Nhiều người biết đến đại gia Lê Ân nhưng ít ai biết ông khởi nghiệp từ đâu mà trở nên giàu có…
(Ảnh minh họa)
Theo lời kể của ông Lê Ân, trước đây ông vốn là một thợ may gia công. Dành dụm được một ít tiền, ông chuyển qua kinh doanh.
“Sau ngày giải phóng, tui thấy bom đạn bằng đồng, sắt, inox… vương vãi khắp nơi nên tôi đã nghĩ tới việc thu gom. Tui bắt đầu mua loại phế liệu từ chiến tranh này, bán lại kiếm lời. Thời gian sau, tui không bán nữa mà nghĩ cách chế chúng thành sườn xe đạp để bán ở chợ Đầm, Nha Trang. Thời đó, người dân mình còn khổ, đi xe đạp thôi, hiếm có ai có xe máy như bây giờ. Làm ăn phát đạt, tui nghĩ đến ngành kinh doanh khác…”
Thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa cao, sẵn có ít vốn, ông Lê Ân đã mua hàng chục chiếc xe lam về cho thuê. Đại gia Lê Ân kể: “Hàng ngày, không còn chiếc xe nào trống, người ta thuê hết. Tiền thu vô phát ham. Cuối ngày, tui đếm cả mấy bao tải tiền”.
Vẫn không chịu ngồi yên, vào những năm thập kỷ 80, vàng là kim loại được giao dịch phổ biến, ông Lê Ân chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng này. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ông chuyển sang đúc vàng miếng để bán. Thời gian này, ông cũng mua mở rộng loại hình kinh doanh đổi ngoại tệ để kiếm lời.
“Số tui được trời cho nên buôn bán mặt hàng nào, cũng đều phất lên như diều gặp gió. Lúc đó, tui nhìn ở đâu cũng thấy tiền, nghĩ đến việc kiếm tiền…” – Ông Lê Ân cho biết.
“Trong giai đoạn từ thập niên 80-90, nhu cầu vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Tui quyết làm liều, xin chính quyền thành phố cho mở quỹ tín dụng Con gà Hòa Hưng. Với mức lãi suất gửi cao, cách làm ăn có uy tín, người dân kéo đến gửi tiền vô quỹ tín dụng của tui rất đông. Giai đoạn đó, gần như quỹ tín dụng Con gà Hòa Hưng trở thành vô địch, không có đối thủ” – Ông Lê Ân hóm hỉnh.
“Đang làm ăn khấm khá, hàng loạt quỹ tín dụng làm ăn tắc trách khác bể nợ, gây ảnh hưởng đến tui. Họ cho dân gửi tiền với lãi suất quá cao nên đã không trả nổi… Các đại gia thời đó như Huỳnh Là, Nguyễn Văn Mười Hai lần lượt ngồi tù. Tui cũng bị chính quyền mời lên, mời xuống làm việc nhiều lần. Trong cuộc họp với chính quyền, tui nói dõng dạc: Tui làm ăn đàng hoàng. Đến giờ này quỹ tín dụng của tui vẫn ổn định về tài chính, sinh lời. Tui thề, tui không để xảy ra tình trạng thiếu hay quỵt một đồng xu cắc bạc nào của người dân! Chính quyền nghe tui nói chắc nên yên tâm, để quỹ tín dụng Hòa Hưng tiếp tục hoạt động, cho tới ngày tui xin nâng cấp lên thành ngân hàng” – Ông Lê Ân nhớ lại thời khủng hoảng.
Hiện nay, ông Lê Ân đang an nhàn trong làng du lịch Chí Linh của mình, cùng cô vợ trẻ, kém ông 25 tuổi. Ông Lê Ân nói: “Tui an phận tuổi già. Thình thoảng thấy mảnh đời bất hạnh nào cần giúp, thì tui giúp, coi như đó là trách nhiệm của mình với cuộc đời”.Trong các câu chuyện kinh doanh của ông Lê Ân, có thể nói câu chuyện mở chuỗi hệ thống nhà thuốc Tây của ông là… ly kỳ, như “xi-nê” nhất. Ông Lê Ân cười: “Khoảng năm 81-82, tui đi làm ăn xa. Sau đó bị ở tù. Thời gian nằm trong tù, tui ngẫm nghĩ ra sự đời, ngộ ra nhiều thứ. Mình là dân kinh doanh, đi tới đi lui quen rồi, giờ nằm một xó, rất khó chịu. Hàng đêm, tui nằm ngủ trước mấy ông bạn tù, thiêp thiếp, tui nghe mấy ổng bàn tán chuyện nghề nghiệp. Té ra, mấy ổng đều là dân trí thức, là bác sĩ, y sĩ…. Trong đầu tui nghĩ ngay đến chuyện kinh doanh thuốc Tây, kiếm lời. Nhân một lần tui bệnh nặng, quản trại chuyển tui lên bệnh viện điều trị. Đây cũng là dịp tui khéo léo kết nối và gặp lại một ông chủ của một nhà thuốc tây, đang muốn bán lại nhà thuốc tây này để đi định cư nước ngoài. Tui quyết định mua lại, giao cho một người bạn đứng tên. Xong xuôi đâu vào đó, tui quay lại bệnh viện, rồi vào tù thụ án tiếp. Sau khi ra tù, tui gom hết mấy ông bạn tù là bác sĩ, y sĩ về làm việc cho mình… Nghĩ cũng mắc cười, lúc ở tù mà tui cũng làm kinh doanh, kiếm tiền. Chuyện y chang trong xi-nê”.
Theo Báo công lý