Đó chỉ là vài trường hợp trong xu hướng bỏ việc để kiếm tìm công việc mới của không ít cán bộ ngân hàng thời nay.
Vào, ra liên tục
Giám đốc phụ trách tuyển dụng của một ngân hàng cổ phần lớn có hội sở tại Hà Nội cho biết, mỗi năm ngân hàng này tuyển dụng tới hàng nghìn người. Tuy nhiên tổng nhân sự lại không thay đổi đáng kể so với năm trước do việc tuyển người đó không phải mới hoàn toàn, mà để thay thế cho các vị trí có người nghỉ.
Và theo ông, thực trạng này không chỉ tồn tại trong ngân hàng của ông mà ở khắp các ngân hàng hiện nay, đặc biệt là bộ phận kinh doanh.
Vì sao vậy?
Chị Nguyễn Thu Hải, giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng chia sẻ, nhiều người khi vào ngân hàng không kham nổi chỉ tiêu nên một thời gian ngắn đã xin nghỉ. Cũng có nhiều người chuyển sang ngân hàng khác vì chế độ ưu đãi khá hơn. Thậm chí có người còn coi ngân hàng là bước đệm để lấy kinh nghiệm rồi chuyển sang ngân hàng khác lớn hơn.
“Có cô bé vừa vào ngân hàng, nhận chỉ tiêu xong, 3 tuần sau đã thấy thỏ thẻ xin nghỉ việc. Hỏi ra mới biết cô ấy sợ không làm nổi. Có cậu lại thể hiện rất xuất sắc nhưng làm được vài tháng cũng nộp đơn để chuyển sang ngân hàng khác. Có trường hợp còn thâm niên gần chục năm ở ngân hàng, thuộc diện cán bộ nguồn bỗng dưng cũng xin nghỉ việc để về nhà kinh doanh tự do”, chị Hải kể.
Ngoài lý do người lao động tự nghỉ còn bởi ngân hàng mạnh tay thanh lọc. Trong quá trình tái cơ cấu toàn diện, các ngân hàng phải sắp xếp lại nhân sự, khiến cho có bộ phận dư thừa cán bộ, có những vị trí lại thiếu vắng trầm trọng. Dẫu vậy, do nguồn nhân lực khá dồi dào với hàng nghìn sinh viên chuyên ngành tốt nghiệp mỗi năm, cộng với lực lượng nhân sự đã có kinh nghiệm ở nhiều nhà băng muốn thay đổi môi trường làm việc, nên các ngân hàng không khó để tìm được người thay thế.
Không chỉ nhân viên, cả sếp ngân hàng cũng hay thay đổi
Sự luân chuyển nhân sự trong giới ngân hàng không chỉ diễn ra ở lớp nhân viên mà cả giới lãnh đạo cấp cao. Có thể kể đến vài trường hợp như nguyên Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Đức Vinh sang làm CEO ở VPBank. Tổng giám đốc Cù Anh Tuấn của ABBank hiện tại từng là lãnh đạo cấp cao của Techcombank và SCIC. Nguyên phó chủ tịch thường trực HĐQT của Maritimebank ông Đào Trọng Khanh năm ngoái sang làm Tổng giám đốc của Ngân hàng Quốc dân…Mới đây, Phó tổng giám đốc PVcomBank ông Nguyễn Quốc Khánh về làm Phó giám đốc trung tâm công nghệ thông tin của Vietcombank…
Chia sẻ về sự luân chuyển, theo nhiều lãnh đạo ngân hàng không phải họ thích “nhảy” việc mà bởi họ muốn tìm kiếm một môi trường hợp, một văn hóa làm viêc phù hợp với mình hơn, có cơ hội phát triển hơn.
“Ai chẳng muốn có một công việc ổn định, tuy nhiên môi trường làm việc và nhiều vấn đề khác không cho phép buộc chúng tôi phải tìm kiếm một nơi mới phù hợp hơn”, phó Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ. Cũng theo vị này, sự thay đổi từ lãnh đạo ngân hàng này sang ngân hàng khác đôi khi còn là sự thể hiện của thương hiệu của các cá nhân được giới tài chính và xã hội công nhận.
Trào lưu nhảy việc theo “team”
Làm việc theo nhóm (team) là đòi hỏi cần thiết ở nhiều bộ phận trong ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên thực tế này đôi khi dẫn đến việc khi người này nghỉ làm, đặc biệt là nhảy việc từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, sẽ kéo người khác cùng “team” đi theo.
Chị Thanh Thu, một cán bộ làm marketing của một ngân hàng cho biết, “team” của chị gồm 5 người làm việc rất ăn ý với nhau. Khi lãnh đạo của nhóm nghỉ việc chuyển sang nơi khác, những thành viên còn lai cũng có tâm lý đứng ngồi không yên. Kết quả là 5 tháng sau, cả nhóm lại “hội ngộ” ở nhà băng khác, còn ngân hàng kia cũng phải tuyến mới nguyên cả đội.
Hay như trường hợp của anh Quốc Tuấn đang làm ở bộ phận kinh doanh của ngân hàng N. Vị quản lý của anh đã làm cùng 6 năm nay, bỗng dưng xin nghỉ việc để định cư cùng chồng ở nước ngoài. Thế là sau vài tháng, non nửa bộ phận đó “ra đi” theo, người chuyển sang ngân hàng khác, người lại bỏ hẳn ngân hàng để làm nghề khác.
Nhiều người làm ngân hàng cũng thừa nhận, “nhảy việc” theo team không phải hiếm gặp, thậm chí còn là trào lưu khá phổ biến hiện nay. Và “team” ấy không chỉ bó hẹp trong giới nhân viên, mà còn xuất hiện cả trong giới lãnh đạo là các “sếp lớn” của nhà băng.
Điều này cũng dễ hiểu bởi các nhóm làm việc với nhau thường phải kết hợp trong một thời gian, các thành viên hiểu nhau rõ nên làm việc khá nhịp nhàng, hiệu quả. Khi một vài người trong nhóm dời đi sẽ gây nên sự xáo trộn, và nếu ai không bắt kịp được với nhịp độ mới thì sẽ dễ bị lạc lõng, dẫn đến hiệu quả công việc không như mong đợi.
Theo Trí thức trẻ/CafeF