Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Tình trạng các doanh nghiệp (DN) liên kết dịch chuyển lợi nhuận từ quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế suất cao đến nơi thuế suất thấp để đóng thuế ít hơn, hưởng lợi nhuận nhiều hơn (còn gọi là chuyển giá) là chủ đề “nóng” tại Hội nghị quốc tế thường niên của Hiệp hội Tư vấn thuế châu á – châu Đại Dương vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo nhiều chuyên gia tham dự, để hạn chế tình trạng này và giảm thiểu rủi ro thất thu ngân sách, thì cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) là một trong những công cụ hữu hiệu.

Tham gia APA sẽ giúp cơ quan thuế chủ động hơn trong việc hành thu ở một khoản thời gian nhất định, đồng thời giúp giảm chi phí quản lý thuế. Nguồn: internet
Lợi ích của APA…
Theo định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), APA là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế (NNT), được thực hiện trước khi giao dịch liên kết xảy ra để xác định một nhóm các nhân tố (như phương pháp tính, cách điều chỉnh, các giả định trọng yếu sẽ xảy ra trong tương lai) làm cơ sở cho việc xác định mức giá phù hợp của những giao dịch liên kết. 
APA có 3 hình thức. APA đơn phương là thỏa thuận được xác lập giữa NNT và cơ quan thuế của một nước. APA song phương là hình thức thỏa thuận được xác lập giữa hai cơ quan thuế trên cơ sở đề nghị của NNT tại mỗi nước. Cuối cùng là APA đa phương, được xác lập trên cơ sở thỏa thuận giá trước có sự tham gia của nhiều hơn hai cơ quan thuế. 
Theo các chuyên gia, APA đang ngày càng được ưa chuộng không chỉ đối với DN mà cả cơ quan thuế các nước phát triển và đang phát triển, vì nó mang lại những ưu điểm nổi bật. Khi chưa có quy định cho phép áp dụng APA, thì việc xử lý các trường hợp tránh thuế qua chuyển giá chỉ có thể thực hiện bằng thanh tra thuế, nhưng quá trình thanh tra chuyển giá cũng rất phức tạp do phải chứng minh được sự bất hợp lý về giá; phải tìm được dữ liệu thông tin để điều chỉnh và mất thời gian để đi đến thống nhất cuối cùng về số liệu truy thu và phạt. 
Ngược lại, trong trường hợp thiết lập APA, các bên liên quan sẽ làm việc trong bối cảnh hợp tác, xây dựng để cùng đạt được thoả thuận chung, do đó sẽ đem lại lợi ích cho cả cơ quan thuế và NNT. Tham gia APA sẽ giúp cơ quan thuế chủ động hơn trong việc hành thu ở một khoản thời gian nhất định, đồng thời giúp giảm chi phí quản lý thuế. 
Khi APA được ký kết, cơ quan thuế sẽ thực hiện quản lý NNT thông qua những quy định đã cam kết. Trong thời hạn thực hiện APA, cơ quan thuế sẽ không tiến hành các hoạt động thanh tra chuyển giá, chừng nào NNT vẫn tuân thủ những quy định đã được thống nhất. APA giúp củng cố mối quan hệ giữa cơ quan thuế với NNT, tạo ra một môi trường kinh doanh mang tính hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. 
Đối với NNT, tham gia APA sẽ đem lại một môi trường thuế thuận lợi cho việc kinh doanh. Ngay sau khi APA được ký kết, NNT sẽ dự báo được nghĩa vụ thuế phải thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai (từ 3 tới 8 năm tùy theo quy định tại từng quốc gia). Việc tham gia vào APA cũng sẽ giúp NNT chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh, sử dụng nguồn lực (nhân lực, tài chính, thời gian) vào các mục tiêu kinh doanh, thay vì phải đối phó với việc thanh tra chuyển giá của cơ quan thuế. Các APA song phương hoặc đa phương, sẽ tiến hành đàm phán và đi đến thỏa thuận về việc phân chia quyền đánh thuế giữa các nước, theo đó sẽ loại trừ việc đánh thuế hai lần đối với thu nhập của NNT.
…và khuyến nghị đối với Việt Nam 
Cố vấn cao cấp Công ty Pricewaterhouse Coopers Hong Kong, nguyên Chủ tịch Học viện thuế Hong Kong (Trung Quốc) – ông Marcellus Wong chia sẻ, mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan thuế và NNT, song việc đàm phán APA rất phức tạp và mất nhiều thời gian, nhất là đối với các thoả thuận song phương và đa phương. 
Theo thống kê, đàm phán song phương tại Singapore thường mất 24 tháng; tại Malaysia là 12-24 tháng; tại Hàn Quốc là 30 tháng. Do đó, để sử dụng nguồn lực có hiệu quả, các nước thường ban hành quy định hạn chế thời gian đàm phán APA, nếu việc đàm phán kéo dài quá thời gian quy định thì sẽ chấm dứt. Bên cạnh đó, cần đưa ra quy định về ngưỡng giá trị giao dịch liên kết hoặc ngưỡng doanh thu, lợi nhuận của DN để đàm phán APA. 
Về thời gian thực hiện APA, thông thường kéo dài từ 3 tới 5 năm. Nếu thời hạn áp dụng APA quá ngắn, sẽ giảm sự ổn định trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT và không tương xứng với thời gian đàm phán. Nhưng nếu thời hạn áp dụng APA quá dài, thì tính chính xác của những giả định làm cơ sở cho APA sẽ giảm xuống và việc điều chỉnh giao dịch của NNT sẽ không còn phù hợp nữa.
Phó tổng giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam, bà Vũ Thị Thu Hương nhận định, Việt Nam đang có một số lượng lớn các DN vừa và nhỏ, muốn giảm thiểu rủi ro liên quan đến xác định giá thị trường bằng cách áp dụng APA. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu xem xét phân loại DN để áp dụng quy định về APA theo 3 mức độ. 
Đối với tổ chức nộp thuế có giao dịch liên kết với rủi ro thấp, nhưng mong muốn đạt được sự chắc chắn về thuế liên quan đến hoạt động xác định giá thị trường sẽ áp dụng APA giản lược với quy trình thực hiện đơn giản, tiêu tốn ít thời gian và chi phí. APA tiêu chuẩn nhằm vào các đối tượng có giao dịch liên kết ít phức tạp, nhưng không đủ điều kiện áp dụng APA giản lược. APA phức tạp chỉ nhằm vào các giao dịch liên kết trên phạm vi quốc tế có rủi ro cao, do không tìm được các đối tượng tương đồng với số thuế phải nộp liên quan đến giao dịch rất lớn; có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp chuyển một phần lớn lợi nhuận ra khỏi Việt Nam. 
Bà Hương cũng cho rằng, APA không phải là giải pháp áp dụng cho tất cả các DN. APA chỉ được xem là lý tưởng khi NNT phải đối mặt với nhiều tranh chấp hoặc các điều chỉnh liên quan đến xác định giá thị trường; quy mô và mức độ phức tạp của các giao dịch quốc tế rất lớn; phương thức tiếp cận, định giá đang áp dụng có thể bị cơ quan thuế chất vấn và lợi ích của việc áp dụng APA là vượt trội so với các kênh giải quyết tranh chấp khác. Vì vậy, việc áp dụng APA vào Việt Nam cần sự cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các quốc gia đã đi trước.

Theo TCTC