Đang có nhiều yếu tố thuận lợi để có thể giữ ổn định tỷ giá, song theo các chuyên gia, tỷ giá từ nay đến cuối năm tăng nhẹ là có thể chấp nhận được, để khuyến khích xuất khẩu.
Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cho biết, nếu so sánh đồng tiền Việt Nam (VND) với 23 đồng tiền Việt Nam có quan hệ thương mại (23 đồng tiền này chiếm 91% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam) thì phải phá giá 1%, vào năm tới. Mặt khác, nếu năm tới, lãi suất của Chính phủ Mỹ tăng lên, USD tăng giá, mức phá giá VND có thể vào khoảng 2%.
Tuy nhiên, hiện tại, giữ cho được tỷ giá ổn định là một nhiệm vụ quan trọng, nằm trong mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô. “Có thể nói, đồng tiền Việt Nam hiện được đánh giá ổn định nhất châu Á, và là một trong những yếu tố hấp dẫn dòng vốn đầu tư, bao gồm cả trực tiếp, gián tiếp”, ông Nghĩa nhận xét. Mặc dù thời gian vừa qua, có hiện tượng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài rút khỏi Việt Nam, song theo ông Nghĩa là phần lớn các quỹ đóng thoái vốn vào cuối năm 2013, trong khi quỹ mở hình thành chậm chạp. Ông Nghĩa nhận định, các nhà đầu tư sẽ sớm lựa chọn đất nước có đồng tiền ổn định để quay lại, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Chung nhìn nhận này, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước, cho rằng, cần phải giữ ổn định tỷ giá hối đoái, mức biến động mỗi năm có thể dao động 1 – 2%. Tuy nhiên, ông Phước nhấn mạnh, trong công tác điều hành tỷ giá, điều quan trọng không phải mức tăng mà là dáng điệu của tỷ giá. Bởi các lý thuyết tỷ giá hối đoái chú trọng xác lập một thị trường hiệu quả trong một kỳ vọng thị trường hợp lý, nếu không người ta có thể bỏ chạy.
“Người ta chưa biết chiếc thuyền đến bến bờ nào, nhưng ngay bây giờ, nếu có thông tin không chính xác rằng tàu sắp chìm rồi, người ta sẽ xô đạp nhau và chiếc thuyền có thể chìm ngay lúc đó”, ông Phước ví von. Theo ông Phước, từ nay đến cuối năm, ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cho tỷ giá tăng 0,25 – 0,5% thì điều đó có thể chấp nhận được. Theo mô hình tính toán của ông Phước, trong vòng ba năm tới, tỷ giá không nên tăng quá 5%.
Theo ông Nghĩa, trong trường hợp tỷ giá được nới lỏng thêm chút ít từ nay đến cuối năm, đương nhiên sẽ có lợi cho xuất khẩu. Song NHNN cần tính toán cẩn trọng mức tăng để có thể khuyến khích xuất khẩu mà vẫn không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Theo Sài gòn tiếp thị