Theo các chuyên gia, một số “lỗ hổng” khiến các doanh nghiệp Việt có điểm quản trị thấp là: Không có tính độc lập giữa các thành viên trong Hội đồng quản trị, thông tin không minh bạch và không có định hướng.
Kết quả rà soát của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG cho thấy, có hơn 70% doanh nghiệp tư nhân có sự chồng chéo, phân công không rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của Hội đồng quản trị. Ông Lê Thanh Tâm – Tổng Giám đốc IDG quan ngại: “Rủi ro trong quản lý sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong kinh doanh và doanh nghiệp khó có thể kiểm soát được”. Trên thực tế, Việt Nam đang là nước có điểm quản trị công ty thấp nhất (42,5 điểm) so với 6 nước trong khu vực là Indonesia, Philipines, Singapore, Malaysia, Thailan (theo Báo cáo của Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia năm 2013.
Ảnh minh họa
Không có tính độc lập giữa các thành viên
Ông Hà Huy Tuấn – Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia cho biết: Chỉ có 23% doanh nghiệp Việt Nam hiểu về vấn đề quản trị công ty đúng nghĩa. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hay đánh đồng vai trò của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm giữa bộ phận giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi.
Đánh giá của ASEAN Corporate Governance Scorecard năm 2013 cho thấy: Tại nhiều doanh nghiệp Việt, thành viên của Hội đồng quản trị thiên về điều hành. Đây là điều bất lợi bởi theo quan điểm quản trị hiện đại, Chủ tịch Hội đồng quản trị độc lập với vai trò điều hành thì mới có thể bảo vệ lợi ích cổ đông tốt hơn bằng cách lãnh đạo Hội đồng quản trị, trong khi Tổng giám đốc chỉ điều hành kinh doanh sẽ giúp loại trừ nhiều mâu thuẫn lợi ích. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ định hướng chiến lược, thiết lập quy chế quy định để điều hành và kiểm soát, xác định trách nhiệm và quyền hạn giữa các thành viên khác nhau trong công ty. Công cụ đo lường đánh giá hiệu quả của Hội đồng quản trị là Thẻ điểm quản trị công ty (IFC). Trong khi đó, nhiệm vụ của Ban giám đốc là thực thi chiến lược thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của công ty, tuân thủ quy chế, quy định và nguyên tắc. Công cụ đo lường hiệu quả quản lý thường được sử dụng là mô hình thẻ điểm cân bằng BSC, hệ thống KPIs…
Thiếu cái nhìn dài hạn
Không có tính định hướng lâu dài là “lỗ hổng” thứ hai trong quản trị của các doanh nghiệp Việt. “Do nhận thức kém nên đôi khi doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, khi thị trường có biến động dễ dàng thay đổi mục tiêu trong ngắn hạn mà quên đi lợi ích lâu dài” – ông Hà Huy Tuấn nhận định.
Để giải quyết bài toán này, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên áp dụng những công cụ quản lý chiến lược phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp như Hệ thống thẻ điểm cân bằng (BSC) để kiểm soát mục tiêu. Theo ông Adrian Gardiner – Giám đốc kiêm chủ tịch của Achemar Advisory – một công ty tư vấn chuyên về hoạch định chiến lược, thẻ điểm và các giải pháp quản lý hiệu quả, BSC là một công cụ lấy hiệu quả hoạt động và mục tiêu làm động lực phát triển với tính minh bạch và trách nhiệm cao. Được sự hỗ trợ của ban lãnh đạo công ty và là cơ sở để người quản lý nhìn vào đó theo dõi thường xuyên chứ không phải là một công cụ bổ sung hoặc một “hạng mục bên lề” kèm theo trong các cuộc họp. Bên cạnh đó, BSC cũng cho phép các nhân viên hiểu làm thế nào mà đóng góp của họ có thể giúp các chiến lược được triển khai và thực thi. Nếu triển khai tốt công cụ này, doanh nghiệp sẽ kiểm soát tốt mục tiêu kinh doanh và sẽ không bị đi lệch so với mục tiêu ban đầu.
Hiện tại, 60% doanh nghiệp trong bảng xếp hạng Fotune 500 đã áp dụng công cụ này để quản lý triển khai chiến lược. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu áp dụng khá thành công mô hình này như FPT, ACB, Dược Hậu Giang, Tân Tiến Plastic, Phú Thái, L&A Corp…. Theo ông Bùi Quang Ngọc – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, bản đồ chiến lược BSC giúp doanh nghiệp phác họa quá trình tạo ra các giá trị và kết quả kinh doanh mong muốn thông qua mối quan hệ nhân – quả giữa các mục tiêu trong 4 yếu tố, gồm 2 yếu tố bên ngoài (tài chính, khách hàng) được cân bằng với 2 yếu tố bên trong (quy trình nội bộ, học tập – phát triển).
Ông Hà Huy Tuấn khuyến cáo các doanh nghiệp không nên tự ý bóp méo, vận dụng nó theo cách nhìn ngắn hạn mà cần có một sự tính toán rất kỹ lưỡng trong chiến lược kinh doanh đường dài. “Nếu không làm được điều đó, thì dù doanh nghiệp có thẻ điểm hay công cụ quản lý tuyệt vời thế nào đi chăng nữa thì sớm muộn cũng sẽ gặp rủi ro về mặt dài hạn” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Minh bạch thông tin – nòng cốt của quản trị tốt
Tính minh bạch thấp chính là rào cản doanh nghiệp khi tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán cũng như vốn từ các ngân hàng thương mại. Việc không minh bạch thông tin cũng chính là nguyên nhân khiến cho điểm quản trị của doanh nghiệp Việt bị đánh giá thấp. Theo nghiên cứu của ASEAN Corporate Governance Scorecard năm 2013, các công ty niêm yết Việt Nam chỉ đạt 37,2 điểm quản trị về tính minh bạch và công bố thông tin theo nguyên tắc của OECD.
Để giải quyết bài toán này, ông Tuấn khuyến nghị các doanh nghiệp nên tách Ban kiểm soát ra khỏi sự chi phối của Hội đồng quản trị, đồng thời gia tăng thêm quyền lợi và trách nhiệm cho bộ phận này. Đối với góc độ quản lý, các công cụ quản lý chiến lược cũng là một giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin được thể hiện cụ thể, rõ ràng qua hệ thống các báo cáo.
“Tăng cường nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về vai trò của quản trị công ty, đặc biệt là chỉ rõ được lợi ích cũng như rủi ro sẽ gặp phải nếu quản trị không tốt là điều mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm trong giai đoạn này” – ông Hà Huy Tuấn nhấn mạnh.
Theo dddn