Nợ công và vấn đề dùng người

Nợ công là vấn đề lớn, dù theo chuẩn của Bộ Tài chính, đang ở ngưỡng an toàn dưới mức 65% GDP.
Ảnh minh họa
Nhưng nếu theo chuẩn quốc tế, nợ công của Việt Nam đã vượt xa ngưỡng đó, bởi đã loại trừ nợ doanh nghiệp nhà nước không được bảo lãnh. Việt Nam đã ở ngưỡng thấp của thu nhập trung bình cho nên lãi suất của các vốn vay đã tăng lên và có tính thương mại nhiều hơn. Do vậy, dịch vụ trả nợ công sẽ ngày càng cao, trong bối cảnh tình hình kinh tế suy thoái, nguồn thu của Chính phủ ngày càng eo hẹp. Nhìn vào trung hạn, có thể thấy các giải pháp đã có đều không mang lại hiệu quả giảm tăng nợ công.
Thực tế, nợ công gắn với chi tiêu công mà chi tiêu công lại gắn với chi thường xuyên đang “phình ra” ở mức báo động, bởi cơ quan công quyền từ cấp xã trở lên đang hưởng phụ cấp quá lớn. Nhìn vào bộ máy hành chính của Việt Nam, số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước toàn quốc đã lên tới 2,5 triệu người, cứ 11 người dân có 1 người hưởng lương ngân sách, không kể công an và bộ đội.
Hiện, cả nước có 130.000 thôn có 570.000 người không kể 900 cán bộ chuyên trách được hưởng phụ cấp. Chi thường xuyên đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi ngân sách. Nếu tiếp tục chi như hiện nay, chắc chắn không có nguồn để đầu tư công và chi cho đầu tư phát triển. Mặt khác, chúng ta nói nhiều đến cải cách tiền lương, nhưng biên chế lớn như vậy không thể cải cách được.
Vừa rồi, Bộ Nội vụ đưa ra chương trình giảm biên chế 100 ngàn người, con số đó không thấm vào đâu so với lượng biên chế hiện nay. Vấn đề vẫn là tổ chức và nhân sự, nếu giảm biên chế quyết liệt và trọng dụng nhân tài, chất lượng bộ máy nhà nước sẽ thay đổi hẳn. Tuy nhiên, để có một bộ máy tinh, chúng ta có quyết liệt giảm biên chế, xóa sổ những tổ chức không cần thiết hay không?
Thế giới có nhiều kinh nghiệm về dùng người. Dubai dám thuê một người Anh làm thị trưởng đô thị tài chính quan trọng nhất. Ông thị trưởng lập tức tinh giảm 2/3 biên chế, chỉ dùng người giỏi và biết làm việc. Với Singapore, việc cải tổ bộ máy còn quyết liệt hơn. Chính phủ đầu tiên của ông Lý Quang Diệu chỉ có hai người Singapore làm bộ trưởng, còn lại thuê người nước ngoài và trả lương rất cao, dù khi đó đất nước này còn lạc hậu.
Bộ trưởng Singapore hưởng lương 1 triệu USD/năm, trong khi Tổng thống Mỹ chỉ nhận lương khoảng 700 ngàn USD. Ông Lý Quang Diệu quan niệm, bỏ ra 1 triệu USD để thuê một người tài làm việc, người đó có thể làm ra trăm triệu USD. Nếu bỏ ra 100 ngàn USD mà người được thuê không làm ra 100 ngàn USD, thậm chí còn làm hại đất nước, thì không thuê.
Hai khoản chi này là hoàn toàn khác nhau, hai cách nhìn khác nhau và cách lập luận vấn đề cũng hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, Singapore trở thành nơi hội tụ nhân tài. Chính phủ nước này bỏ qua cá tính của các nhân tài để sử dụng hiệu quả.
Một sức ép nữa là tuổi nghỉ hưu. Việt Nam đang thực hiện chính sách nhân sự cào bằng, cứ 60 tuổi là cho nghỉ hưu dù là có tài và người không có năng lực làm việc vẫn được duy trì việc làm, với mức lương tăng theo năm đến khi nghỉ hưu. Nhưng nước Mỹ hầu như không giới hạn tuổi lao động.
Ông Leon Panetta, khi làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã 74 tuổi, còn ông John Kerry nhận chức Ngoại trưởng Mỹ ở tuổi 72. Họ đều đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng khi chính phủ cần, vẫn mời làm việc. Nước Mỹ không thiếu người tài nhưng những ngươi tài như vậy vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Ông cha ta đã xác định “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhìn vào tình hình hiện nay, do không được trọng dụng, người tài hoặc làm cho tư nhân hoặc làm cho nước ngoài. Khá nhiều người từng tốt nghiệp suất sắc tại Harvard, đại học số 1 của thế giới theo xếp hạng mới nhất, khi về Việt Nam đều không được sử dụng và họ quay lại nước Mỹ, như Lê Minh Tuấn, Ngọc Anh, hay sang Singapore như trường hợp của Vũ Minh Khương. Thực trạng đó cho thấy chính sách dùng người, chính sách cán bộ của chúng ta có vấn đề.
Thời đại công nghiệp, nước Anh thống trị thế giới bằng công nghiệp, nước Mỹ thống trị thế giới bằng tài chính. Hai thời đại đó đã qua và bây giờ là thời đại của kinh tế tri thức, mà kinh tế tri thức thì cần nhân tài. Đất nước nào có chính sách trọng dụng nhân tài tốt, đất nước đó sẽ phát triển cực thịnh. Cho nên chính sách trọng dụng nhân tài là một chính sách quan trọng nhất, nếu không có chính sách ấy thì khó có thể có bứt phá.

Theo PGS VÕ ĐẠI LƯỢC/DNSG