch bắt đầu vượt con số 1.000 tỷ/phiên. Nhưng số tiền khổng lồ đó đến từ đâu?
Theo tác giả bài báo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng cơn sóng trên TTCK hiện nay một phần do vốn từ các NHTM đưa ra. Nhưng theo các báo cáo từ các NHTM, tỷ lệ cũng như con số tuyệt đối cho thấy tín dụng cho kinh doanh chứng khoán không tăng. Vậy vốn ra bằng đường nào?
Tác giả chỉ ra CTCK đi vay qua hình thức “đặt cọc”. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 của CTCK Agriseco ghi nhận hai khoản tiền mà CTCK này đặt cọc cho khách hàng theo các thỏa thuận mua chứng khoán với giá trị tổng cộng lên đến gần 1.542 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5 – 28%/năm, không cần biết đến hiệu quả kinh doanh. CTCK VPBS đặt cọc cho khách hàng số tiền gần 728,7 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 (số dư đầu năm là hơn 716,2 tỷ đồng), CTCK Đại Dương (OCS) “đặt cọc” cho đối tác xấp xỉ 882 tỷ đồng và nhận một khoản “đặt cọc” với số dư 319 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 (đầu năm là 344,5 tỷ đồng) từ một đối tác khác.
Nhiều trường hợp đặt cọc không phải là hình thức CTCK đi vay ngân hàng, mà là ngân hàng thông qua CTCK để cho khách hàng vay hoặc gửi vào ngân hàng khác khi lãi suất liên ngân hàng thấp hơn lãi suất huy động. Chẳng hạn, CTCK MHB (MHBS) được Sở giao dịch Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long “đặt cọc” một khoản tiền có số dư tại thời điểm 30-6-2013 là 410 tỷ đồng. Tương tự, CTCK Navibank (NVS) được Ngân hàng TMCP Nam Việt đặt cọc 50 tỷ đồng. Còn CTCK Maritime Bank (MSBS) có một khoản “tiền đặt cọc bán cổ phiếu, môi giới trái phiếu” trị giá 181 tỷ đồng.
Thứ hai, tiền ra thị trường thông qua hợp đồng “ủy thác đầu tư”. CTCK Quốc Gia (NSI) có một khoản phải thu 115 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn Việt Phương (VPG) tại thời điểm 30-6-2013, phát sinh từ một hợp đồng gọi là “hợp đồng hợp tác cung ứng dịch vụ và đầu tư tài chính”. Theo đó, NSI giao vốn cho VPG để đầu tư, và VPG phải đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu cho NSI là 9%.
Theo tác giả Phan Đức, hàng nghìn tỷ vào chứng khoán đều từ các NHTM. Để tiêu thụ hết số vốn khổng lồ các NHTM đã phải tìm đến TTCK. Và những lo lắng lớn hơn đã xuất hiện. Liệu các nhà đầu tư thật, các NHTM có bảo toàn được vốn sau những con sóng. Liệu những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng có bắt đầu từ những phấn khích trên các bảng điện tử không? Câu trả lời đang ở phía trước.
Theo Trí Thức Trẻ