Hơn 60 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong 10 tháng năm 2014 là từng ấy ý chí kinh doanh được thắp lên. Nhưng, cùng lúc có đến trên 54,3 nghìn ý chí kinh doanh bị nguội lạnh, khi DN rời bỏ thị trường.
Ảnh minh họa
Đó là sự sàng lọc tự nhiên, khi phương án chủ quan không thể vận động linh hoạt để DN thích ứng với điều kiện đang thay đổi của thị trường ngày càng khó khăn hơn. Nhưng theo nhiều doanh nhân, hoàn cảnh khó khăn càng hun đúc những tinh thần khởi nghiệp. Chỉ có sáng tạo và giá trị bền vững cho xã hội mới giúp DN đứng vững và phát triển.
Bà Đoàn Thị Hữu Nghị, Chủ tịch của Tập đoàn Hiệp Hưng chia sẻ, thực tế đã chứng minh rằng các doanh nhân khi lập nghiệp, điều đầu tiên cần có là ý chí, lòng quyết tâm và đam mê nghề nghiệp. Điều này sẽ giúp họ có những quyết định sáng suốt từ việc chọn bạn chơi phù hợp với tầm cỡ, quy mô của mình và không dễ dàng từ bỏ, buông xuôi khi gặp khó khăn.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, ý chí kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của DN. Chẳng hạn như tại Mỹ, 18/30 công ty niêm yết lớn nhất theo chỉ số công nghiệp Dow Jones được thành lập trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Do đó, những khó khăn của nền kinh tế vừa qua là những thách thức bước đầu để DN Việt Nam ngày càng vững mạnh và có năng lực cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
Bà Minh lưu ý: “Các DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt cần phải khai thác sức mạnh nội tại và khả năng đổi mới không ngừng để thích nghi với điều kiện kinh tế mới. Vì trong giai đoạn 2011 – 2012, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao cho thấy thị trường đã trở nên khắc nghiệt hơn. Sự thanh lọc đang diễn ra. DN nào không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ bị loại khỏi thị trường”.
Như vậy, ngoài sự đào thải tự nhiên, những khó khăn hiện tại dường như là điều kiện để nền sản xuất của Việt Nam thay đổi. Bởi theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), hiện nay Việt Nam chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp có tên tuổi gắn với các thương hiệu lớn, cụm ngành công nghiệp quốc gia; thiếu những DN dẫn đầu kéo các DNNVV đi lên, vươn ra được thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế.
Đặc biệt, chúng ta thiếu một khu vực đủ lớn, đủ sức tiếp cận thị trường công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu…
Chia sẻ sự đồng tình, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng, đối với kỹ năng kinh doanh của Việt Nam thì phần lớn những người khởi sự DN có trình độ quản lý cũng còn có hạn chế nhất định, dẫn đến khi DN đi vào hoạt động không tạo được niềm tin với đối tác hay bạn hàng nên năng lực hạn chế. Vì vậy, làm sao không chỉ có nhiều DN mà chúng ta phải có DN lớn và khỏe.
Dưới góc độ nhà tư vấn, chuyên gia về khởi nghiệp Jeff Hoffman cho rằng, để giúp DN xây dựng ý chí kinh doanh bền vững, Nhà nước cần hỗ trợ DN về vốn, môi trường kinh doanh, công nghệ, lao động… Tất nhiên giải quyết khó khăn của DN là điều không dễ dàng, nhưng nếu có sự hỗ trợ, ủng hộ từ chính sách thì sẽ tốt hơn.
Theo Thời báo Ngân hàng