Bài học khởi nghiệp từ doanh nhân Nguyễn Thị Tuyết Mai

Bốn mươi năm xa quê hương, từng sống và làm việc ở nhiều nước nhưng với bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, được trở về quê hương làm việc vẫn là ước nguyện và điểm dừng cuối cùng.
Năm 1990, được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khuyến khích hồi hương, bà là một trong những Việt kiều hưởng ứng đầu tiên. Ở tuổi 69 nhưng bà vẫn làm việc quên ngày đêm để hoàn thành dự án cuối đời: Làng Du lịch Bình An Đà Lạt.
Bà nói: “Một ngày ở Bình An, được làm công việc mình yêu thích, hít thở không khí quê nhà, nghe tiếng chim hót, gà gáy trưa, tiếng thông reo vi vu, ngắm mặt hồ Tuyền Lâm phẳng lặng giữa hàng trăm loài hoa khoe sắc…, với tôi, cuộc sống như thế mới thực sự đủ đầy hạnh phúc”.

Ảnh: Quý Hòa
* Quyết định trở về Việt Nam vào thời kỳ mới mở cửa, đất nước còn nhiều khó khăn, lúc đó tâm trạng của bà có lo lắng không? Phải mất bao lâu mới có quyết định này, thưa bà?

– Tôi rời quê hương sang Mỹ du học khi mới 16 tuổi. Lúc đó, Việt Nam trong ký ức của tôi thật dung dị với nếp nhà cổ ba gian, những phong tục truyền thống, chiếc áo bà ba, bếp than hồng và bữa cơm gia đình với nồi cơm thơm mùi gạo mới, bốc hơi nghi ngút… Chỉ bấy nhiêu nhưng nó đeo đẳng trong tâm trí tôi và trở thành nỗi nhớ quê hương da diết.
Chỉ cần nghe một giọng nói Nam bộ, bất chợt thấy một hình ảnh về Việt Nam là ký ức của tôi về quê hương lại quay về. Năm 1990, tôi quyết định hồi hương về Việt Nam. Lúc đó, nhiều người hỏi tôi: “Về Việt Nam không sợ à?”, tôi trả lời: “Quê hương của mình, có gì phải sợ chứ!”.
Tôi nghĩ mình đã làm việc ở nhiều nước, kể cả Trung Quốc, nhiều khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, luật pháp cũng chưa hoàn chỉnh, thử thách và thiếu thốn đủ bề, vậy mà mình vẫn sống được, hòa nhập tốt, hà cớ gì về chính nơi cha sinh mẹ đẻ, mình lại phải lo lắng? Khó khăn thì ở đâu cũng có, quan trọng là mình tìm được cách giải quyết và luôn tin tưởng ngày mai sẽ thay đổi và tốt hơn ngày hôm qua.
* Đến bây giờ bà còn nhớ cảm xúc lần đầu trở về không?
– Lần đầu đặt chân đến Hà Nội, tôi run quá chừng, hồi hộp muốn khóc và ngỡ ngàng vì nét đẹp cổ kính, nên thơ của Thủ đô. Nhìn những gánh quà rong, hàng quán lề đường tuy không mấy nề nếp, trật tự nhưng thấy gần gũi và rất… Việt Nam.
Từng đi khắp trời Âu, nhưng tôi chưa thấy nơi nào đẹp như Hà Nội. Thậm chí ở Pháp cũng có nhiều cảnh đẹp lãng mạn, nhưng với Hà Nội, tôi cảm nhận cái đẹp bằng sự tự hào và cảm xúc bồi hồi, sự xúc động dâng trào của một người con xa xứ.
* Con đường lập nghiệp ở nước ngoài hẳn không bằng phẳng. Với những thành công của mình, bà có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm như một bài học lập nghiệp cho giới trẻ?
– Tôi là người Việt, lại là phụ nữ nên xin được việc làm ở nước ngoài rất khó. Song, may mắn là lúc đó một công ty ở Pháp vừa được một công ty ở Mỹ mua lại nên họ cần nhân viên đã được học kinh tế ở Mỹ, cộng với ưu thế biết hai ngoại ngữ Anh và Pháp nên tôi được tuyển dụng.
Tuy nhiên, đó chỉ là nền tảng để xin việc, điều quan trọng là khi bắt tay vào công việc, tôi đã làm hết sức mình với tinh thần say mê, mang hết năng lực, sở trường để tìm tòi phương hướng kinh doanh, cách làm ra tiền cho công ty. Với doanh thu khả quan mang lại từ những đóng góp của mình, tôi đã được Ban lãnh đạo công ty tin tưởng và giao chức vụ cao hơn.
Song, để có thành công này, trước đó tôi cũng từng vấp những thất bại rất ngây ngô. Hồi mới ra trường, tìm được việc làm khó lắm. Nhưng khi được nhận, chẳng thấy ai giao việc gì nên cả tuần tôi cứ ngồi chơi không. Đến ngày cuối cùng thì được giám đốc kêu lên… cho nghỉ việc.
Sau này tôi mới hiểu cách làm việc của các công ty nước ngoài là làm việc theo quy trình nên phải biết công việc của mình và tự nhận việc về làm. Đây cũng là một kinh nghiệm cho các bạn trẻ khi lần đầu làm việc ở các công ty nước ngoài.
* Một trong những yếu tố để kinh doanh thành công là phải có tầm nhìn xa. Quyết định mở công ty tại Singapore vào năm 1980 là do “tầm nhìn xa” của bà hay chỉ là một quyết định cảm tính, thưa bà?
– Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế tại Đại học American (Mỹ), tôi sang Pháp sinh sống, làm việc cho nhiều công ty và gắn bó lâu nhất với công ty chuyên về làm thiết bị máy bay. Cũng nhờ làm việc ở công ty này, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm và phát huy sở trường. Năm 1980, tôi được làm Phó tổng giám đốc công ty.
Trong một chuyến đi vòng quanh châu Á và Trung Quốc với đoàn kinh tế của Pháp, tôi nhận ra: “Rồi đây, tương lai thế giới sẽ nằm ở châu Á chứ không còn ở châu Âu, nên tôi quyết định trở về châu Á”. Tôi nói với vị Chủ tịch Tập đoàn: “Tôi sang Singapore mở công ty và muốn tiếp tục gia công linh kiện cho công ty của ông để phân phối cho thị trường mới”.
Ông Chủ tịch đồng ý ký hợp đồng. Sau khi mở xưởng gia công ở Singapore, được Chính phủ Singapore ủng hộ, tôi mở thêm hệ thống phân phối ổn áp điện cho một công ty của Pháp sang Trung Quốc. Nhờ tầm nhìn xa, kinh doanh đúng lúc thị trường đang cần nên công ty của tôi rất thành công.
Năm 1990, khi chuyển công ty từ Singapore về Việt Nam, tôi đã hợp tác với Công ty Thiết bị điện tử Quận 10. Năm 1995, Chính phủ cho Việt kiều mở công ty riêng, tôi đã thành lập Công ty TNHH Bình Sơn, phân phối thiết bị điện và gia công linh kiện điện tử xuất sang Pháp và làm Chủ tịch HĐQT Công ty.
* Chuyển hướng sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng sau hơn 20 năm sản xuất, gia công linh kiện điện tử, bà đang muốn phát triển kinh doanh theo xu hướng đa ngành hay vì quá mệt mỏi khi lĩnh vực này đã bão hòa?
– Kinh doanh thì không lúc nào tâm hồn được yên ả, hết lo cạnh tranh, lo vốn lưu động, lo nhu cầu thị trường, rồi lo bán hàng không biết lấy tiền bằng cách nào… Không ít lần bị khách hàng chiếm dụng vốn, không trả tiền. Gian truân, mệt mỏi lắm!
Vì vậy, khi công việc kinh doanh đi vào ổn định, khách hàng và các hợp đồng có sẵn, nhất là có đội ngũ nhân sự thay thế điều hành, tôi cũng muốn làm một cái gì đó mới hơn, nhưng không quá nặng về kinh doanh mà có giá trị để đời, mang tính văn hóa, chiều sâu tâm hồn và phù hợp với mình hơn. Và lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, trở về với thiên nhiên là lựa chọn khả thi, phù hợp nhất.
Còn nhớ ngày xưa, được ông bà ngoại cho về Long An chơi, tôi rất thích thú ngắm những ngôi nhà cổ bằng gỗ của vùng đất Nam bộ với nhiều họa tiết và hoa văn. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là nét văn hóa giản dị, chân chất của những người dân sống trong những ngôi nhà đó. Bao nhiêu năm sống ở nước ngoài tôi cũng vẫn không thể quên được.
Vì vậy, khi trở về miền Tây, thấy nhiều ngôi nhà đang xuống cấp, người dân đang muốn phá bỏ để xây nhà gạch, tôi đã mua hết mà không cần trả giá với ý định phục dựng lại những ngôi nhà này để lưu giữ những giá trị văn hóa đã có mấy trăm năm nay của người Việt. Và ý tưởng thực hiện làng du lịch để bảo tồn những ngôi nhà này bắt đầu hình thành.
Năm 1995, tôi xây dựng Làng Du lịch Bình An ở Bình Quới. Lúc đó khu này còn rất hoang vu, heo hút, cây cỏ lút đầu và đường đất gồ ghề khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán hỏi: “Sao bà lại chọn nơi khỉ ho cò gáy này?”.
Nhưng tôi không nản chí, tiếp tục lặn lội ra Vũng Tàu tìm đất để làm dự án làng du lịch, bảo tồn 11 căn nhà cổ nhằm giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước về nét đẹp văn hóa của người dân Nam bộ.
Chọn miếng đất hoang, đồi núi gập ghềnh sát bãi biển, tôi lại tỉ mẩn thiết kế, xây dựng. Không kể hết những nỗi vất vả chúng tôi đã phải gánh nhưng niềm vui, sự sung sướng lại đầy lên khi dự án mỗi ngày được hoàn thiện.
Tuy thiết kế nội thất, phòng vệ sinh, phòng ngủ được tôi chọn theo kiểu Pháp, trang bị tiện nghi theo tiêu chuẩn năm sao nhưng tổng thể Làng Du lịch Bình An vẫn là những ngôi nhà cổ được phục chế mang đậm hồn quê, trong không gian hữu tình, địa thế lưng tựa núi, mặt hướng biển, ban mai có tiếng chim hót líu lo, tiếng sóng biển rì rào. Tôi đặt tên Bình An cũng với ý nghĩa tìm về sự bình an, yên tĩnh trong tâm hồn của mỗi người đến đây hoặc xa xứ trở về.
* Nghe nói từ ngày hoạt động đến nay, lúc nào Làng Du lịch Bình An Vũng Tàu cũng đông khách, thậm chí không đủ phòng đáp ứng du khách. Phải chăng đó là lý do dù đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn tiếp tục thực hiện dự án Làng Du lịch Bình An tại Đà Lạt?
– Dù dự án Bình An Vũng Tàu kinh doanh khá tốt nhưng đó không phải động lực để tôi tiếp tục dự án ở Đà Lạt. Nếu chỉ vì mục đích kinh doanh thì với tôi như thế là đủ. Ở tuổi gần 70, không chồng, không con, nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống cũng không nhiều, không đua chen địa vị xã hội, vậy mục đích kinh doanh của tôi để làm gì chứ?
Câu chuyện Làng Du lịch Bình An Đà Lạt được khởi nguồn từ nguyện vọng cuối đời tôi sẽ trở về Đà Lạt sinh sống. Tôi chọn Đà Lạt vì khí hậu ở đây lạnh rất giống bên Pháp, phong cảnh hữu tình và thích hợp với việc trồng nhiều giống hoa, một trong những thú vui và công việc yêu thích của tôi.
Tôi đã mất 4 năm đi các nước sưu tầm các giống hoa mang về ươm trồng tại Đà Lạt. Năm 2003, khi tỉnh Lâm Đồng kêu gọi đầu tư vào vùng đất mới khu vực hồ Tuyền Lâm, tôi nảy ra ý tưởng xây dựng Làng du lịch Bình An Đà Lạt theo kiểu biệt thự châu Âu nhưng dáng vẻ Tây Nguyên.
Rất kỳ công và mất nhiều chi phí mới thiết kế được như ý mái nhà rông – một dấu ấn văn hóa của Tây Nguyên. Để làm mái nhà này, tôi phải ra tận miền Bắc mua đá đen Lai Châu, rồi đi khắp nơi tìm các vật liệu phù hợp cũng như màu sắc cho các họa tiết, hoa văn, ứng dụng công nghệ sơn của Nhật Bản để giữ màu sơn không phai.
Hiện trong khuôn viên làng du lịch có đến hàng trăm loại hoa ôn đới đang khoe sắc được tôi sắp đặt theo hai phong cách Pháp – Việt. Bước vào sảnh là vườn hoa theo phong cách Pháp, dọc lối đi là phong cách Việt với cỏ cây chen lá, đá chen hoa. Đây cũng chính là công trình tâm huyết cuối đời mà tôi phải hoàn thành.
* Hơn 20 năm về nước, nhìn cơ ngơi và thành quả của bà, chắc hẳn nhiều bạn bè của bà cũng thay đổi những suy nghĩ trước đây về Việt Nam. Nếu nhắn gửi với họ thông điệp về Việt Nam, bà sẽ nói điều gì?
– Tôi sẽ nói quyết định trở về Việt Nam của tôi là đúng đắn. Rằng Việt Nam đang thay đổi và hòa nhập rất nhanh với thế giới. Con người và xã hội Việt Nam cũng đang phát triển, văn minh hơn và quê hương mới chính là nơi bình yên nhất.
Về Việt Nam, mỗi sáng thức dậy được nói tiếng mẹ đẻ, không cần phải suy nghĩ nói tiếng gì là tôi thấy vui rồi; muốn ăn gì cũng có, sáng ra đầu đường là có ngay tô mì, không phải đi mấy cây số mới có tô phở như ở xứ khác.
Rồi được đi đây đó, từ Cà Mau đến Hà Nội, khám phá những nơi mà hồi trẻ mình chưa biết. Tôi cảm thấy hạnh phúc và sẽ không bao giờ đi đâu nữa. Bạn bè tôi cũng lần lượt về thăm quê, họ cũng có cái nhìn cởi mở, lạc quan hơn về đất nước và rất nhiều người đã quyết định sẽ trở về Việt Nam làm ăn và sống tuổi già tại quê nhà.
* Với những người muốn về làm ăn tại Việt Nam, bà sẽ nói gì với họ?
– Qua những kinh nghiệm của tôi trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ngoài chuyên môn, nguồn vốn, sự đam mê còn có một yếu tố dẫn đến thành công, đó là khả năng thích ứng. Đừng so sánh điều kiện làm việc ở nước ngoài với Việt Nam, như nạn kẹt xe, ô nhiễm, môi trường làm việc, luật pháp, hạ tầng…
Nếu chỉ tính trên các yếu tố này thì Việt kiều về đầu tư sẽ rất dễ ngã lòng. Đã có khá nhiều Việt kiều trở về, rồi lại ra đi, nhưng cũng có rất nhiều Việt kiều thành công. Kinh tế Việt Nam đang phát triển và xu hướng hội nhập tốt. Càng về sớm, cơ hội làm ăn càng rộng mở.
* Ngày càng có nhiều phụ nữ kinh doanh thành đạt, theo bà, phụ nữ làm kinh doanh có bị thiệt thòi hơn so với nam giới?
– Đi khắp thế giới mới biết phụ nữ Việt Nam giỏi lắm. Không chỉ giỏi việc nước mà còn chu toàn việc nhà, chiều chồng, thương con. Ra thương trường, nhiều chị em cũng xốc vác, quyết đoán và mạnh mẽ. Tuy nhiên, thiệt thòi của người phụ nữ làm kinh doanh là phải vất vả hơn đàn ông, sức lực hao tốn hơn gấp hai, ba lần vì họ phải đảm nhiệm nhiều vai trò.
Nếu quá đam mê công việc và không biết cân bằng giữa công việc và gia đình, phụ nữ cũng dễ bị “trả giá”. Nhưng ngược lại, lợi thế của phụ nữ là tinh tế, nhạy cảm, khéo léo trong ứng xử và thận trọng nên nhận định vấn đề nhanh, dễ thuyết phục người khác và tránh được nhiều rủi ro trong kinh doanh.
* Xin hỏi một câu hơi tế nhị. Có ý kiến cho rằng, đằng sau thành công của người đàn ông là người vợ, nhưng đằng sau thành công của người phụ nữ là… sự cô đơn.
– Ở vế thành công của người phụ nữ, đúng mà cũng chưa phải là tất cả. Ngẫm bản thân, tôi chưa bao giờ thấy mình cô đơn. Có thể, tôi chưa có người đàn ông đi cùng trong suốt cuộc đời, đó là “cái giá” cho sự đam mê công việc chăng? Nhưng xung quanh tôi vẫn có rất nhiều bạn bè, người thân, có rất nhiều cháu gọi tôi bằng “Mama…”.
Hằng ngày, ngôi nhà của tôi vẫn rộn rã tiếng cười của bạn bè, con cháu, tôi vẫn có những người bạn… già để trò chuyện, đi du lịch cùng nhau, thậm chí chia sẻ một chút lãng mạn trước những xúc cảm và cả nỗi buồn, vui trong cuộc sống.
Những lúc một mình, tôi lại trải lòng với chiếc đàn dương cầm, những tình khúc yêu đương bất hủ một thời như Mộng dưới hoa, Dư âm, Trở về bến mơ… luôn làm cho lòng tôi dạt dào niềm yêu đời, yêu cuộc sống và thấy mình trẻ lại. Như thế là đủ, phải không?
* Vâng, xin cảm ơn về cuộc trò chuyện này và chúc bà luôn bình an ở nơi bình yên nhất!

Theo DNSG