Thương mại điện tử Việt Nam lao đao trước thềm hội nhập

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam thời gian qua có khá nhiều biến động. Một số doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chuyển đổi sở hữu. Đây là một trong số nhiều rủi ro mà doanh nghiệp TMĐT thời hội nhập sẽ phải đối mặt.

   

PGS.TS. Nguyễn Văn Thoan tại một buổi thuyết trình về TMĐT.

PV vừa có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Thoan, Phó Trưởng Ban Đào tạo, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Trưởng Bộ môn TMĐT, Trường Đại học Ngoại thương về câu chuyện này. Ông Nguyễn Văn Thoan là một trong những phó giáo sư đầu tiên của “làng” TMĐT Việt Nam.

Thị trường TMĐT của Việt Nam thời gian qua có khá nhiều biến động. Đặc biệt, một số doanh nghiệp TMĐT phải đóng cửa hoặc chuyển đổi sở hữu… Ông có bình luận gì về hiện trạng này, thưa ông?

Chúng thấy rõ, rủi ro của từng nhóm kinh doanh TMĐT.

Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ truyền thống, những doanh nghiệp này ứng dụng TMĐT để mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng. Nhóm này ứng dụng TMĐT từ đầu những năm 2000 đến nay, nhìn chung có nhiều thành công. Những doanh nghiệp này bắt đầu bằng website, giới thiệu thông tin sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, họ thành công nhưng ít truyền thông về những thành công này.

Thứ hai, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ứng dụng TMĐT để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí (bao gồm sử dụng dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử). Nhóm này cũng ứng dụng thành công TMĐT, hiệu quả khá cao, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. Có nhiều doanh nghiệp tìm được khách hàng mới, thị trường mới, xuất khẩu được nhiều sản phẩm mới ra thị trường nước ngoài và cũng được khách hàng nước ngoài tìm đến qua website, các kênh hỗ trợ của nhà nước. Tuy vậy, nhóm doanh nghiệp này cũng ít truyền thông và đặc điểm kinh doanh B2B nên xã hội ít biết đến.

Thứ ba, các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ TMĐT như sàn TMĐT, tiếp thị trực tuyến hay du lịch trực tuyến (Lazada, Vật giá, Gotadi…) và các doanh nghiệp mới được xây dựng chủ yếu dựa vào TMĐT như thông tin du lịch, bán hàng trực tuyến. Trong khi hai nhóm đầu tiên phát triển ổn định thì nhóm thứ 3 gặp những khó khăn nhất định vì họ không chủ động được nguồn hàng, thị trường và khách hàng.

Thực ra đây cũng chỉ là một nhóm nhỏ, một hoạt động trong TMĐT thôi. Bên cạnh việc bán lẻ của nhóm này, còn hàng chục ngành hàng khác vẫn đang ứng dụng TMĐT thành công, như du lịch, giải trí phim ảnh, học online, khách sạn, các nhà máy, xí nghiệp… đó là các doanh nghiệp đã có nền tảng thương mại truyền thống và tham gia TMĐT như một hoạt động mới, giúp tăng trưởng mở rộng thị trường.

Liệu thiếu vốn có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc thất bại trong kinh doanh TMĐT không?

Vốn là quan trọng nhưng ý tưởng sáng tạo còn quan trọng hơn. Nếu chỉ cần vốn thì nhiều doanh nghiệp hùng mạnh đã đầu tư và thành công trong TMĐT ngay từ những ngày đầu tiên. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Có một ví dụ thực tế là Jack Ma lại dù đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng vẫn trở thành tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới trong ngành TMĐT dù với số vốn ban đầu rất khiêm tốn, kể cả khi thu hút được đầu tư ban đầu 1 triệu USD. Vì vậy, có thể đặt ngược lại vấn đề, liệu vốn có phải là nguyên nhân chính hay không và chúng ta cần nhìn cũng như học những doanh nghiệp “tiền bối” đi trước điều gì.

Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, ở đây là con người nắm được công nghệ, làm chủ được công nghệ mới, theo kịp sự phát triển của công nghệ mới và ứng dụng được trong thương mại điện tử và rộng hơn là ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và kinh doanh. Doanh nghiệp muốn ứng dụng TMĐT thành công thì phải nắm được công nghệ phù hợp với ngành của mình. Từ đó mới tiến đến trao đổi, mua bán giao dịch TMĐT theo nghĩa hẹp. Trước hết là ứng dụng trong quản lý, sản xuất rồi mới đến thương mại trao đổi, mua bán trên các phương tiện điện tử và các mạng truyền thông.

Ngay cả truyền hình cũng vậy, TMĐT trong truyền hình không chỉ giới hạn ở việc phát và thu tiền, hoặc cho khách hàng xem trên cơ sở dữ liệu kiểu NetFlix, mà cũng cần có những công nghệ đặc thù mới trong truyền hình để việc tổ chức sản xuất rồi phát sóng trở thành một hệ thống tích hợp. Đó mới là TMĐT theo nghĩa rộng. Việc làm chủ như thế nào thì lại là một vấn đề khác, có thể tự nghiên cứu, có thể mua lại, có thể mua bản quyền để sử dụng hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Trong sản xuất, lấy ví dụ như ô tô, từ những năm 2000, chúng ta biết đến nhờ ứng dụng TMĐT, khách hàng có thể vào website của nhà sản xuất, lựa chọn ô tô theo kiểu dáng, màu sơn, model, các lựa chọn gia tăng… rồi gửi đơn hàng cho nhà sản xuất để đặt hàng. Sau 2-3 tuần, xe sẽ được sản xuất, lắp ráp theo yêu cầu. Tuy vậy, đó chỉ là bề nổi của TMĐT, phía sau bức tranh đó là cả một hệ thống thông tin hiện đại, kết nối đến các nhà cung cấp để thu mua linh kiện, đầu vào phục vụ sản xuất. Kế đến là nhà máy sản xuất với dây chuyền lắp ráp, tự động hóa hiện đại với hệ thống rô bốt xử lý hầu hết các công việc trong lắp ráp ô tô. Con người chỉ thực hiện những công đoạn mà máy móc chưa tự động hóa được. Như vậy, TMĐT phải đi kèm với hiện đại hóa sản xuất, dịch vụ, quản lý và kinh doanh nói chung.

Yếu tố quan trọng thứ 2 để ứng dụng TMĐT thành công là vốn đầu tư, chỉ những dự án có vốn đầu tư ổn định mới và liên tục trong thời gian dài, 5 năm hoặc 10 năm có thể thành công lớn. Đặc biệt, sự đầu tư phải được triển khai liên tục, qua nhiều giai đoạn mới giúp các dự án TMĐT phát triển được vì công nghệ mới cần nhiều thời gian nghiên cứu, và liên tục phát triển.

Hiện có 2 nhóm doanh nghiệp TMĐT: một là những công ty chuyên về cung cấp dịch vụ TMĐT như Alibaba, Ebay, Amazon, Rakuten…; hai là những công ty cung cấp hạ tầng, giải pháp để các doanh nghiệp, các tổ chức ứng dụng CNTT trong quản lý kinh doanh và có thể tham gia TMĐT, chẳng hạn như Microsoft, Google, SAP, Oracle, IBM, Cisco….

Yếu tố thứ 3 quyết định thành công là bản thân điều kiện kinh tế xã hội tại mỗi nước, mỗi khu vực. TMĐT chỉ là bề nổi, bên dưới đó là cả một hệ thống thương mại truyền thống, là thị trường với các yếu tố đã và đang hình thành từ nhiều thập kỷ. Giao dịch TMĐT góp phần hiện đại hóa, nhanh hơn, tốt hơn nhưng người mua, người bán về cơ bản vẫn là các doanh nghiệp, các chủ thể của một nền kinh tế nhất định.

Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thị trường TMĐT tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Vậy để có thể phát triển thị trường này, theo ông chúng ta cần phải làm gì? Nếu chúng ta không nhanh tay thì rất có thể chúng ta sẽ bị mất sân nhà khi mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp TMĐT ngoại đầu tư vào Việt Nam.

Chúng ta không mất cái gì trên sân nhà cả nếu thị trường, người mua, người dân, doanh nghiệp mua sắm hàng hóa và dịch vụ vẫn mua sắm với các doanh nghiệp của Việt Nam. Nếu chúng ta không mua hàng của Siêu thị Coopmart mà mua hàng từ một website của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, và mà họ vẫn cung cấp hàng của các nhà sản xuất của Việt Nam, thì cũng không thể coi là mất thị trường trên sân nhà. Vấn đề là các nhà bán lẻ Việt Nam có tận dụng được cơ hội, hay có đủ vốn, và có tầm nhìn dài hạn về đầu tư cho các hoạt động này không. Vì theo kinh nghiệm, đầu tư cho TMĐT cần vốn lớn, thời gian hòa vốn tới 5 – 10 năm hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam, bán hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất qua các website TMĐT Việt Nam thì sẽ từng bước lấy mất khách hàng trong nước của các doanh nghiệp nội.

Xu hướng doanh nghiệp ngoại đầu tư là tất yếu và có tính hai mặt. Mặt tích cực giúp cho thương mại linh hoạt và hiệu quả hơn.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua một loạt các hiệp định FTA thế hệ mới như: TPP, FTA Việt Nam – EU, WTO, Asean… Trong các cam kết của các hiệp định đều có nhiều điều khoản liên quan đến TMĐT. Theo ông, các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam cần làm gì để hội nhập với thế giới và thực hiện nghiêm túc theo các cam kết đó?

Trước hết, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết liên quan tới TMĐT trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ các quy định về bán hàng qua biên giới, quy định về thuế, chất lượng… vì người tiêu dùng sẽ mua sắm trực tiếp từ các website, các nhà bán hàng nước ngoài một cách dễ dàng.

Nếu chúng ta mở cửa về thuế nhập khẩu, thì chuyện hàng nước ngoài tràn vào thị trường trong nước chỉ là vấn đề thời gian, và rào cản lớn nhất là chi phí vận chuyển, phân phối hàng…

Hiện nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu có thói quen mua quần, áo, giày dép, thuốc, mỹ phẩm, đồ điện tử… trực tiếp từ các website bán hàng của Nhật, EU và Hoa Kỳ. Nếu số lượng mua lớn, khách hàng nhiều, … việc vận chuyển phân phối trở nên rẻ hơn thì nguy cơ đối với các nhà kinh doanh, phân phối và sản xuất trong nước là khá rõ ràng.

Ông có thêm lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp TMĐT nói riêng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói chung để họ tránh được các rủi ro, đồng thời tận dụng được tối đa cơ hội mà các hiệp định FTA thế hệ mới này mang lại?

TMĐT giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam mở rộng thị trường, giới thiệu được sản phẩm đến hầu hết các nước trên thế giới một cách nhanh chóng, thuận tiện, liên tục, với chi phí rẻ. Vấn đề quan trọng lại là xuất cái gì, có chất lượng không, giá cả có cạnh tranh không.

Một nhược điểm của TMĐT Việt Nam là chưa có các doanh nghiệp cung cấp công cụ và giải pháp TMĐT thực sự tốt cho các doanh nghiệp khác tham gia. Nhìn sang Hoa Kỳ họ có Amazon.com, Ebay.com, hay Nhật Bản có Rakuten.com, Trung Quốc có Alibaba cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp khác khai thác, ứng dụng lợi thế của TMĐT để bán hàng trên đó, mở rộng thị trường. Việt Nam đã từng có công cụ TMĐT nhưng không có các dịch vụ kèm theo nên không phát triển được. Các doanh nghiệp của Việt Nam không đủ mạnh để cung cấp tiếp các dịch vụ thanh toán, phân phối, lưu kho hàng cho các doanh nghiệp thành viên, vì thế TMĐT đã bị “gián đoạn” hay “hụt hơi”.

Vài trò nghiên cứu, định hướng, dẫn dắt của các trường, viện về TMĐT cũng gián đoạn trong 5 – 7 năm qua. Chúng ta thiếu các đề tài nghiên cứu, các chương trình đào tạo chuyên sâu, đội ngũ chuyên gia về thương mại điện tử còn rất ít, đếm trên đầu ngón tay, chưa có các nghiên cứu và chiến lược mang tính định hướng, dẫn đường, nên hoạt động TMĐT gần như mất phương hướng chiến lược dài hạn, có thể nói chưa có một tầm nhìn dài hạn phù hợp với TMĐT Việt Nam. Vì vậy, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Giai đoạn 2016 – 2020 có thể được coi là một giai đoạn mới của ứng dụng CNTT trong quản lý và kinh doanh nói chung, trong hoạt động TMĐT nói riêng. Chúng ta có nhiều cơ hội để tham gia thị trường quốc tế, nhưng cũng kèm theo những nguy cơ tụt hậu, mất thị trường. Vì vậy, cần sự đầu tư, hợp tác và phối hợp của tất cả các bên liên quan để vượt qua những rủi ro, thách thức của thời hội nhập.

Xin cảm ơn ông!

Theo infonet