Kể từ khi LinkedIn thành lập vào năm 2003, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch – Reid Hoffman đã giúp website này tăng trưởng từng ngày, lên tới con số 300 triệu người dùng.
Và trong diễn biến mới nhất, họ đã đạt được thỏa thuận với Microsoft về thương vụ mua lại với giá trị kỷ lục lên tới 26,2 tỉ USD.
Vậy đâu là bí quyết giúp Reid Hoffman chèo lái LinkedIn tới thành công như hiện tại. Câu trả lời có lẽ nằm ở kỹ năng sử dụng mạng lưới quan hệ trong công việc tuyệt vời của ông.
Trong cuốn sách “Đồng minh – Cách quản lý nhân tài trong kỷ nguyên mối quan hệ” mà Hoffman là đồng tác giả, ông có giải thích về lợi ích của việc có những nhân viên quảng giao với mạng lưới quan hệ rộng cả trong lẫn ngoài công ty.
Ông nói: “Vấn đề khó khăn nhất bạn từng phải giải quyết trong công việc là gì? Còn đây là ví dụ từ chính bản thân tôi. Khi còn làm việc tại PayPal, chúng tôi phải tìm ra cách đánh bại đối thủ BillPoint. Họ được Wells Fargo hỗ trợ và là sản phẩm của chính đối tác quan trọng của chúng tôi – eBay. Để đánh bại BillPoint, chúng tôi cần nghĩ xa hơn họ.
Vì thế, tôi đã yêu cầu tất cả thành viên trong nhóm nói chuyện với bạn bè, đối tác và cả nhân viên BillPoint để thu được nhiều thông tin nhất có thể. Sau đó, chúng tôi đã tìm ra được 2 điều quan trọng. Trước hết, BillPoint cho rằng mối quan hệ của họ với Wells Fargo chính là điểm hút khách hàng nhất. Còn điều thứ hai lại là người dùng eBay thậm chí chẳng quan tâm về mối quan hệ của BillPoint với nhà băng. Họ chỉ thích những gì dễ dùng mà thôi.
Biết được điều đó, chúng tôi tập trung nhất vào việc đơn giản hóa tất cả cho người dùng. Sau đó, chúng tôi đánh bại BillPoint. Và eBay cuối cùng phải mua lại PayPal với giá 1,5 tỷ USD”.
Thường thì khi gặp khó khăn, việc đầu tiên hầu hết mọi người làm là tổ chức một cuộc họp với tất cả người thông minh trong công ty. Nói chuyện với mọi người – đó là bước khởi đầu tốt.
Những thông tin chuyên nghiệp, giá trị nhất thường nằm trong đầu của người khác. Lẽ dĩ nhiên con người – chứ không phải Google, sách hay bài đăng trên blog, mới có những thông tin cần thiết để bạn giải quyết các vấn đề khó khăn.
Những thông tin và quan điểm tuyệt vời từ những người bạn biết có thể là lợi thế cạnh tranh rất lớn. Chúng tôi gọi đó là “trí tuệ cộng đồng”. Nhất là trong kỷ nguyên phụ thuộc nhiều vào quan hệ như hiện nay, vấn đề bạn quen ai giá trị hơn nhiều so với bạn đã đọc được gì.
Vì vậy, mỗi khi gặp vấn đề thực sự khó khăn, bạn nên nhìn ra bên ngoài. Số người thông minh không làm việc cho công ty bạn nhiều hơn tổng tất cả những người thông minh đang làm cho bạn. Nếu biết cách, nhóm của bạn sẽ trở nên lớn hơn rất nhiều.
Giả sử công ty bạn có 5 người. Mỗi người lại có 75 mối quan hệ bên ngoài. Như vậy nhóm của bạn thực sự có tới 375 người. Và nó sẽ còn tăng lên nữa nếu tính đến cấp thứ 2 hay thứ 3.
Là những người quảng giao và có nhiều mối quan hệ bên ngoài nhưng các CEO thường quên rằng nhân viên của mình cũng có thể làm điều tương tự. Khi nhân viên chia sẻ với bạn những gì họ học được từ các mối quan hệ của mình (về công nghệ, cạnh tranh, chuyên môn), họ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh hơn.
Đối với một công ty chú trọng về sáng tạo, một lực lượng lao động biết cách mở rộng ra bên ngoài là hết sức cần thiết. Điều này cũng đồng thời mang lại những lợi ích cho sự nghiệp của nhân viên. Thông qua việc giúp nhân viên mở rộng các mối quan hệ, bạn đang cải thiện triển vọng nghề nghiệp dài hạn cho chính họ.
Để khuyến khích nhân viên, bạn có thể thực hiện theo những bước sau đây:
Đầu tiên, hãy hỏi họ: Ai là 3 người thông minh nhất mà anh biết, nhưng không đang làm việc cho công ty?
Sau đó, cho phép họ cải thiện các mối quan hệ với những người này trong thời gian làm việc và sử dụng tiền của công ty.
Cuối cùng, hãy khuyến khích họ tích cực sử dụng truyền thông xã hội, tuyên dương các nhân viên có nhiều người theo dõi trên Twitter hay có nhiều mối quan hệ trên LinkeIn.
Sức mạnh trí tuệ từ cộng đồng sẽ giúp các lãnh đạo có quyết định sáng suốt hơn, giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn. Và dĩ nhiên, việc này có lợi cho tất cả mọi người.
Theo Trí Thức Trẻ/BI