Sự thống trị của Data qua cái nhìn từ Google

Có lẽ, trong một tương lai không xa, con người sẽ quyết định sinh con, kết hôn hay tất cả những quyết định trọng đại khác dựa trên thuật toán và con số thay vì cảm xúc và hiểu biết của bản thân.


Ảnh minh họa
Trong hàng nghìn năm trước, loài người đã từng tin vào quyền năng của các vị thần và mỗi lựa chọn của con người là ý chí của một vị chúa trời nào đó. Đến thời kỳ hiện đại, các nhà khoa học và nhân quyền bắt đầu đã có những cuộc cách mạng khiến con người tin vào bản thân cũng như tự ra quyết định cho mình.

Theo đó, con người làm những gì họ thấy đúng hoặc thấy cần thiết và việc tuân theo cảm xúc, ý chí cá nhân là quyền tự do thiêng liêng của nhân loại.

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các thuật toán, con người giờ đây bị chi phối và ảnh hưởng bởi số liệu, khảo sát hoặc những khuyến nghị từ chính những thuật toán do loài người tạo ra.

Loài người hiện đã sáng tạo ra những công nghệ phi thường, nhưng chính những kỹ thuật này khiến con người phụ thuộc vào nó mà không nhận ra. Mỗi ngày, mọi người đều bận nhận vô số thông tin dữ liệu qua email, gọi điện thoại, đọc các bản báo cáo, xử lý số liệu và chuyển chúng qua các email, cuộc gọi.

Cứ như vậy, con người giờ đây trở thành một phần trong dòng chảy số liệu thay vì tạm ngừng lại một phút để tự hỏi họ thực sự muốn thứ gì.

Đã bao giờ các bạn tự ngồi xuống và xem công việc mình đang làm đóng góp thế nào cho thế giới? Các bạn đã bao giờ tự dừng lại một phút và tự hỏi mình có thực sự thích công việc này, chúng có phù hợp với mình hay không?

Hầu như tất cả mọi người chẳng mấy khi để ý, bởi họ còn đang bận làm việc, trả lời email, điện thoại và trên hết là kiếm tiền.

Cũng như trong lý thuyết về kinh tế với quan điểm bàn tay vô hình, sức mạnh của thị trường tự do chi phối mọi hoạt động kinh doanh, lý thuyết về tự do cá nhân ngày nay cũng nảy sinh quan điểm về bàn tay vô hình của dòng chảy số liệu.

Theo đó, việc kết nối các số liệu đang ngày càng trở nên quyền lực hơn và chúng buộc con người phải trôi theo. Sếp của bạn cần email báo cáo và bạn phải làm dù chẳng muốn. Đối tác của bạn muốn bạn gọi lại vào tối muộn dù bạn đã làm việc mệt nhoài…

Thậm chí, cuộc sống giờ đây gắn liền với số liệu, với mạng xã hội, với đủ thứ công nghệ. Nếu bạn trải nghiệm một thứ gì đó, bạn thường lưu nó lại, tải chúng lên mạng, chia sẻ chúng với mọi người. Hàng loạt những ứng dụng cho phép bạn quay video, upload ảnh hay chia sẻ những gì mình muốn với mọi người xung quanh ra đời và được sử dụng rộng rãi.

Máy móc giờ đây hiểu con người hơn bản thân họ

Quan điểm nghe theo trái tim của bản thân, sống theo phong cách đích thực của mình, tin tưởng vào những gì mà bản thân cảm thấy ngày nay đã không còn. Thay vào đó, mọi người tin vào số liệu, khảo sát, nghiên cứu, trào lưu trên mạng xã hội.

Thậm chí các nhà khoa học ngày nay cũng đã phát triển quan điểm cảm xúc của con người chỉ là do những hóc môn kích thích não bộ và hành vi của mọi người có thể dự đoán, tính toán được thông qua những phản ứng và điều kiện nhất định.

Theo đó, giả sử khi một người gặp nguy hiểm, não bộ dựa trên tình hình cụ thể và tính toán ra được khả năng tử vong là cao, qua đó tiết ra những hóc môn khiến con người có cảm xúc sợ hãi.

Như vậy, tính cách, cảm xúc hay suy nghĩ của một người hoàn toàn có thể sự đoán được nếu biết cách. Đây có lẽ là lý do khiến những trang mạng cá nhân như Facebook hay các kết quả lướt web của chúng ta trên Google lại đáng giá đến vậy.

Suy cho cùng, dữ liệu khách hàng của các công ty công nghệ này là cơ sở để hàng loạt những doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức dự đoán hành vi, cảm xúc của khách hàng, cử tri hay đối tượng mà họ quan tâm.

Con người có thể quên những ứng dụng mà họ mua, những trang web mà họ đăng nhập hay những nút “thích” họ bấm trên Facebook, nhưng hệ thống máy tính thì không. Chúng lưu lại mọi hành động của người dùng và dự đoán hành vi cũng như mối quan tâm của họ.

Kể từ đây, cảm xúc và suy nghĩ của con người bị mặc định. Người tiêu dùng ngày nay khó chịu với những quảng cáo, những khuyến nghị mua hàng dựa trên kết quả tìm kiếm hay số liệu cung cấp từ Google và Facebook.

Tuy nhiên, không phải mọi người tiêu dùng đều khó chịu với những khuyến nghị này. Một ví dụ nổi tiếng là việc nữ diễn viên Angelina Jolie phẫu thuật ngực nhằm tránh rủi ro bị ung thư vú. Năm 2013, một cuộc thử nghiệm về gen cho thấy khả năng bị ung thư vú của Jolie là 87% và mặc dù không hề có biểu hiện nào của ung thư, nhưng Jolie vẫn quyết định phẫu thuật cắt bỏ nhằm phòng tránh nguy cơ.

“Bạn có thể không cảm thấy gì khác lạ nhưng nhiều rủi ro vẫn đang tiềm ẩn trong chính gen của bạn. Vì vậy, hãy làm gì đó ngay bây giờ”, cô Jolie nói.

Rõ ràng, thời kỳ khi người bênh cảm thấy không khỏe và đến bác sỹ để khám đã qua. Con người giờ đây tin vào số liệu và máy móc hơn chính bản thân họ.

Kết hôn theo Google

Có một mẩu chuyện khá thú vị về ảnh hưởng của cong nghệ và số liệu ngày nay đối với đời sống xã hội con người.

Một cô gái đang có 2 người theo đuổi là John và Paul. Cô gái đó thích cả 2 theo cách khác nhau nhưng phân vân không thể chọn lựa. Cuối cùng cô hỏi Google để cho lời khuyên và đây là câu trả lời:

“Chúng tôi đã dõi theo cô từ khi mới lọt lòng từ những bức ảnh cha mẹ cô đăng lên mạng hay các hồ sơ y tế. Chúng tôi cũng đã đọc toàn bộ các email, lưu lại những cuộc gọi, rà soát tất cả các bộ phim cô thích cũng như tra xét được mã ADN của cô.

Chúng tôi cũng có số liệu chính xác về mỗi cuộc hẹn hay mối tính mà cô trải qua. Đặc biệt, chúng tôi ghi lại được chính xác nhịp tim, huyết áp và lượng đường trong máu mỗi khi cô hẹn John hay Paul.

Dựa trên những số liệu này cùng những khảo sát về hàng triệu mối quan hệ trong nhiều thập niên qua, chúng tôi khuyến nghị cô yêu John với 87% khả năng 2 người sẽ gắn bó dài lâu trong tương lai.

Chúng tôi cũng biết là bạn không thích kết quả này bởi Paul đẹp trai hơn John và bạn khá coi trọng vẻ bề ngoài. Thậm chí chúng tôi biết trong thâm tâm bạn muốn chọn Paul. Tuy nhiên, số liệu cho thấy di truyền gen của bạn và số liệu sinh hóa của bạn có nguồn gốc từ Châu Phi. Tại thời điểm đó, những người Châu Phi chỉ đặt 35% tỷ lệ cho vẻ bề ngoài khi tìm bạn tình.

Các khảo sát của chúng tôi cũng cho tháy vẻ bề ngoài chỉ chiếm 14% thành công trong các cuộc yêu đương dài hạn. Vì vậy dù chúng tôi đã tính toán vẻ đẹp trai của Paul nhưng chúng tôi vẫn khuyến nghị bạn hẹn hò với John.”

Tất nhiên, Google hay những công ty công nghệ không phải vạn năng và cũng có thể sai. Tuy nhiên, do có kho dữ liệu khổng lồ nên nhiều người mặc định câu trả lời của Google đáng để xem xét thay vì dựa trên cảm xúc thực của bản thân. Kết quả là đôi khi con người mắc những sai lầm tệ hại khi nghe theo số liệu hay những trào lưu, khuyến nghị trên mạng.

Mặc dù vậy, số liệu và những ứng dụng ngày nay vẫn ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định của con người bởi nhiều người vẫn không biết rõ bản thân. Họ không biết mình thực sự muốn gì và kiến thức hay sự hiểu biết của họ là có hạn. Điều này khiến đa số mọi người quyết định làm theo lời khuyên của công nghệm, ứng dụng, kho số liệu hay những khuyến nghị của cộng đồng mạng.

Có lẽ, trong một tương lai không xa, con người sẽ quyết định sinh con, kết hôn hay tất cả những quyết định trọng đại khác dựa trên thuật toán và con số thay vì cảm xúc và hiểu biết của bản thân. Nguyên nhân rất dễ hiểu, con số thì hoàn toàn rõ ràng và nếu sai lầm thì do thuật toán chưa chính xác, trong khi cảm xúc rất khó đoán và không nhiều người dám dũng cảm chấp nhận hậu quả do chính bản thân mình gây ra.

Theo Trí Thức Trẻ