Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh cao, tình trạng thiếu nhân sự chất lượng cao đã khiến nhiều công ty phải cân nhắc khả năng tái tuyển dụng những người đã nghỉ việc.
Ảnh minh họa
Việc này vừa có những ưu điểm vừa có hạn chế nhất định. Những người từng làm cho công ty quen thuộc với cách thức hoạt động và văn hóa công ty. Họ còn biết nhân viên, khách hàng hiện tại, không cần hoặc mất ít thời gian đào tạo.
Nhưng nếu công ty đã có nhiều thay đổi từ khi họ ra đi, sự quay trở lại không hoàn toàn dễ dàng. Chưa kể, con người cũng thay đổi nên có nguy cơ những cá nhân sẽ có quan điểm khác nhau về công việc và tổ chức.
Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo vấn đề khiến cựu nhân viên đó phải nghỉ việc ở công ty đã được giải quyết để họ sẵn sàng trở lại. Và điều cuối cùng bạn cần cân nhắc là cảm giác của nhân viên hiện tại khi biết một đồng nghiệp cũ sẽ gia nhập lại nhóm. Trước khi quyết định tái tuyển dụng, hãy đánh giá lại nguồn nhân lực hiện có. Bạn có chắc chắn không ai trong đội ngũ hiện tại có thể đảm nhận thêm trách nhiệm mới hay muốn thử sức với cơ hội?
Nếu câu trả lời tốt nhất là nên tuyển dụng lại nhân viên cũ, hãy giải thích cho nhóm tại sao bạn phải làm việc này. Dưới đây là một số lời khuyên khác đảm bảo việc “tái sử dụng” nhân viên cũ sẽ tạo ra thành công:
Cân nhắc toàn diện
Bạn cần chắc chắn mình tuyển được người tốt nhất nên hãy đánh giá những nhân viên cũ tiềm năng một cách toàn diện, hơn cả với những ứng viên mới khác. Tập trung vào những thành tích nổi bật của họ tại công ty và những nơi làm việc sau đó của họ.
Hãy hỏi và kiểm tra thông tin từ người giới thiệu họ. Giám sát các cuộc kiểm tra kỹ năng nếu có thể để đảm bảo kiến thức và khả năng của họ vẫn được phát huy. Bạn cần nắm được hoạt động của họ sau khi dời công ty, họ có học thêm bằng cấp khác hay thay đổi lĩnh vực không.
Ngoài ra, đừng ngại đặt những câu hỏi khó như “Anh/ chị nghĩ mình có thể mang lại điều gì cho công ty khi mà một số ưu tiên và mục tiêu của chúng tôi đã thay đổi so với trước kia?”
Thông báo những thay đổi
Đừng chủ quan cho rằng những người đó từng làm việc cho công ty nên có thể xuề xòa với họ. Tùy vào khoảng thời gian họ không còn làm việc cho công ty, những cựu nhân viên quay trở lại cần được cập nhật những thay đổi. Chẳng hạn, họ sẽ báo cáo với ai? Nếu họ vẫn làm vị trí trước kia từng làm, liệu có gì thay đổi trong trách nhiệm của họ? Hiệu quả công việc của họ sẽ được đánh giá ra sao?
Khuyến khích họ đặt câu hỏi và giao cho 1 người cởi mở trong phòng trợ giúp họ điều hướng công việc trong những tuần đầu tiên quay lại công việc.
Giám sát quá trình làm việc
Hãy dành chút thời gian thể hiện sự quan tâm tới cựu nhân viên mới mà cũ, hỏi quá trình thích nghi của họ, cảm giác của họ khi trở lại và những khó khăn họ gặp phải.
Dù đã quen biết bạn từ lâu, anh/ cô ấy cần thấy bạn thể hiện sự quan tâm chân thành tới quá trình làm việc của họ. Việc quay trở lại nơi mình từng “dứt áo ra đi” có thể là điều không thoải mái cho anh/ cô ấy, đặc biệt nếu có nhiều sự thay đổi sau đó. Bạn nên nhạy cảm với tâm tư, tình cảm của họ, giúp họ thích nghi nhanh hơn, từ đó nhanh chóng mang lại kết quả tích cực cho công ty.