Không gọi học sinh bằng tên tiếng Anh
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có hướng dẫn chuyên môn đối với môn tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2016-2017. Theo đó, đối với việc mời giáo viên (GV) bản ngữ, các trường dùng kinh phí xã hội hóa trong việc chi trả chi phí cho GV. Trong suốt giờ dạy của GV bản ngữ phải có GV trợ giảng và giáo viên trợ giảng không được phiên dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cho trẻ.
Các trường lên kế hoạch giảng dạy cụ thể ngay từ đầu năm học, phân chia công việc giảng dạy giữa GV bản ngữ và GV tại trường, tránh tình trạng GV bản ngữ vào lớp chỉ tổ chức chơi trò chơi mà không giảng dạy theo chương trình.
Đặc biệt, Sở lưu ý, GV bản ngữ phải gọi học sinh (HS) bằng tên tiếng Việt, tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho HS.
Nhà trường phải xem GV bản ngữ và GV dạy phần mềm hỗ trợ là thành viên trong hội đồng sư phạm. Họ phải tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa, hội họp của nhà trường ngoài giờ giảng dạy để tạo môi trương ngôn ngữ cho việc học tiếng Anh.
Về việc dự giờ, thăm lớp được thực hiện với tất cả giáo viên dạy tiếng Anh trong trường. Và hoạt động này nhằm mục đích giúp đỡ, trao đổi để nâng cao chất lượng giảng dạy cho GV, không nhằm mục đích đánh giá, xếp loại tiết dạy (ngoại trừ trường hợp thực hiện đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp GV).
Học sinh lớp 1 có 18 tuần làm quen chương trình tiếng Anh
Các trường ở TPHCM sẽ tổ chức cho HS tiểu học được học tiếng Anh theo một trong loại hình gồm: tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, tiếng Anh tự chọn (sẽ cuốn chiếu và kết thúc vào năm 2020) và tiếng Anh tích hợp (Các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh). Đối với HS lớp 1 và 2 sẽ vận động 100% HS được học tiếng Anh.
Lãnh đạo Sở lưu ý, các trường học chỉ dạy cho HS kỹ năng nghe, phát âm và nói, tuyệt đối không dạy chữ viết, văn phạm hoặc làm việc khác trong thời gian này. Sang học kỳ 2, từ tuần thứ 19 đến tuần 35 các em mới chính thức học chương trình tiếng Anh lớp 1.
Theo Dân trí