Mẹ cần làm gì để phát triển trí não toàn diện cho bé?

Nắm vững và áp dụng bí quyết vàng: kết hợp đều đặn tương tác thông minh và dinh dưỡng phù vào đúng thời kỳ vàng của quá trình phát triển trí não – giai đoạn từ 0-6 tuổi của bé là yếu tố then chốt mà mẹ có thể tác động cho sự phát triển trí não toàn diện của bé.

Nắm vững và áp dụng bí quyết vàng: kết hợp đều đặn tương tác thông minh và dinh dưỡng phù vào đúng thời kỳ vàng của quá trình phát triển trí não – giai đoạn từ 0-6 tuổi của bé là yếu tố then chốt mà mẹ có thể tác động cho sự phát triển trí não toàn diện của bé.
Thực hành tương tác thông minh

Não bộ là trung khu điều khiển và kiểm soát toàn bộ quá trình học hỏi của bé, gồm 4 khu vực quan trọng, chi phối sự phát triển của 4 khía cạnh then chốt: Trí thông minh, Vận động, Cảm xúc và Giao tiếp. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thời kỳ vàng của quá trình phát triển trí não của bé là giai đoạn từ 0-6 tuổi. Do vậy, để giúp bé phát triển trí não toàn diện, mẹ cần kích thích trí não bé ngay từ trong bụng mẹ và kiên trì cho đến khi bé 6 tuổi.


Thời kỳ vàng của quá trình phát triển trí não

Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Minh Anh chia sẻ: “Gen di truyền chỉ đóng vai trò ảnh hưởng đến trí thông minh của bé, phần quyết định đến trí thông minh của bé chính là quá trình trải nghiệm thích ứng với môi trường cùng sự hấp thụ dinh dưỡng mà bé có được từ khi còn là thai nhi cho đến lúc chào đời và kéo dài trong suốt chặng đường khôn lớn từ 0 đến 6 tuổi”. Do vậy  mẹ hãy thường xuyên theo dõi sự phát triển của từng khía cạnh then chốt như đã nêu vào mỗi giai đoạn phát triển và thực hành các bài tập kích thích tương ứng lên 4 khía cạnh then chốt để giúp bé có sự phát triển toàn diện và vượt trội. Đây là một vài gợi ý cho bé từ 2 đến 6 tuổi:

Trí thông minh: cùng bé chơi trò thám tử tìm đồ vật bị giấu, gọi tên thời tiết như mưa, nắng, âm u và có nên ra ngoài không, nếu có thì nên mặc quần áo như thế nào, ví dụ: khi trời nắng thì phải đội nón, trời mưa thì che dù hoặc mặc áo mưa, trời âm u thì cần đi nhanh hơn…

Kỹ năng vận động: cùng nghe nhạc và diễn theo lời bài hát như “hoa nở”, “mặt như mèo”, “ôm vào lòng”, “em cầm cây đàn em hát”…

Cảm xúc: cùng bé xem album ảnh, yêu cầu bé tìm và gọi tên người thân, diễn tả nét mặt theo trạng thái của nhân vật trong truyện (bà phù thủy nhăn mặt xấu xí, cô bé Lọ Lem vui vẻ rạng rỡ khi được mặc đồ đẹp)

Giao tiếp: làm giàu vốn từ vựng của bé thông qua các hoạt động ngoài trời, các chuyến du lịch ( biển, núi, rừng sinh thái) xa, dã ngoại ở vùng quê… Tạo một bộ sưu tập hình và gọi tên, yêu cầu bé chọn đúng bức hình đó…

Cùng bé thực hiện những tương tác thông minh, giúp bé phát triển trí não toàn diện

Cung cấp dinh dưỡng “bổ não”

Nhu cầu năng lượng của bé trong độ tuổi từ 2 đến 6 vào khoảng 1.300 – 1.600 kcal/ngày. Như vậy, mỗi ngày bé sẽ ăn khoảng 3-4 chén cơm, 100-120g thức ăn giàu đạm (thịt, cả, tôm, cua…), 100 – 200g rau củ và khoảng 30ml dầu ăn để chế biến thức ăn, với khoảng 400 – 500ml sữa và chế phẩm từ sữa. Thức ăn của bé nên nêm ít mắm, muối; và hạn chế những thức ăn hạt cứng nhỏ (đậu, kẹo…) vì nguy cơ hít sặc còn cao.

Đặc biệt, ở giai đoạn này, não bé tiếp tục phát triển và đạt kích thước bằng với người trưởng thành lúc 6 tuổi. Vì vậy, trong chế độ ăn của bé vẫn phải chú trọng bổ sung các dưỡng chất cần cho sự phát triển trí não như DHA, Choline, kẽm, I-ốt, vitamin B12, Betaglucan… để giúp bé hoàn thiện cấu trúc, mạng lưới kết nối thần kinh và phát triển 4 khía cạnh then chốt của trí não: trí thông minh, kỹ năng vận động, cảm xúc và giao tiếp. Vì vậy, mẹ cần cố gắng duy trì cho bé uống 3 ly sữa đều đặn mỗi ngày.

Như một tòa nhà cần nền móng vững chắc, để bé yêu có một tương lai tươi sáng, mẹ cần giúp bé phát triển trí não toàn diện ngay từ những năm tháng đầu đời. Với những bí quyết được tiết lộ vừa nêu, mẹ có thể thấy rằng mang đến cho con một nền tảng trí não toàn diện, vững chắc không hề khó, chỉ cần mẹ kiên trì và sáng suốt trong hành trình liên tục này.

Theo Thanh niên