Đây là năm đầu tiên trong rất nhiều năm qua, các em HS phổ thông của TPHCM có tới gần 2 tháng rưỡi nghỉ hè trước khi trở lại trường; do chủ trương của TP về việc không tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc ôn tập hè từ đầu tháng 7 như những năm trước.
Đối với HS các lớp đầu cấp, lớp 1, lớp 6, ngày tựu trường 15/8 chủ yếu là để HS làm quen lại với trường lớp, gặp thầy cô và triển khai các công tác chuẩn bị cho năm học mới. Các trường THPT có thể cho HS bước vào học tập theo thời lượng chương trình yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, trong công tác chuẩn bị cho năm học, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường tuyên truyền, định hướng về mục đích, ý nghĩa của Ngày khai giảng, Lễ chào cờ Tổ quốc, hướng dẫn HS tập hát Quốc ca, Đội ca đúng nhạc và lời để hát tại các buổi lễ theo đúng nghi thức, thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam. Hướng dẫn HS ôn luyện bài thể dục buổi sáng, giữa giờ và bài thể dục chống mệt mỏi. Duy trì nề nếp thực hiện các bài thể dục nói trên và vận dụng vào tập luyện thường xuyên trong suốt năm học…
Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP cũng yêu cầu việc tổ chức các hoạt động đầu năm phải phù hợp điều kiện nhà trường, tâm sinh lý HS, gắn với thực tế địa phương, thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với HS. Đối với HS lớp 1 phải tạo được niềm tin, động lực học tập cho các em và không khí tươi vui phấn khởi trong nhà trường, tránh việc tổ chức máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức gây quá tải cho học sinh…
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT, để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trong năm học 2016 – 2017, TPHCM sẽ đưa vào sử dụng trên 1.900 phòng học mới với ngân sách đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; đồng thời chi 82 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học… nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho GD, ngành GD tiếp tục thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển GD-ĐT.
Bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ, trong năm học mới ngành GD&ĐT TP đề ra nhiều giải pháp đổi mới tư duy GD, đổi mới phương pháp dạy và học. Cụ thể ngành xây dựng “Đề án tổng thể phát triển GD&ĐT thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, với những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện, giảm tải cho HS.
Theo Giáo dục và Thời đại