Số liệu của bản khảo sát này cho thấy có đến 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam chọn Singapore là điểm đến tốt nhất để làm việc. Theo họ, cơ hội làm việc tại Singapore sẽ đem đến cho họ mức lương, thưởng cao hơn, cơ hội nghề nghiệp phát triển tốt hơn và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đối với người tham gia khảo sát tại Thái Lan thì Singapore cũng là điểm đến mong muốn để làm việc, trong khi đó người tham gia tại Singapore cho rằng Thái Lan là điểm đến lựa chọn khi họ có cơ hội để trải nghiệm một nền văn hóa hoàn toàn khác.
Nhân sự cấp trung người Việt chưa hoàn toàn sẵn sàng trước các cơ hội di chuyển việc làm trong AEC
Mặc dù người tham gia khảo sát tại Việt Nam thể hiện việc mong muốn được sang nước khác trong khu vực để làm việc, nhưng trên thực tế, số liệu của khảo sát cho thấy họ chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng đối với việc dịch chuyển này. Trong tổng số người tham gia khảo sát tại Việt Nam, có đến 70% là những người có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm đến trên 20 năm. Tuy nhiên, có đến 67% người tham gia khảo sát cho biết họ cần cải thiện khả năng tiếng Anh. Đồng thời, việc tạo và cập nhật thông tin về hồ sơ cá nhân trên các trang thông tin việc làm chuyên nghiệp trực tuyến cũng chưa được họ chú ý khi có 59% người tham gia khảo sát cho rằng họ cần phải làm việc này. Việc thiếu hụt những kỹ năng nêu trên khiến cho các ứng viên người Việt có khả năng bị mất lợi thế cạnh tranh ngay tại Việt Nam, chưa kể đến khả năng mất nhiều cơ hội khi muốn dịch chuyển sang các nước trong AEC để làm việc.
Bên cạnh đó, ý kiến của người tham gia khảo sát cũng cho thấy có những rào cản khác đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Ví dụ, họ e ngại về việc thiếu thông tin về các chính sách dành cho người lao động nước ngoài hay e ngại về việc thiếu thông tin liên quan đến chính sách và luật pháp của nước muốn đến. Ngoài ra, các ràng buộc liên quan đến gia đình cũng khiến họ e ngại việc dịch chuyển.
Trong khi những người tham gia khảo sát tại Thái Lan hay Singapore cho biết sẽ tìm kiếm thông tin việc làm từ các công ty về dịch vụ tuyển dụng tại địa phương hoặc tại nước muốn đến, thì những người tham gia khảo sát tại Việt Nam không đề cập đến những sự trợ giúp này.
Khả năng học hỏi nhanh – Chăm chỉ và Thích ứng nhanh với sự thay đổi là những thế mạnh mà người tham gia khảo sát tại Việt Nam tự đánh giá về mình. Trong khi đó, người tham gia khảo sát tại Singapore tự đánh giá họ có thế mạnh về kỹ năng tiếng Anh – Tư duy làm việc mang tính toàn cầu và Khả năng làm việc độc lập. Có thể thấy các thế mạnh tự đánh giá của người tham gia khảo sát tại Việt Nam không có nhiều lợi thế nổi trội để có thể giúp họ tự tin với các cơ hội dịch chuyển việc làm mang tính quốc tế khi AEC được thành lập.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự cấp trung
Có đến 48% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết sẽ ở lại tại nước đến làm việc nếu có cơ hội, trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là 32% và Singapore là 40%. Mặc dù đây chỉ là số liệu trong một cuộc khảo sát có quy mô cấp công ty, tuy nhiên, số liệu này cũng dự báo một viễn cảnh không quá xa vời một khi nhân sự cấp trung người Việt tự tin và sẵn sàng tìm kiếm việc làm tại các nước trong khu vực, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt các nhân sự cấp trung có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm lâu năm.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận xét: “Việc đội ngũ nhân sự cấp trung người Việt sẵn sàng dịch chuyển nếu có cơ hội việc làm và cũng sẵn sàng ở lại nước tiếp nhận nếu có cơ hội cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải đối diện với vấn đề “chảy máu chất xám”, nhất là về đội ngũ nhân sự cấp trung. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng sẽ đứng trước những cơ hội lớn khi có khả năng tiếp nhận những nhân sự giỏi đến từ các nước khác trong khu vực. Điều này đặt ra cho doanh nghiệp câu hỏi về việc liệu họ đã sẵn sàng hay chưa cho việc đa dạng trong văn hóa doanh nghiệp cũng như đội ngũ quản lý của họ đã được trang bị đủ các kỹ năng để quản lý nhân sự đến từ các nền văn hóa khác nhau trong khu vực”.
Theo dddn