Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với nhiều tiềm năng về xuất khẩu nông sản, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm thường không ổn định.
Ảnh minh họa
* Là quốc gia xuất khẩu nông sản vào loại hàng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng có giá trị hàng tỷ USD mỗi năm, nhưng nông dân Việt Nam luôn phải đối mặt với sự bấp bênh đầu ra sản phẩm. Theo ông, có những nguyên nhân cơ bản nào khiến tình trạng này chưa được giải quyết?
– Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với nhiều tiềm năng về xuất khẩu nông sản, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm thường không ổn định. Theo tôi, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm:
1) Người nông dân chưa có kế hoạch sản xuất phù hợp nên luôn ở trong tình trạng “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa” và bị thương lái ép giá.
2) Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định và chưa có thương hiệu mạnh.
3) Sự liên kết giữa Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân vẫn chưa hiệu quả như mong muốn. Mối liên kết thiếu chặt chẽ đã khiến nông dân, doanh nghiệp không an tâm đầu tư, sản xuất.
* Ông đánh giá thế nào về việc thị trường nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc thời gian qua? Đặc biệt là tình trạng Trung Quốc chiếm hơn 40% gạo xuất khẩu, 60% cao su xuất khẩu, 70% thanh long xuất khẩu của Việt Nam… nên nắm gần như độc quyền tiêu thụ, đặt điều kiện cho Việt Nam…
– Đến nay, tôi thấy Việt Nam vẫn còn tình trạng người nông dân sản xuất ra cái gì thì bán cái đó. Giá của năm nay cao thì năm sau lại sản xuất nhiều hơn mà không quan tâm đến việc liệu sản xuất ra có bán được không. Đó là một điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chính vì chưa xây dựng được các chuỗi giá trị trong nông nghiệp nên thị trường nông nghiệp dễ bị thao túng và lệ thuộc. Khi đã lệ thuộc vào một thị trường thì rủi ro là rất cao.
* Muốn mở rộng thị trường để các loại nông sản, nhất là trái cây vươn ra thị trường thế giới thì nhất thiết phải xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, so với tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng thì con số đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP hiện nay còn quá thấp, phải không, thưa ông?
– Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản là những bước đi rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam muốn da dạng hóa thị trường, xuất khẩu đi các khu vực trên thế giới. Với những thị trường tiềm năng nhưng khó tính như EU, đây được coi như giấy thông hành để nông sản Việt Nam bước vào thị trường này.
Việc áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGap đã được triển khai từ vài năm gần đây và Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích áp dụng VietGap trong nông nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam phải làm nhiều hơn để người dân thấy rõ giá trị của các nông sản VietGap, để người tiêu dùng tin tưởng các sản phẩm VietGap, và để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, quảng bá các sản phẩm này và xây dựng được thương hiệu nông sản.
Cho đến nay, trung bình mỗi ngày có gần 40 tấn rau quả Đà Lạt được thu mua và phân phối tại 19 trung tâm Metro. Một trong những kinh nghiệm chúng tôi có được đó là phải phối hợp chặt chẽ với nông dân trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức nông dân làm việc theo nhóm, đồng thời tập huấn kiến thức về nông nghiệp hiện đại và kiến thức thị trường để giúp họ kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó không thể thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong năm 2013, bộ phận thu mua của Tập đoàn Metro tại khu vực châu Á đã mua trực tiếp từ các nhà cung cấp các sản phẩm nông nghiệp trong nước với tổng trị giá hơn 6 triệu USD để cung cấp cho hệ thống gồm 747 trung tâm Metro trên toàn cầu. Các nhóm sản phẩm chính gồm thủy sản và hoa quả. Trong năm nay, con số này dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi với tổng trị giá trên 12 triệu USD.
Theo DNSG