Những điều dưới đây bạn sẽ không nghe được từ nhà đầu tư nhưng họ lại rất muốn biết từ bạn. Thay vì để nhà đầu tư đoán mò bạn hãy thể hiện nó một cách rõ ràng. Biết đâu đấy, cơ hội sẽ trong tầm tay của bạn.
Ảnh minh họa
1. Bạn thực sự dám thất bại đến đâu?
Một doanh nghiệp hay một nhóm khởi nghiệp đều có khả năng đứng trước những rủi ro thương trường mà người ta thường gắn một mỹ từ là “thất bại”. Một số người biện hộ cho thất bại của mình rằng họ chưa từng thất bại bởi mỗi lần vấp ngã họ đều học được từ đó, nhưng thất bại thì vẫn là thất bại , đừng có lảng tránh việc thừa nhận nó.
Phần lớn các nhóm khởi nghiệp đều trả lời các nhà đầu tư rằng họ sẵn sàng đón nhận thất bại. Tất nhiên rồi, khi đã thất bại không phải là bạn đón nhận nó thì là anh chàng hàng xóm gánh hộ bạn sao. Vấn đề thực chất ở đây là bạn dám đón nhận thất bại ở mức độ nào.
Bạn sẽ chọn “Đi tiếp” để nhận phần thưởng cao hơn nếu trả lời đúng nhưng cũng có thể về 0 nếu trả lời sai hay nhận mức phần thưởng hiện tại.
Bạn sẽ tiêu hết số tiền bạn dành dụm trong 5 năm làm công ăn lương hay dám thế chấp căn nhà đang ở của bạn, hay dám mất số tiền vay mượn của bố mẹ hoặc dám đánh đổi các mối quan hệ bạn bè thân thiết và cam đoan với họ rằng nếu họ theo bạn thì họ sẽ có tương lai sáng lạn ngược lại bạn có thể mất đi cả những người bạn thân nhất của mình. Mức độ quyết tâm của bạn càng cao thì khả năng thuyết phục nhà đầu tư càng lớn.
Thôi không vòng vo nữa, nói thẳng ra là nhà đầu tư muốn biết bạn đã hình dung ra cảnh bạn không còn gì và phải bắt đầu từ con số không hay không, và tình hình bạn chuận bị khăn gói quả mướp đến đâu rồi.
2. Ý tưởng của bạn được thực hiện với mục đích gì?
Đừng bắt đầu với những câu trả lời sáo rỗng kiểu “tôi muốn cứu thế giới” hay “chưa có ai nghĩ ra ý tưởng này nên tôi phải thực hiện nó”. Cái nhà đầu tư cần biết là mục đích thực sự của bạn cơ.
Những lý do sau có thể thuyết phục hơn như bạn muốn khởi nghiệp vì bạn chẳng xin được việc ở đâu cả, việc bạn mở một quán trả đá vỉa hè hay lên facebook bán đồ lót cũng là khởi nghiệp, không nhất thiết phải là quy mô hoành tráng nhưng lý do chính là bạn muốn mưu sinh.
Bạn cũng có thể khởi nghiệp vì bạn muốn giàu có, thành đại gia hay đại loại là tiền tiêu không hết hay làm chủ vận mệnh làm chủ sứ mênh của mình trở thành ông chủ của mình như các bạn kinh doanh đa cấp đang làm cũng là một lý do, dù sao thì nó cũng thiết thực. Bất kể nó là gì thì hãy nói ra mục đích thực sự của bạn là gì, không có mục đích nào là thực sự xấu nếu nó trở thành động lực lớn để bạn thành công.
Không có doanh nghiệp tỉ đô nào bỗng chốc thành tỉ phú trong một ngày và các tỉ phú cũng trải qua rất nhiều lần thất bại với những mô hình kinh doanh không nuốt nổi của họ. Đầu tiên bạn cần mưu sinh, sau đó là duy trì và phát triển.
Và cuối cùng thì công việc kinh doanh của bạn là làm xã hội tốt hơn, phụng sự cộng đồng chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận. Hãy phân biệt mục tiêu dài hạn và ngắn hạn.
Điều này chỉ ra rằng những thương lái họ chỉ kiếm lời mà bất chấp hậu quả kinh tế để lại cho thế hệ sau hay các mối quan hệ lâu dài trong khi doanh nhân thì tạo ra nhiều giá trị cho xã hội bằng các giá trị lâu dài thông qua việc kinh doanh của mình.
3. Bao nhiêu với bạn là đủ?
Kiếm tiền là việc bạn bắt buộc phải làm dù là sớm hay muộn. Vì vậy mô hình kinh doanh của bạn phải tạo ra dòng tiền dương. Tuy nhiên đừng ham lợi trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài.
Một bản kế hoạch kinh doanh dài dằng dặc với các con số nhằm thuyết phục nhà đầu tư về các chặng đường của bạn cùng với các số liệu tài chính gần như hoàn hảo để chiếm lĩnh thị trường tỉ USD là một điều hoang tưởng nhất mà tôi được biết.
Dĩ nhiên là khi bạn đã lên đến tầng 10 thì rồi cũng có lúc bạn lên tầng 20 nhưng hãy khoan nói tới tầng 5 khi bạn chưa thể bước nổi lên tầng 2 mà có khi sắp tụt xuống tầng hầm. Một tham vọng vừa phải, thiết thực và khả thi trong ngắn hạn là điều nhà đầu tư mong muốn được biết nhất.
Bởi không nhà đầu tư nào chung sống với bạn cả đời, cho dù họ muốn vậy thì chắc gì bạn đã muốn thế, phải không nào. Đầu tư là quá trình chuyển đổi từ mức thấp lên mức cao, về nguyên tắc thì họ cũng cần có lợi nhuận và điều đó chỉ thực hiện được khi các nhà đầu tư thoái vốn.
4. Tại sao không phải nhà đầu tư khác?
Tức bạn có đang vái tứ phương không? Có bệnh thì gặp thày nào cũng là hay, đông tây y kết hợp rồi trong người bạn lúc đó là sự công phá của đủ loại thuốc mà không ít trong số đó mang phản ứng phụ.
Trước khi quyết định chọn nhà đầu tư bạn cần hiểu rõ họ qua các nguồn tin bên ngoài, khi đã đàm phán trực tiếp thì cũng xác định xem nhà đầu tư đó có phù hợp để đi cùng bạn hay không.
Sự nhìn nhận chắc chắn như vậy là để hai bên thực sự hiểu nhau và cam kết đi cùng nhau. Hãy khoan nói về tiền, bởi vốn thì vô cùng ảo diệu, bạn muốn có 1 triệu USD hay 2 triệu USD đó không phải là vấn đề lúc này, khi mà bạn chưa thể thuyết phục nhà đầu tư rằng “Tại sao anh lại chọn tôi” sau đó họ sẽ nói cho bạn biết “Tại sao tôi lại chọn anh?”
Chọn một nhà đầu tư cũng như một CEO chọn nhân sự phù hợp với vị trí quan trọng của công ty hay như một chàng trai chọn một cô gái sẽ mặc áo cô dâu trong ngày cưới. Không thể chọn bừa bất kì ai và cũng không thể vội vàng.
5. Bạn có biết về thuyết tiến hóa hay không?
Không rõ có ai trượt môn sinh học không nhỉ, chắc là không, mà một khi đã học tới thuyết tiến hóa của Darwin thì đều hiểu rằng vạn vật biến đổi từ cấp độ thấp lên cấp độ cao hơn qua thời gian.
Bạn sẽ hỏi rằng Thuyết tiến hóa thì liên quan gì tới kinh doanh hay công nghệ nhỉ. Tất nhiên là có, mật thiết là đằng khác.
Doanh nghiệp của bạn phải có sự tiến hóa. Bạn bắt đầu bằng một mô hình kinh doanh sơ khai nhất, ở một thị trường rất ngách, vận hành mang tính đặc thù nhất không sao cả, vấn đề là bạn có nhìn ra được thì trường lớn hơn bên ngoài sau khi bạn chuyển đổi hay không. Giống như sự lột xác vậy, từ con sâu thành nhộng và con ngài cắn kén chui ra bắt đầu một chu kì sống mới.
Nếu bạn quá trung thành với mô hình cũ, chậm thay đổi hoặc không có tầm nhìn cho sự thay đổi thì khả năng gọi vốn sẽ khó khăn. Không một doanh nghiệp lớn nào chỉ trung thành với một mô hình kinh doanh từ thuở sơ khai của họ.
Một tiệm bánh làm thủ công có thể trở thành doanh nghiệp sản xuất bánh xuất khẩu dựa trên dây truyền tiên tiến nhất thế giới với giá trị hàng trăm triệu USD.
Một cửa hàng bánh mì ở khu phố nhỏ cũng có thể trở thành chuỗi nhượng quyền thương hiệu toàn cầu. Một công ty kinh doanh thổ cẩm, lụa có thể trở thành đế chế thời trang hùng mạnh với thương hiệu toàn cầu.
Một con chip nhỏ để giải quyết phép tính toán thông thường có thể trở thành một hãng công nghệ sản xuất chip gắn trên phần lớn các thiết bị di động hiện nay. Tất nhiên là bạn không thể thuyết phục nhà đầu tư rằng bạn sẽ từ một con thằn lằn trở thành khủng long sau chục năm nữa được, mọi dữ kiện cần có tính thuyết phục của nó, phù hợp với thời kì hiện tại mà bạn có thể chứng minh được.
Bạn có sẵn sàng chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình không? Bạn sẽ thay đổi như thế nào? Bao giờ thì bạn làm việc đó? Ai sẽ đồng hành cùng bạn và tính khả thi của mô hình là bao nhiêu phần trăm? Hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời cho các câu hỏi đó trước khi nhóm của bạn gặp nhà đầu tư.
Theo MAK NGUYỄN – Cố vấn về chiến lược và phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp/Trí thức trẻ