Con cái yêu ở tuổi teen, cha mẹ nên ứng xử thế nào?

 Khi con cái yêu ở tuổi teen, thay vì nổi giận, cấm đoán, cha mẹ hãy chủ động làm bạn, chia sẻ với con từ những cái đơn giản để có thể đón đầu khủng hoảng tâm lý có thể xảy ra với trẻ.

Trong đời sống giới trẻ ở lứa tuổi học đường hiện nay, xu hướng các em nảy sinh tình cảm với bạn bè khác giới đã khá phổ biến. Điều này dễ dàng nhận thấy qua nhiều thông tin phản ánh về việc các em vô tư cặp kè, tình tứ nơi lớp học, chưa kể các em còn dùng không ít ngôn từ táo bạo để chia sẻ tình cảm thân mật.

Những ứng xử hầu hết của cha mẹ trong chuyện này là nóng giận, la mắng và cấm đoán trẻ. Điều này có thể khiến cha mẹ mắc sai lầm trong việc đón đầu và ngăn chặn kịp thời tình cảm của con khi chúng mắc phải.

Vậy làm sao để có thể ứng xử một cách tốt nhất với con, giúp con hình dung được việc đúng hay sai trong chuyện tình cảm khác giới cũng như có những giới hạn tốt nhất để không ảnh hưởng tới việc học tập và tương lai sau này? Đây cũng là điều rất nhiều cha mẹ quan tâm và trăn trở.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền khuyên các bậc cha mẹ nên hiểu được một chút về tình cảm của con trong các độ tuổi.

– Với những trẻ học lớp 5 trở xuống, nếu trẻ nói yêu hoặc quý bạn khác giới, cha mẹ nên hiểu đó như là một sự thần tượng của con về một bạn nào đấy. Trong trường hợp này, cha mẹ nên hỏi con kỹ hơn về lý do con cảm mến, yêu quý người bạn đó. Đó có thể vì bạn ấy học giỏi, vẽ đẹp hoặc hát hay,… để rồi phân tích cho trẻ hiểu sự khác nhau giữa yêu quý và yêu bạn ở trong từng trạng thái. Khuyên con nên dùng từ “con quý bạn” thay vì “con yêu bạn” để đúng với ngữ pháp hơn.


Ảnh minh họa

– Đối với trẻ từ lớp 6 trở lên, khi các con kể cho cha mẹ nghe về chuyện tình cảm khác giới, cha mẹ cần tỉnh táo một chút. Nguyên nhân có thể trẻ đang cảm mến một bạn nào đó và hỏi dò cha mẹ.

Cha mẹ không nên mắng hay ngăn cấm, thay vào đó là lắng nghe con chia sẻ, đồng thời đặt nhiều câu hỏi để biết cảm nhận của con về các vấn đề đó tốt hay xấu. Qua đó phân biệt, định hướng cho con nên dừng lại ở trạng thái tình cảm nào và khi nào con có thể đến với trạng thái tình cảm yêu đương khác giới.

– Việc quan tâm, để ý tới các bạn khác giới sẽ nhiều, thậm chí cao trào hơn khi trẻ ở độ tuổi lớp 8 trở lên. Bởi vậy, các bậc cha mẹ có con ở trong lứa tuổi này phải có sự nhạy cảm, song sự nhạy cảm ấy cần cương quyết và linh hoạt thì mới có thể đón đầu được con.

Trong độ tuổi này, trẻ sẽ có những chủ kiến, những sự cảnh giác, e ngại vì sợ bố mẹ cấm đoán. Do đó, khi phát hiện con có người yêu, cha mẹ không nên nóng giận, mắng mỏ và cấm đoán trẻ. Tốt nhất cha mẹ nên bình tĩnh, tìm hiểu, quan sát cung bật tình cảm, trạng thái của con để tìm ra hướng giải quyết.

Cha mẹ có thể hỏi con những câu hỏi như “Dạo này con vui vẻ vậy, hình như con có bạn trai rồi thì phải? hay “Sao hôm nay con buồn vậy? Ở lớp con giận nhau với người yêu à?,…”.

Sau những câu hỏi một cách tình cờ và vô tư trên trẻ sẽ coi bố mẹ như là một người bạn và dễ dàng chia sẻ chuyện tình của mình. Từ đó, bố mẹ có thể bắt đầu tiếp cận với các con một cách chính thống như cho phép con mời bạn về nhà chơi hay cùng với con ăn uống, chuyện trò để có thể quan sát sợi dây tình cảm của các con đang ở trong mức độ nào. Bản thân chúng có bị ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực ra sao.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, thực chất việc cảm mến và có tình cảm với người khác giới cũng là một sự khủng hoảng tâm lý trong tuổi dậy thì ở trẻ. Vì vậy, nếu cha mẹ làm bạn và chia sẻ với con từ những cái đơn giản ngay từ ban đầu sẽ giúp đón đầu được khủng hoảng tâm lý có thể xảy ra với trẻ. Đồng thời dễ dàng định hướng cho các con một cách tốt nhất để con có thể xử lý được khủng hoảng đó.

Ngoài ra, để kiểm soát một cách tốt nhất cũng như tạo cho con những mục tiêu trong học tập và tương lai đòi hỏi phải có sự gắn kết giữa hai gia đình. Sau khi tiếp cận và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các con, phụ huynh có thể ngồi lại với nhau tìm ra những giải pháp, định hướng và đặc biệt là đưa ra mục tiêu phấn đấu để đảm bảo việc học hành và tương lai sau này cho các con.

Theo Dân trí