Giảm Stress với 2 phút mỗi ngày…
Xin chào anh chị và các bạn,
Trước đây tôi đã từng viết về đề tài kiểm soát áp lực (Stress) và các khiến bạn tập trung hơn. Các bạn có thể tham khảo lại các bài viết của tôi về đề tài này. Rất may mắn, hôm nay tôi nhận được nghiên cứu của Greg McKeown (@GregoryMcKeown), nghiên cứu sẽ được đăng tải trên Havard Business Review, và quan điểm của ông về việc giảm stress cũng khá giống dù không phải giống tất cả.
(Ảnh minh họa)
Theo Greg McKeown, việc kiểm soát stress đơn giản chỉ là kiểm soát việc nghĩ ngợi lung tung và vô trật tự của trí não. Để làm được điều này, ông có các cách đơn giản sau:
1. Thở
Bắt đầu bằng việc thở sâu 3 hơi khi ngồi tại văn phòng. Khi việc thở sâu 3 hơn đã trở thành thói quen, bạn có thể “nới rộng” thời gian ra hơn một chút. Trong khi thở, theo dõi hơi thở của mình. Khi thực tập, Greg McKeown nhận thấy tâm trí yên tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn.
2. Thiền
Không phải ở Châu Á chúng ta mới chú ý đến thiền, bạn có biết rằng những người thành công xuất chúng đều là những người tham thiền: Steve Jobs, Oprah Winfrey, Marc Benioff, Russell Simmons…Việc thiền bắt đầu bằng 1 phút mỗi ngày, thiền theo quan niệm của ông là “quán chiếu cơ thể”, đó là theo dõi và lắng nghe cơ thể từ đầu đến chân. Theo nghiên cứu của đại học Harvard, nếu những người tập thiền trong vòng 8 tuần, sẽ gia tăng vùng xám của não, phần não bộ chịu trách nhiệm trong việc học tập và tư duy xúc cảm. Nói một cách khác, thiền là giúp kiểm soát được cảm xúc và tăng sức mạnh của bộ não.
3. Lắng nghe
Nghiên cứu nhận thấy rằng, nếu chúng ta lắng nghe bằng cả trái tim thì bạn cảm thấy yên bình hơn và nhiều xúc cảm hơn. Điều này đã được minh chứng bằng nghiên cứu của Graham Bodie khi nhận thấy rằng, nếu chúng ta thật sự lắng nghe, chúng ta sẽ dễ dàng thấu hiểu, điều này là nền tảng cho sự phát triển lòng cảm thương, sự quan tâm và làm dịu đi xung đột và sự giận dữ vốn là ngòi nổ của stress.
4. Đặt câu hỏi cho chính bản thân mình
Luôn đặt cho mình câu hỏi “Liệu suy nghĩ này có đúng không?”, và nếu chúng ta vẫn không thể trả lời câu hỏi này là chắc chắn 100% thì hãy loại bỏ nó ngay vì nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của bạn. Giữa ranh giới giữa nhận thức và thực tại, bạn có quyền lựa chọn là tin hay không tin và có quyền lựa chọn quyền hành xử theo suy nghĩ của mình. Nếu thật sự điều bạn nghĩ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, thì bạn có quyền loại nó đi không thương tiếc. Nghiên cứu khoa học của Byron Katie cũng đã hỗ trợ luận điểm này khi chứng minh rằng sức mạnh của nhận sự mạnh hơn tác động của những suy nghĩ tiêu cực. Nếu việc bạn tin là đúng 100% thì sao? Lúc này, hãy đối diện với nó và đặt câu hỏi “nếu điều tồi tệ này thật sự xảy ra thì hậu quả LỚN NHẤT là gì?”, và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy đôi khi hậu quả không quá lớn như bạn tưởng, điều này sẽ giảm áp cho bạn rất nhiều đấy.
5. Sống và làm việc có mục đích và chuyên tâm
Việc này đơn giản là tìm cho mình một mục đích khi làm bất cứ việc gì. Điều này khá ngược với tư tưởng “vô ngã” của Phật giáo, tuy nhiên tôi cũng không tranh cãi hoặc hoài nghi vì đây là nghiên cứu khoa học. Sống và làm việc có mục đích cũng được hiểu là khi bạn làm việc gì, toàn tâm toàn ý cho 1 việc, ví dụ bạn đọc sách, hãy chỉ đọc sách và tìm cho mình mục tiêu đúng đắn của việc đọc sách, tương tự như việc xem ti vi. Sự chăm chú vào 1 vấn đề cũng có tác dụng tương tự như việc quán chiếu hơi thở. Khi đó, đầu óc bạn tránh suy nghĩ lung tung hơn và đương nhiên, ít sợ hãi và lo lắng hơn.
5 bước đơn giản trên bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể thực hành. Tuy nhiên, việc thực tập cần phải được tiến hành ngay và từng bước một. Để thành công, đừng quá tham lam hay “cả thèm chóng chán”, hãy bắt đầu bằng những bước rất nhỏ và thành công sẽ nhanh chóng đến cho bạn khi bạn cảm nhận một cuộc sống tươi vui hơn, đáng sống hơn, sự tập trung tốt hơn và kiểm soát cảm xúc cũng tốt hơn.
Chúc anh chị và các bạn thành công.
Theo Quantrikinhdoanh