Làm ngân hàng để…thể hiện đẳng cấp
Dù không còn độ “hot” như những năm trước nhưng nghề ngân hàng hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu của các bạn trẻ. Chẳng thế mà hàng năm, lượng học sinh đăng ký thi vào ngành ngân hàng ở các trường kinh tế, tài chính, ngân hàng vẫn lên tới hàng chục nghìn hồ sơ. Điểm trúng tuyển vào các trường này cũng cao chót vót.
Khi ra trường, ai được trúng tuyển vào làm ngân hàng cũng đều rất tự hào, có không ít người còn chấp nhận “chạy” hàng trăm triệu đồng để có một chân làm ngân hàng, bất chấp việc lương dành cho người mới đi làm ở các nhà băng hiện nay rất thấp, chỉ 2-5 triệu đồng mỗi tháng.
Bạn Nguyễn Minh P., sinh viên ngành ngân hàng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, hiện P. đang làm kế toán cho một doanh nghiệp với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên P. vẫn xếp hồ sơ ở hơn chục ngân hàng chờ đến lượt phỏng vấn. Khi được hỏi lương ngân hàng thấp như vậy cần gì phải cố vào bằng được, P. cho biết làm ở ngân hàng dù lương chẳng bằng osin, nhưng lại thể hiện…đẳng cấp của mình.
“Làm ở ngân hàng được mặc đồng phục đẹp, đi giày cao gót, đeo thẻ ngân hàng, được ra vào quẹt thẻ, được ngồi phòng lạnh và quan trọng là nhiều người ngưỡng mộ, thế nên các bạn học cùng em đều sống chết vào ngân hàng bằng được. Em kém may mắn vì chỉ được bằng khá và không có nhiều mối quan hệ, nhưng em vẫn hi vọng có thể vào làm ở một ngân hàng nào đó, kể cả vị trí cộng tác viên hỗ trợ cho các nhân viên chính thức”, P. tâm sự.
Chia sẻ với người viết, TS. Bùi Quang Tín, giảng viên trường Đai học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, lý do đầu tiên mà các bạn trẻ mong muốn được làm ngân hàng là có lương và thưởng khá cao và đều đặn (năm nào cũng có thưởng). Chẳng hạn như làm ở Vietcombank, thu nhập bình quân của nhân viên tới 16,8 triệu đồng/tháng, các ngân hàng cổ phần nhỏ cũng không dưới 10 triệu đồng.
Lý do thứ hai đó là các sinh viên thường nghĩ làm ngân hàng luôn mang lại cho họ một cái nhìn tôn trọng và cao quý trong ánh mắt của xã hội. “Phần lớn các sinh viên mới ra trường vẫn còn mang “bệnh ảo tưởng” là làm ngân hàng rất ngon và thể hiện được đẳng cấp của họ nên luôn cố gắng hết sức để có được một chân trong nhà băng”, ông Tín nói.
Đề cập đến lượng sinh viên các trường ngân hàng ra trường có làm đúng nghề ngân hàng hay không, ông Tín cho biết có khoảng 50% là làm ngân hàng, 30% làm ở doanh nghiệp khác và phần còn lại không làm đúng chuyên ngành hoặc…thất nghiệp.
“Vì những ảo tưởng mà sinh viên nghĩ về nghề ngân hàng rất khác với thực tế nên trong lớp tôi giảng dạy, tôi thường khuyên các bạn phải cân nhắc kỹ khi đi làm ở ngân hàng” – ông Tín cho biết thêm.
Có nhiều cơ hội thăng tiến và làm giàu
Dù làm ngân hàng có nhiều vất vả, nhưng nhiều người đồng tình rằng cơ hội thăng tiến và làm giàu ngành này lớn hơn các ngành khác rất nhiều.
Một chuyên gia tài chính chia sẻ với chúng tôi, nhìn chung hiện nay mặt bằng lương của ngành ngân hàng vẫn rất cao và có khoảng cách xa với các ngành khác. Các bạn trẻ đua nhau vào ngân hàng vì đó là môi trường lý tưởng để gây dựng tiếng tăm, nếu không thể trụ được lâu thì cũng là bước đệm tốt để có thể nhảy sang việc khác trong cùng khối tài chính. Còn những người có năng lực thực sự thì chẳng cần phải nói, họ bắt nhịp rất nhanh và thăng tiến không ngừng.
Đề cập đến chuyện lương mới vào ở nhiều ngân hàng cổ phần hiện nay không đủ cho người lao động ăn trưa, xăng xe và điện thoại, vị chuyên gia cho rằng, khởi đầu không quan trọng, quan trọng là anh thể hiện thế nào. Nếu một người làm tốt thì chỉ cần vài tháng là bắt nhịp được, còn những người chấp nhận mức lương như osin thì cũng không xứng bám trụ quá 2 năm, tự họ sẽ bị đào thải nhanh chóng.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, làm trong ngân hàng có môi trường khá khắc nghiệt nhưng đổi lại là cơ hội thăng tiến nhanh, được trọng dụng nếu cán bộ đó có năng lực thực sự.
Thực tế hiện nay, các ngân hàng đều xây dựng cho riêng họ đội ngũ cán bộ nguồn từ các nhân sự giỏi. Sacombank và NamABank là một điển hình như vậy, từ các chi nhánh, phòng giao dịch, họ sẽ tìm kiếm nhân tài để đào tạo. Các vị trí quản lý từ cấp trung trở lên ở các nhà băng này hầu hết là người nội bộ đào tạo nên.
Theo Trí thức trẻ/CafeF