Lớp dạy hát xẩm miễn phí cho học sinh tại Ninh Bình

Lớp dạy hát xẩm miễn phí cho học sinh tại huyện Yên Mô (Ninh Bình) được mở ra hàng năm nhằm tìm kiếm “truyền nhân” cho nghệ thuật hát xẩm Hà Thị Cầu. Đồng thời, lớp học cũng là hoạt động để khôi phục, bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát xẩm đang dần mai một trên quê hương “thần xẩm”.

Hơn 3 năm nay, lớp dạy hát xẩm miễn phí cho học sinh tại huyện Yên Mô (Ninh Bình) được mở ra thường xuyên tại thị trấn Yên Ninh và xã Yên Nhân. Lớp học thu hút gần 50 em tham gia, như một hoạt động không thể thiếu vào mỗi dịp hè.

Ông Lã Phú Hải, Phó phòng Văn hóa huyện Yên Mô cho biết, hai lớp dạy hát xẩm của huyện được mở ra theo đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm truyền thống” trên quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đồng thời, cũng nhằm đào tạo tài năng về môn nghệ thuật đặc biệt này cho học sinh.


Lớp học dạy hát xẩm mở ra mỗi dịp hè thu hút nhiều em học sinh tham gia

Theo đó, mỗi năm lớp dạy hát xẩm sẽ được mở dạy trong 2 tháng hè với hơn 30 tiết học. Đa số các em học sinh tham gia đều là học sinh các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện có niềm đam mê hát xẩm. Kinh phí tổ chức lớp học này được trích từ nguồn phát triển du lịch của địa phương.

Các em học sinh khi tham gia lớp học này sẽ không phải đóng một đồng học phí nào. Ngược lại, mỗi buổi học còn được khuyến khích số tiền 30 nghìn đồng. Được tuyển chọn vào các câu lạc bộ hát xẩm, hát chèo để tham dự các hội thi, hội diễn văn nghệ nhằm phát triển tài năng.

Cô Kim Ngân, người trực tiếp đứng lớp chia sẻ, đến với lớp học các cháu học sinh ngoài được giới thiệu về nghệ thuật hát xẩm, làm quen với đàn nhị, trống xẩm và sênh thì còn được truyền dạy các làn điệu xẩm mà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu từng hát như: xẩm chợ, xẩm thập âm, tàu điện và những sáng tác nổi tiếng của cụ Cầu.

Cũng theo cô Ngân, ban đầu khi lớp học mới mở ra, cô cùng với ban tổ chức chỉ mong sao các cháu yêu thích hát xẩm mà không bỏ học giữa chừng.

“Nghệ thuật hát xẩm đang dần bị mai một, với những người cao tuổi còn khó truyền dạy, bởi hát xẩm rất kén người học. Lớp mở ra được một thời gian, không ngờ các cháu lại yêu thích và hát rất hay nghệ thuật đặc biệt này”, cô Ngân nói.

Chỉ trong thời gian ngắn, các em học sinh đã có thể hát và thuộc lòng nhiều bài hát xẩm và nhấn, nhá, nhả chữ đúng chất với nghệ thuật hát xẩm của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nhiều em còn tự tin có thể vừa hát vừa gõ sênh.

“Nhiều cháu giờ say mê hát xẩm, không chỉ chờ đến hè lớp học mở ra mà ngày thường cũng hát và ôn luyện để tham gia tốt tại các hội diễn văn nghệ địa phương”, ông Hải cho hay.

Ngoài cô Ngân, lớp học còn có sự giúp sức của nhiều người từng là “truyền nhân” của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Trong đó có ông Vũ Văn Phó, một trong những người chơi đàn nhị “có một không hai” ở huyện Yên Mô. Khi nghệ nhân Cầu còn sống, ông Phó từng theo học nhiều năm. Có thời điểm, ông cũng từng được theo hầu cụ Cầu biểu diễn hát xẩm ở nhiều nơi. Vì thế, tiếng nhị của ông cũng mang đậm nét của “thần xẩm” Hà Thị Cầu.

“Thời nghệ nhân Cầu còn sống, nghệ thuật hát xẩm ít người biết và để ý đến. Giờ đang dần mai một, cần phải bảo tồn phát huy, được mời ra truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là các cháu học sinh tôi rất vui. Được thấy các cháu say mê hát xẩm tôi thấy lòng mình mãn nguyện hơn, giờ không còn lo sau khi nghệ nhân Cầu mất đi, nghệ thuật hát xẩm cũng chết theo nữa rồi”, ông Phó tâm sự.


Không chỉ các em học sinh nữ mà còn có cả học sinh nam cũng theo học hát xẩm, 
các bà đưa cháu đến lớp cũng tham gia học hát.

Em Thu Trang, một học sinh tâm sự: “Hai năm nay, cứ hè đến là cháu lại đến tham gia học hát xẩm. Cháu rất vui vì không chỉ được truyền dạy hát xẩm để bảo tồn văn hóa quê hương mà thấy nhiều bạn cũng đến tham gia. Nhiều bạn hát rất hay, có năng khiếu hát xẩm, đây là cơ hội rất tốt cho chúng cháu được phát triển tài năng của mình”.

Ông Lã Phú Hải chia sẻ thêm, ngoài việc tổ chức các lớp dạy hát xẩm vào mỗi dịp hè, dự án khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm của địa phương có thêm chủ trương sẽ đưa hát xẩm vào các trường học trong huyện.

“Ban đầu, các nghệ nhân sẽ dạy hát cho các giáo viên âm nhạc của các trường, sau đó các giáo viên này sẽ dạy hát cho các cháu học sinh. Từ đó, nghệ thuật hát xẩm sẽ phát triển mạnh mẽ, sẽ tìm kiếm được nhiều “truyền nhân” của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu hơn”, ông Hải nói.

Theo Dân Trí