Những công ty trong danh sách Fortune 100 luôn thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo cho các nhân viên của họ cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Họ làm điều này với mục đích giữ chân các nhân viên của mình. Vậy liệu có phải lòng trung thành của các nhân viên đang ngày một giảm đi? Câu trả lời sau đây có thể làm bạn ngạc nhiên.
Ảnh minh họa
Các công ty hàng đầu thế giới luôn thực hiện các chính sách giữ chân các nhân viên tài năng, họ đưa ra nhiều phương pháp khác nhau: từ lịch làm việc linh hoạt về thời gian; giao tiếp từ xa; phòng tập thể dục ngay tại nơi làm việc hay những bữa ăn nhẹ giữa giờ,…
Robert Levering, đồng sáng lập viên Tổ chức GPW (Great Places to Work), người tham gia xây dựng Danh sách Fortune 500, cho biết: “Các công ty đều muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt để xây dựng lòng trung thành của các nhân viên. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng”.
Giờ đây nền kinh doanh và thị trường lao động toàn cầu đang nóng dần lên, các công ty quan tâm nhiều hơn tới việc giữ chân các nhân viên. Không có gì ngạc nhiên khi các hãng nghiên cứu cho biết: các cuộc điều tra cho thấy có đến 75% các nhân viên hiện nay đang trong tầm ngắm của những chuyên gia săn đầu người.
Một số cuộc điều tra trực tuyến khác cho kết quả thấp hơn, nhưng cũng cho thấy có đến 44% số người được hỏi nói rằng họ đang có kế hoạch tìm kiếm công việc mới hấp dẫn hơn.
Có thể thấy, mặc dù tỷ lệ luân chuyển nhân viên của các công ty lớn nhất là thấp hơn mức trung bình song chính họ mới là những người hiểu hết sự khó khăn của việc lôi kéo và giữ chân các nhân viên tài năng. Vậy lòng trung thành với công việc của các nhân viên đã “chết”?
Đầu năm 2007, Anne Fisher – phụ trách mục Ask Annie của tờ Fortune – đã đề nghị mọi người gửi thư và nói về vấn đề lòng trung thành trong công việc.
Bản thân Anne cũng thừa nhận rằng rất ít nhân viên ngày nay dành 35 đến 40 năm làm việc trong cùng một công ty và sau đó nghỉ hưu với phần thưởng là một chiếc đồng hồ vàng.
Theo Anne, lòng trung thành công việc là rất khó định nghĩa. Nhiều đọc giả sau đó đã gửi thư tới Fortune để bày tỏ những suy nghĩ, nhận định chân thực và nhiều cảm xúc.
Không ít lá thư đã làm Anne ngạc nhiên: “Một người đàn ông viết rằng: lòng trung thành của nhân viên đã chết vào những năm 90 của thế kỷ trước. Kẻ gây ra điều này chính là các công ty đã dành cho những nhà quản trị hàng đầu những khoản lương ngất trời trong khi hủy hoại sự nghiệp và giấc mơ gắn bó của hàng triệu các nhân viên cấp thấp khác bằng việc tái cơ cấu nhân sự cùng các kế hoạch sa thải lớn”.
Một vài người cũng đặt ra câu hỏi liệu các nhà tuyển dụng có còn thực sự coi trọng lòng trung thành của các nhân viên nữa hay không. “Thái độ quản lý và cư xử với nhân viên gắn bó nhiều năm đã thay đổi từ hướng tích cực sang tiêu cực trong thời gian qua”, một đọc giả nhận định, “Tôi thích là những nhân viên mới hơn”.
Quả vậy, có đến 85% số e-mail gửi tới cho biết rằng lòng trung thành vẫn tồn tại nhưng chỉ có điều các công ty không níu giữ được nó. Đây là một sự khác biệt lớn so với quá khứ, thời điểm mà các công ty không cần phải quan tâm nhiều tới việc giữ chân các nhân viên.
Lá thư của một kỹ sư viết: “Tôi xem lòng trung thành như việc bạn quan tâm tới một điều gì đó hay một ai đó. Nó không phải là số lượng của dịch vụ mà là chất lượng dịch vụ. Thậm chí nếu chỉ làm việc trong một thời gian ngắn tại một công ty, tôi cũng là một người trung thành nếu tôi làm tốt mọi việc và ra đi trong một hoàn cảnh tốt đẹp. Một vài người làm việc ở đó trên 20 năm trong khi lại lấy trộm bút bi và chơi bài trong giờ làm việc, thì không thể coi là người trung thành được”.
Một nhân viên ngân hàng khác có gửi thư đến và nói rằng: “Tôi nghĩ lòng trung thành sẽ thể hiện rõ nhất bằng việc bạn hành động như thế nào khi bạn không ở công sở. Tôi luôn quảng cáo cho ngân hàng của tôi bất cứ khi nào có cơ hội. Nếu một ai đó hỏi về công việc ở đây hay những sản phẩm mà ngân hàng cung cấp, tôi luôn rất hạnh phúc được nói về nó”.
Lá thư của một nhân viên kế toán – người từng làm việc cho 11 công ty khác nhau – lại bổ sung: “Tôi xem bản thân mình là một nhân viên trung thành, vì tôi làm việc chăm chỉ cho công ty, hết mình và luôn nói tốt về họ – thậm chí cả sau khi tôi ra đi và làm việc cho một đối thủ cạnh tranh của họ”.
“Tôi biết rằng tôi đã gắn bó với công việc hiện tại quá lâu. Nhưng tôi vẫn ở lại là vì sếp của tôi luôn chu đáo động viên, khích lệ và hết sức quan tâm tới tôi. Mặc dù, sức ép công việc khá lớn trong khi lương bổng không đáng là bao”, một nhân viên hành chính gửi thư tới Fortune tâm sự.
Quả đúng như thế, không ít các nhân viên ngày nay vẫn trung thành với các công ty của họ vì cấp trên luôn sẵn lòng động viên, khích lệ tinh thần làm việc, khơi gợi tính năng động trong công việc và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống cá nhân của họ.
Mark Vinnie đang làm việc tại một ngân hàng đầu tư lớn ở New York viết rằng anh đã khước từ một lời mời một công việc hấp dẫn với mức lương cao hơn rất nhiều bởi vì không như công ty hiện tại anh đang làm việc, nhà tuyển dụng mới không cho phép làm việc từ xa. “Lòng trung thành của các nhân viên vẫn hiện hữu”, Mark viết trong thư, “nhưng nó phụ thuộc vào những gì các công ty sẵn lòng làm cho các nhân viên của mình”.
Qua những lá thư của các nhân viên trên khắp thế giới gửi về cho tạp chí Fortune có thể thấy giải pháp cho các công ty là rất rõ ràng: hãy học hỏi một vài kinh nghiệm giữ chân nhân viên từ các công ty thành công và trên cơ sở đó, trong khả năng có thể cho nhân viên một vài đặc quyền nào đó thích hợp nhất với họ để đảm bảo tỷ lệ ra đi của các nhân viên không ngày một tăng cao. Các nhân viên sẽ không ngần ngại “nhảy tàu” – trong khi vẫn luôn xem mình như những người trung thành, ít nhất là cho đến họ vẫn còn làm việc cho bạn.
Liệu lòng trung thành của các nhân viên có còn hiện hữu? Các nhân viên có gắn bó với nhà tuyển dụng họ? Các công ty có thực hiện những bước đi cần thiết để duy trì lòng trung thành của các nhân viên? Câu trả lời không bao giờ tuyệt đối cả và luôn để ngỏ cho những ai quan tâm tới.