Hành trình huy động vốn khó khăn trong bối cảnh hội nhập

Cũng giống như huyết mạch trong cơ thể con người, vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì  sự tồn tại của doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh siêu cạnh tranh, thị trường hội nhập sâu rộng như hiện nay.
   


Ảnh minh họa

Mặc dù các kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng. Thế nhưng, thật đáng buồn số lượng các doanh nghiệp thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thuyên giảm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn rơi vào những hoàn cảnh “khóc dở, mếu dở” trên con đường bôn ba đi tìm vốn kinh doanh cho mình.

Đa dạng nguồn huy động

Có rất nhiều hình thức huy động vốn cho các doanh nghiệp như: huy động vốn từ chủ sở hữu, phát hành trái phiếu công ty, vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và các quỹ đầu tư, huy động vốn khách hàng, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tìm đến các nguồn vốn khác dựa trên “niềm tin” hay chữ “tín” như thông qua: bạn bè, người thân hoặc thậm chí chính từ các nhân viên trong doanh nghiệp.

Đối với việc đi vay vốn ngân hàng, câu hỏi liệu lãi suất cho vay có tăng trở lại hay không là một vấn đề lớn khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Theo ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Đức Hoàng, năm 2016, nền kinh tế bắt đầu một chu kỳ vận động mới khi hoạt động sản xuất cũng như tiêu dùng trong nước có những dấu hiệu hồi phục tích cực, nhờ đó các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, xu hướng lãi suất cho vay có khả năng tăng khiến nhiều nhà sản xuất lo lắng. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn thông qua việc kêu gọi đối tác đầu tư, hợp tác cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc trước làn sóng thôn tính, thâu tóm ngày càng tăng cao. Một hình thức kêu gọi vốn khác đó là thông qua khách hàng, đối tác, bạn bè hoặc chính nhân viên của doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng hình thức này về cơ bản thì chỉ giải quyết được nhu cầu vốn ngắn hạn. Còn đối với những khoản đầu tư dài hạn, trường vốn thì hình thức này không đáp ứng được.

Lựa chọn nguồn vốn nào?

Vào lúc 10h, ngày Chủ Nhật 3/4/2016 vừa qua, chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công đã đưa lên sóng chủ đề “Tài chính thời TPP – Đi tìm nguồn vốn” để các chuyên gia tìm giải pháp. Theo đó, các chuyên gia trong chương trình đã tìm giải pháp cho vấn đề của một doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Nhận thấy lĩnh vực nông sản sẽ được hưởng nhiều lợi ích to lớn từ TPP, AEC nên HĐQT bao gồm cả CEO đã quyết định nâng công suất nhà máy đang xây dựng từ 250 tấn/năm lên 400 tấn/năm. Điều này đòi hỏi một khoản đầu tư bổ sung lớn.

Theo đó, CEO cho rằng, doanh nghiệp nên hoãn chia cổ tức cho các cổ đông thêm 3 năm nữa để lấy khoản tiền này tiến hành đầu tư cho hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trước tình huống này, chuyên gia Thái Quốc Minh- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Đầu tư Tư nhân VINA – VP Capital đã đưa ra lời khuyên dành cho CEO: “Trong mọi trường hợp thì việc tăng vốn cần theo một lộ trình, không nhất thiết phải theo dòng tiền nào. Có thể là dùng vốn các cổ đông, kêu gọi đối tác…

Ông Robert Trần – Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương cho rằng: “Điều đầu tiên quan trọng nhất khi nói đến vốn chính là ý tưởng và các chiến lược kinh doanh. Có thể huy động vốn bên ngoài bằng nhiều nguồn vốn khác”…Những ý kiến tư vấn của các chuyên gia đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều khán giả.

Theo diendandoanhnghiep