7 nguyên tắc lãnh đạo đồng cấp

Muốn thành công trong việc lãnh đạo đồng cấp, phải có lý do để đồng nghiệp kính trọng và ủng hộ bạn. Làm sao để có được điều đó?
Dưới đây là 7 nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo bậc trung có thể tham khảo để lãnh đạo đồng cấp tốt hơn.

(Ảnh minh họa)
Nguyên tắc 1: Am hiểu, thực hành và hoàn thành chu trình lãnh đạo
Một chu trình luôn bắt đầu từ quan tâm và kết thúc ở thành công. Các nhà lãnh đạo thường gặp khó khăn khi lãnh đạo đồng cấp bởi vì hướng giải quyết vấn đề của họ quá thiển cận. Họ vội vàng tạo ảnh hưởng mà quên mất lãnh đạo không phải là sự kiện một lần. Nó là một quá trình liên tục, kéo dài, đặc biệt là trong mối quan hệ với các đồng nghiệp.
Nếu bạn muốn có ảnh hưởng và nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, đừng đi tắt hay gian lận. Hãy am hiểu, thực hành và hoàn thành chu trình lãnh đạo.
Nguyên tắc 2: Hoàn thiện lãnh đạo đồng cấp trước khi cạnh tranh với họ
Cạnh tranh không có gì sai trái. Nhưng rắc rối là ở chỗ, nhiều lãnh đạo lại cạnh tranh với các đồng nghiệp theo cách làm tổn thương tập thể và chính bản thân mình. Việc bạn giải quyết cạnh tranh như thế nào và lèo lái nó ra sao rất quan trọng. Một môi trường làm việc lành mạnh là môi trường có cả sự cạnh tranh và tinh thần đồng đội. Vấn đề là biết áp dụng đúng lúc, đúng chỗ. Hãy cạnh tranh bằng cách hoàn thiện họ. Hãy luôn nhớ, sự thành công của cả đội quan trọng hơn sự chiến thắng của mỗi cá nhân.
Nguyên tắc 3: Hãy là một người bạn
Khi gặp phải công việc thực sự khó hay không thoải mái, thứ duy nhất bạn cần là một người bạn.
Nếu muốn lãnh đạo đồng cấp thành công, bạn cần không ngừng cố gắng trở thành một người bạn, thậm chí với cả những người không thể hiện dấu hiệu đáp lại thiện chí kết bạn của bạn.
Khi kết bạn với các đồng nghiệp, bạn nên tiếp cận với họ theo những bước sau:
1. Lắng nghe
2. Tìm điểm chung ngoài công việc
3. Luôn có mặt ngoài giờ làm việc
4. Có khiếu hài hước
5. Nói ra sự thật mà người khác không nói
Nguyên tắc 4: Tránh đấu đá chính trị
Nếu bạn không ích kỷ, khéo léo với mọi người, bạn sẽ chiếm được lòng tin và cải thiện hiệu quả làm việc của mình và cả đội. Để tránh những rắc rối về chính trị trong công việc, hãy làm theo những lời khuyên dưới đây:
1. Tránh ngồi lê đôi mách
2. Tránh xa những tranh cãi vụn vặt
3. Hãy ủng hộ điều đúng đắn, đừng nên chỉ ủng hộ những điều mình ưa thích
4. Xem xét tất cả các mặt của vấn đề
5. Đừng bảo vệ quyền lực
6. Nói điều bạn nghĩ và nghĩ điều bạn nói

Nguyên tắc 5: Mở rộng vòng tròn quan hệ
Thật dễ dàng khi ở trong môi trường mà chúng ta đã cảm thấy thoải mái và an toàn. Đó chính là lý do mọi người né tránh sự thay đổi. Nhưng bạn không thể vừa phát triển vừa né tránh sự thay đổi được. Nếu bạn muốn mở rộng tầm ảnh hưởng thì bạn phải mở rộng vòng tròn quan hệ của mình.
Nguyên tắc 6: Sẵn sàng công nhận những ý tưởng xuất sắc nhất
Nếu bạn khao khát trở thành nhà lãnh đạo 360 độ thì bạn phải cưỡng lại ham muốn đấu tranh bảo vệ ý tưởng của mình khi nó không phải là ý tưởng hay nhất. Bạn sẽ nhận thấy rằng, khi bạn làm cho những ý tưởng xuất sắc nhất được công nhận, bạn sẽ có những người bạn và tầm ảnh hưởng lớn hơn. Vậy, để có được những ý tưởng hay nhất hãy:
1. Lắng nghe tất cả các ý tưởng
2. Không bao giờ bằng lòng với một ý tưởng
3. Tìm ý tưởng ở những nơi bất thường
4. Không để cá tính làm lu mờ mục đích
5. Bảo vệ những người sáng tạo và ý tưởng của họ
6. Không tự ái khi bị bác bỏ ý tưởng

Nguyên tắc 7: Đừng tỏ vẻ hoàn hảo
Nhiều vị lãnh đạo lao tâm khổ tứ chỉ để làm cho người khác nghĩ họ hoàn hảo và điều này thực sự giết chết họ.
Nếu bạn muốn ảnh hưởng người khác, đừng cố gắng để gây ấn tượng với họ. Sự kiêu hãnh không là gì ngoài tính ích kỉ và giả vờ chỉ càng làm mọi người xa cách bạn, họ không biết thực sự bạn là ai. Thay vì gây ấn tượng với họ, bạn hãy để họ gây ấn tượng với mình.

Theo “Nhà lãnh đạo 360 độ”