Đề xuất này là một trong 5 đề nghị của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT TPHCM.
Cụ thể, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu ngành giáo dục cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ, chú trọng đổi mới tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học hiện đại, đề xuất thêm chương trình, giải pháp, chính sách để nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp cán bộ, giáo viên ngành giáo dục yên tâm công tác.
Nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm nhà giáo, theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được, có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực các nhân tố giỏi, tích cực.
Một số đề nghị khác của Bí thư Thăng như ngành giáo dục cần mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù của thành phố, nhằm mang lại hiệu quả tích cực; Nhanh chóng giảm tải chương trình phổ thông, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập với khu vực và quốc tế.
Ông Đinh La Thăng chia sẻ, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, áp lực của một thành phố lớn, đông dân cư nhưng ngành giáo dục có nhiều cố gắng đạt được nhiều thành tích tiêu biểu góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.
“Các con số đưa ra không phải để nhấn mạnh thành tích mà là để công khai cho người dân biết, giúp người dân hiểu rõ về thực tại của ngành giáo dục. Người dân rất sáng suốt và công bằng”, ông Thăng nói.
Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập của ngành giáo dục thành phố cần sớm khắc phục như nạn dạy thêm học thêm; chất lượng chuyên môn của giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh còn nhiều hạn chế; thiếu cơ sở và giáo viên được đào tạo theo chuẩn cho việc chăm sóc trẻ em ở độ tuổi mầm non.
Chưa thống nhất được đầu mối quản lý trong giáo dục nghề nghiệp, quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập; chương trình dạy kiến thức còn tạo áp lực lên học sinh và phụ huynh, hiện tượng quá tải học sinh trong lớp học còn xảy ra, còn tình trạng bạo lực học đường…
Sản phẩm của giáo dục đào tạo đang nằm ngoài nhu cầu xã hội
“Tôi đề nghị ngành giáo dục thành phố cần phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu sâu rộng về xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Hiện còn rất nhiều cử nhân đại học, thạc sĩ thậm chí tiến sĩ không được tuyển dụng hoặc làm không đúng ngành nghề được đào tạo khi ra trường trong cả nước là vấn đề cần rất cấp bách. Sản phẩm đào tạo của chúng ta đang nằm ngoài nhu cầu của xã hội gây cản trở cho sự phát triển.
Phải làm sao để sản phẩm giáo dục trở thành sản phẩm đầu vào cao cấp, chất lượng. Để được như vậy đào tạo phải lắng nghe xã hội, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng chứ không phải dựa vào những ưu thế của mình đề đào tạo theo kiểu áp đặt” – Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM
Theo Dân trí