Thuyết phục các nhà đầu tư: Cửa ải khó lọt

Thu hút và thuyết phục các nhà đầu tư vốn được xem là “cửa ải” khó nhằn nhất với các doanh nhân mới khởi nghiệp. Bạn rất dễ bị loại ngay cả khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời. Để lọt được vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư, bạn cần phải chứng tỏ được mình là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, biết cách tạo ra một thứ gì đó từ con số 0, luôn tận tâm và biết thu hút người tài.
Ảnh minh họa
Boris Wertz, người sáng lập nên công ty đầu tư mại hiểm Version One Ventures có trụ sở tại British Columbia, Vancouver đã gặp 25 người sáng lập các công ty khởi sự một tuần, nhưng chỉ đầu tư vào 10 công ty trong cả năm. Các danh mục đầu tư của Wertz bao gồm công ty phân tích di động Flurry, công ty bán quần áo qua mạng Frank & Oak và trang web huy động vốn từ đám đông Indiegogo. Ông cho hay ông biết chính xác kiểu doanh nhân mà ông đang tìm kiếm, đó là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, biết cách tạo ra một thứ gì đó từ con số 0 và phát triển nó mà không giết chết bản chất nguyên thủy của nó. 
Wertz cho biết: “Bạn cần hai kiểu lãnh đạo khi mở công ty mới: Ban đầu, bạn cần một doanh nhân tuyệt vời có thể giúp công ty cất cánh và bắt đầu xây dựng công ty. Nhưng chính người lãnh đạo đó phải có thể mở rộng công ty mà không làm mất đi nền văn hóa của công ty đó”.
Dưới đây là 5 đặc điểm mà Wertz tìm kiếm ở những doanh nhân khi quyết định có đầu tư hay không. Ông chia sẻ: “Khi chúng tôi thấy tất cả những đặc điểm này ở một doanh nhân hoặc công ty, chúng tôi sẽ rất phấn khích. Bạn hiếm khi thấy được cả 5 đặc điểm này cùng một lúc, nhưng một vài trong số đó thì có thể”.
1. Một ý tưởng lớn được thuyết minh đầy đủ
Dấu hiệu đầu tiên của một doanh nhân lớn, theo Wertz, là người đó có một ý tưởng lớn và khả năng truyền đạt nó tới những người khác. Wertz cho rằng: “Họ cần có một tầm nhìn đầy tham vọng và mọi người, từ nhân viên, đối tác cho tới nhà đầu tư, đều hiểu nó ngay lập tức. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế thì không như vậy. Nhiều người quá sa đà vào chi tiết nên không có một tầm nhìn lớn”.
2. Sự tận tâm 
Đặc điểm thứ hai là sự tận tâm. Wertz cho biết công ty của ông tìm kiếm những người không nói ra tầm nhìn của họ và không ngừng nghiên cứu nó cho tới khi nó hình thành và chạy tốt. Họ tìm kiếm những người làm, chứ không chỉ là những nhà hùng biện tốt. Ông cho biết: “Họ sống vì công ty khởi sự. Chúng tôi yêu những người không thể ngừng nói về công ty khởi sự của họ ngay cả khi nó chưa hoàn hảo – chúng tôi tìm kiếm động lực và niềm đam mê phi thường và sự làm việc chăm chỉ. Họ không thể tưởng tượng ra bất cứ thứ gì khác ngoài việc xây dựng công ty đó”.
3. Tập trung
Mở một công ty khởi sự cần rất nhiều nhiệt huyết, đòi hỏi sự tập trung và ưu tiên cao độ. Nếu một CEO lo lắng về vấn đề PR, marketing và đối tác trước cả khi sản phẩm hoặc dịch vụ còn chưa được ra mắt thì đó là một vấn đề. Wertz cho biết các doanh nhân được ông đầu tư chỉ quan tâm tới một vài điều nhưng thực hiện chúng một cách hoàn hảo. Ông cho biết: “Các doanh nhân giỏi nhất biết từ 1 tới 3 điều quan trọng và chỉ tập trung vào việc làm tốt nhất 1, 2 hoặc 3 điều. Doanh nhân càng tập trung vào một cơ hội thì chúng tôi càng hứng khởi vì họ chỉ quan tâm tới những điều quan trọng nhất và điều đó sẽ khiến công ty khởi sự thành công”.
4. Khả năng thu hút người tài
Điểm thứ tư là khả năng thu hút nhân tài của họ tốt tới đâu. Nếu doanh nhân đó nghĩ họ có thể tự làm hết mọi việc thì Wertz sẽ không đầu tư. Sau khi vượt qua rào cản đó, câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể thuyết phục mọi người tham gia công ty của họ không. Wertz cho biết: “Trong một thị trường cạnh tranh, nhất là thị trường dành cho các nhà phát triển và kỹ sư, bạn có kể được một câu chuyện đủ hấp dẫn giải thích lý do tại sao họ nên làm việc cho công ty khởi sự của bạn thay vì chuyển tới Google, Facebook hay Amazon không. Chúng tôi gọi đó là “sức nóng của nhà phát triển”, nếu mọi người giỏi thu hút người giỏi làm việc cho họ”.
5. Lưu ý những chi tiết đặc biệt
“Các doanh nhân giỏi quan tâm sâu sắc tới các chi tiết quan trọng – các chi tiết có ý nghĩa với văn hóa, các chi tiết tạo nên trải nghiệm của khách hàng, bất cứ thứ gì khiến công ty bạn tuyệt vời. Bạn không nên cho rằng mình ở vị trí quá cao nên không thể chú trọng các tiểu tiết. Bạn sẽ thấy phẩm chất này ở các doanh nhân như Mark Zuckerberg và Jeff Bezos. Họ quan tâm tới các chi tiết nhỏ của sản phẩm, những thứ tạo nên công ty bạn”.

Theo INC/DNSG