DN muốn chuyển ngược mục đích nhà xã hội về thương mại

Theo đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai, hiện dự án nhà ở tại Quận 7 đã có khách hàng mua là cán bộ viên chức quận 3 nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục hành chính.
Trả lãi 200 triệu đồng/ngày cho khoản vay 250 tỷ đồng đầu tư một dự án nhà ở tại Quận 7 (TP. Hồ Chí Minh), đề nghị năm lần bảy lượt với ngành xây dựng thành phố nhưng chưa hoàn tất xong thủ tục để bán với giá nhà ở xã hội 12 triệu đồng/m2. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai đã phải giãi bày nỗi “ấm ức” này trong cuộc họp với Ban Kinh tế Ngân sách TP. Hồ Chí Minh chiều 22/10.
Theo bà Loan, Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư một dự án căn hộ thương mại theo hình thức hợp đồng hợp tác với CTCP Đầu tư kinh doanh Nhà ở TP. Hồ Chí Minh theo tỷ lệ 95% vốn của Quốc Cường và 5% giá trị đất đai của phía đối tác. Dự án đã hoàn tất xây dựng phần thô với giá dự bán 20 triệu đồng/m2. Nhưng khi gói “Tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng” ra đời, công ty đã giảm giá xuống 12 triệu đồng/m2 để tận dụng thời cơ bán hàng cho người tiêu dùng cuối cùng.
Vì thế, Công ty Quốc Cường đề xuất với Sở Xây dựng thành phố cho phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội thì được cơ quan này yêu cầu phải chia nhỏ căn hộ. Trong khi hiện trạng, hai block nhà chung cư gồm 300 căn hộ, nếu chia ra thì diện tích xây dựng còn từ 30-60 m2/căn.
Thế nhưng, muốn chia nhỏ thì bên hợp tác – tức CTCP Đầu tư kinh doanh Nhà phải ký giấy tờ ủy quyền hợp tác đầu tư cho Quốc Cường. “Công ty bàn thảo mấy tháng nay, lúc ký lúc không, nhưng do cơ chế ưu đãi dành cho nhà ở xã hội không phải đóng tiền sử dụng đất nên đối tác lại đề nghị bán đứt phần vốn còn lại cho Quốc Cường và hiện tỷ lệ lần lượt đến 99% và 1%” – bà Loan nói.
Theo đại diện Công ty Quốc Cường, hiện dự án này đã có khách hàng mua là cán bộ viên chức quận 3 nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục hành chính từ phía ngành xây dựng nên không thể bán căn hộ, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
“Nếu khó khăn quá tôi xin thành phố cho tôi nhận lại hồ sơ để chuyển ngược trở lại dự án đang hoàn tất thủ tục nhà ở xã hội trở về nhà ở thương mại như cũ”, bà Loan bức xúc.
Ở một trường hợp khác, liên quan đến những vướng mắc trong thủ tục hành chính, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân cho biết, BIDV đã sẵn sàng cho vay 540.000 tỷ đồng với lãi suất 6% theo gói tín dụng ưu đãi, cộng với khoảng 1.000 khách hàng đang chờ được ký hợp đồng mua nhà ở giá rẻ nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Hy vọng đã mở ra
Trong tuần này, tại TP. Hồ Chí Minh, một nút thắt cơ bản trong thủ tục hành chính mới hy vọng được gỡ. Đó là việc cơ quan công chứng đã chấp nhận thực hiện công chứng đối với hợp đồng mua nhà hình thành trong tương lai.
Và cũng đến đầu tuần này, đã có 2 DN đầu tiên được chuyển thành công dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Thêm vào đó là các dự án của công ty Chánh Hưng và CTCP Thủ Thiêm chuyển đổi được dự án tái định cư sang nhà ở xã hội, tăng nguồn cung cho thị trường được khoảng hơn 700 căn hộ nhà ở xã hội.
Được biết, một dự án sử dụng vốn vay của WB đã chào bán nhà ở thương mại tại TP. Hồ Chí Minh chỉ có 6,2 triệu đồng/m2 được kỳ vọng sẽ là lực đẩy buộc các chủ đầu tư giảm giá căn hộ cho người mua nhà để ở. Hầu hết các DN bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất 6%/năm đối với DN kinh doanh đầu tư căn hộ là thấp, tuy nhiên theo một số DN, nên kéo dài thời gian trả nợ lên 20 năm để giảm chi phí trả nợ cho người dân vay vốn mua nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Theo bà Lê Thị Giàu, Tổng giám đốc Công ty Tấn Hưng, nguồn khách hàng là lực lượng vũ trang tại TP. Hồ Chí Minh đang có nhu cầu mua nhà ở khoảng 25.000 người, chưa kể công chức các ngành khác. Nếu người mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng được thúc đẩy nhanh chỉ cần một hai năm trả lãi và vốn gốc thì vòng quay luân chuyển vốn lại được nhân lên và nhiều người vay hơn nữa.
Với vị trí quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Có thể sẽ có chủ dự án đưa ra giá 3-4 triệu đồng/m2 tùy địa bàn. Nhưng tuyệt đối không được giảm chất lượng công trình”.